Giảm thiểu thiệt hại do nCoV

Ngành giao thông đang tăng cường các biện pháp phòng dịch nCoV ở các đầu mối, phương tiện giao thông. Các ngành chức năng cũng tìm nhiều giải pháp để giải cứu nông sản do sụt giảm số lượng xuất khẩu.

Phun thuốc khử trùng phương tiện giao thông

Do dịch nCoV đã lan rộng đến nhiều quốc gia, công tác phòng chống dịch vẫn đang được các cảng vụ hàng không, các hãng hàng không tăng cường. Các biện pháp như sử dụng khẩu trang, khử trùng các vật dụng, hạn chế một số dịch vụ mặt đất và trên không được các hãng tuân thủ nghiêm túc. Đặc biệt, các chuyến bay đi Trung Quốc đại lục, Hồng Công, Ma Cao, Đài Loan, Bangkok (Thái Lan) và các chuyến bay có hành khách bất thường về sức khỏe đều được phun thuốc khử trùng. 

Khử trùng trên các chuyến bay. Ảnh: Vietnam+
Ngành đường sắt cũng tăng cường các biện pháp phòng dịch nCoV. Bà Phùng Thị Lý Hà, Phó Giám đốc Công ty Vận tải đường sắt Hà Nội, cho biết các nhà ga, phòng đợi đoàn tàu khách đều liên tục được phun thuốc khử trùng. Đặc biệt, những ngày gần đây, các đơn vị đường sắt còn cho nhân viên vệ sinh, lau chùi bằng dung dịch khử khuẩn bàn ghế trên tàu, tay nắm cửa lên xuống toa xe, tay nắm cửa buồng vệ sinh, bề mặt máy kiểm soát vé tự động, ki-ốt mua vé... 


Trong lĩnh vực đường bộ, Tổng cục Đường bộ Việt Nam (ĐBVN) cho biết, các đơn vị kinh doanh khai thác bến xe đều đã phun thuốc khử trùng trong và ngoài khu vực bến, các phương tiện trong bến; bố trí dung dịch, xà phòng rửa tay và khẩu trang dự phòng. Hiện các địa phương, các đơn vị kinh doanh vận tải hành khách quốc tế đang kiểm soát chặt chẽ phương tiện kinh doanh vận tải liên vận qua lại biên giới với các nước Lào, Campuchia và Trung Quốc.

Đặc biệt, các sở GTVT có đường biên giới giữa Việt Nam - Trung Quốc đang tạm thời ngừng cấp phép liên vận cho phương tiện từ Việt Nam đến vùng có dịch của Trung Quốc và chiều ngược lại. Sở GTVT TP Hà Nội, Sở GTVT TP Hải Phòng đã chỉ đạo các bến xe tạm dừng hoạt động các phương tiện vận tải hành khách từ Trung Quốc về Việt Nam (tuyến Hà Nội - Nam Ninh, tuyến Hải Phòng - Hạ Long - Nam Ninh). Tổng cục ĐBVN cũng yêu cầu các đơn vị liên quan xem xét điều chỉnh kế hoạch sát hạch, số lượng học viên tham dự mỗi kỳ sát hạch lái xe phù hợp, đảm bảo các yêu cầu về vệ sinh, hạn chế sự lây nhiễm. 

Về lĩnh vực hàng hải, sau sự việc du thuyền Diamond Princess (có 130 người nhiễm nCoV đang bị cách ly ngoài khơi Nhật Bản; có ghé qua Việt Nam và 21 hướng dẫn viên Việt Nam có tiếp xúc với khách đoàn), Cục Hàng hải Việt Nam đã yêu cầu các cảng vụ trực thuộc tăng cường kiểm soát tàu, thuyền ra vào cảng biển, đặc biệt là tàu khách du lịch. Hiện các tàu du lịch vào cảng đều phải khai báo đầy đủ thông tin sức khỏe thuyền viên và hành khách, lịch trình của hành khách cũng được rà soát. Đặc biệt, cảng vụ Hải Phòng đã thực hiện các biện pháp an toàn cần thiết trong công tác kiểm tra đối với các tàu đã ghé qua các cảng thuộc Trung Quốc trong khoảng thời gian 14 ngày trước khi đến Hải Phòng. Cảng vụ hàng hải TPHCM cho biết chỉ chấp thuận cho tàu thuyền hành trình vào hoạt động tại khu vực vùng nước cảng biển sau khi đã được cơ quan kiểm dịch y tế kiểm tra và không có nguy cơ nhiễm dịch bệnh. 

Đẩy mạnh tiêu thụ nông sản

Sở Công thương TPHCM cho biết đã làm việc với Hội Lương thực, thực phẩm TP, toàn bộ các hệ thống phân phối trên địa bàn TP, 3 chợ đầu mối, các DN chế biến thực phẩm (có chức năng sấy khô nông sản), triển khai các phương án tiêu thụ nông sản, góp phần giảm thiệt hại ở mức thấp nhất cho các nhà vườn. 

Hệ thống siêu thị góp phần giải cứu nông sản
Theo đó, TPHCM yêu cầu các hệ thống phân phối, 3 chợ đầu mối tăng cường tổ chức thu mua các mặt hàng thanh long, dưa hấu tươi, đồng thời thực hiện các chương trình kích cầu tiêu dùng thông qua các hoạt động truyền thông, quảng bá, khuyến mãi, bán hàng không lợi nhuận và tổ chức khu vực bày bán riêng cho các mặt hàng này.

Kết quả, sau gần 10 ngày “giải cứu” nông sản, sản lượng tiêu thụ tại các hệ thống như Saigon Co.op, Big C, Lotte Mart… đã tăng gấp nhiều lần so với trước đây. Cụ thể, từ ngày 3-2 đến 9-2, Saigon Co.op tiêu thụ 84 tấn thanh long, 80 tấn dưa hấu (bình quân mỗi ngày 12 tấn thanh long, 11,5 tấn dưa hấu) tăng 2,5-3,5 lần so ngày thường. Tại hệ thống Vinmart tiêu thụ 85 tấn thanh long, 200 tấn dưa hấu (bình quân mỗi ngày 21,3 tấn thanh long, 50 tấn dưa hấu), tăng hơn 10 lần so ngày thường. Tại hệ thống Big C tiêu thụ 141 tấn thanh long, 228 tấn dưa hấu (bình quân mỗi ngày 23,5 tấn thanh long, 38 tấn dưa hấu), tăng gấp 4 - 8 lần. Hệ thống Lotte Mart tiêu thụ 20 tấn thanh long, 50 tấn dưa hấu (bình quân mỗi ngày 2,8 tấn thanh long, 7,1 tấn dưa hấu); tăng gấp 3 lần. Hệ thống MM Mega Market tiêu thụ 30 tấn thanh long, 70 tấn dưa hấu…

Ông Đặng Ngọc Cẩn, Tổng Giám đốc Lavifood (Bến Lức, Long An), cho biết, những ngày qua, Lavifood mua trên 1.000 tấn thanh long với giá 12.000 đồng/kg, cao hơn 4.000-5.000 đồng/kg so với thương lái. Với công nghệ hiện đại, chỉ riêng mặt hàng thanh long, Nhà máy Lavifood đã chế biến thành 5 dòng sản phẩm và sẽ đưa ra thị trường trong thời gian tới.

Ngày 11-2, tại buổi làm việc với 2 tỉnh Tiền Giang và Long An, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường cho biết, tình hình tiêu thụ nông sản hiện nay khá khó khăn do ảnh hưởng từ dịch bệnh nCoV. Hiện vẫn còn nhiều xe hàng đang ách tắc tại các cửa khẩu với Trung Quốc chưa thể thông quan. Trước tình hình đó, bộ cùng các đơn vị liên quan và các địa phương đã và đang thực hiện nhiều giải pháp cấp bách, quyết liệt để giải quyết khó khăn trước mắt. Trong đó tích cực làm việc với cơ quan chuyên môn phía Trung Quốc để thúc đẩy xuất khẩu; đồng thời phối hợp với các doanh nghiệp để xúc tiến tiêu thụ trong nước.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đề nghị các tỉnh rà soát lại việc sản xuất nông nghiệp, thực hiện hiệu quả tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa bền vững.

Tin cùng chuyên mục