Mở nhiều trường đại học để làm gì?

Mở nhiều trường đại học để làm gì?
Mở nhiều trường đại học để làm gì? ảnh 1

Đến mùa tuyển sinh ĐH-CĐ hàng triệu thí sinh lại khăn gói dự thi. Ảnh: Thí sinh dự thi tuyển vào ĐH Công nghệ Thông tin năm 2007. Ảnh: MAI HẢI

Vậy là, cho đến nay, hầu như 36 tỉnh thành đều có trường đại học (ĐH), hoặc “nhấp nhứ” có trường ĐH, thậm chí một tỉnh có 2 - 3 trường. Đó phải chăng là dấu hiệu của “sự phát triển” hay “xã hội hóa”, “đào tạo nhân lực bậc cao”?

Rõ ràng, muốn phát triển kinh tế, xã hội thì giáo dục ĐH đóng một vai trò hết sức quan trọng. Nhưng vấn đề là, chất lượng của đội ngũ nhân lực đó ra sao? Điều này đòi hỏi hệ thống giáo dục ĐH phải hoàn chỉnh với chương trình, đội ngũ giảng viên đạt chất lượng để có một đầu ra đáp ứng được các tiêu chí của các nhà tuyển dụng, cũng như yêu cầu xã hội mà người ta gọi nôm na là “chất lượng đầu ra”. Tổ chức đào tạo ĐH như hiện nay, tôi e rằng điều này khó thực hiện nổi.

Chúng ta đang mở quá nhiều trường ĐH, vượt quá sức chịu tải của năng lực vật chất và năng lực chuyên môn của chính mình. Người ta lập luận rằng, chỉ tiêu tốt nghiệp ĐH trên 10.000 dân của ta còn thấp, thấp hơn các nước trong khu vực. Vì vậy, theo họ, cần đẩy nhanh số lượng, tức là mở nhiều trường ĐH. Thế nhưng, số lượng thầy giáo có trình độ dạy được ĐH lại rất giới hạn. Tiêu chuẩn 25 sinh viên/giảng viên, và giảng viên phải có trình độ từ thạc sĩ trở lên mới được đứng lớp. Vậy ta có 40 trường ĐH, lấy trung bình mỗi trường 10.000 sinh viên, ta phải có: 40 x 10.000 = 400.000 SV, vậy phải có 400.000/25 = 16.000 giảng viên có đủ trình độ.

Theo tiêu chuẩn quốc tế, cứ mỗi một bộ môn cần ít nhất 1 giáo sư hay 1 phó giáo sư làm trưởng bộ môn. Điều này với ta hiện nay là không tưởng, vì có nhiều trường ĐH đến nay chưa có một GS nào, nói gì đến từng bộ môn. Bộ GD-ĐT đang hô hào nâng cao chất lượng, thông qua các cuộc kiểm định đánh giá chất lượng các trường ĐH. Nhưng bảo đảm chất lượng đào tạo thế nào được, khi mà, thầy giáo thiếu cả số lượng lẫn chất lượng.

Những trường lớn như Đại học Quốc gia, trường có thương hiệu rồi vẫn đang lâm vào cảnh khủng hoảng thiếu giảng viên chất lượng, thế thì nói gì đến trường nhỏ, nhất là các trường dân lập, tư thục. Vì thiếu giảng viên, người ta đang săn lùng, đôn lên, hay dùng tay ngang… để giảng dạy. Những trường ở vùng sâu, vùng xa, những trường mới từ cao đẳng cộng đồng, ngủ một đêm, trở thành ĐH, thì hiện tượng “trống trơn” giảng viên có trình độ rất phổ biến.

Cũng giống như ở vùng Tây Nguyên trồng cà phê, mùa khô, nước tưới cho cây hết sức cần thiết. Do vậy, nhà nhà khoan giếng, người người có giếng khoan. Nhưng, tổng lượng nước dưới đất lại có hạn, và là một số không đổi. Nhiều người khoan giếng và đồng thời bơm hút nước một lần, trong lúc nguồn nước bổ cấp không có, thì nước ngầm sẽ cạn nhanh và dẫn đến khô kiệt. Người ta lại thi nhau khoan sâu hơn, nhưng rồi, kết quả không khá hơn được, cạn kiệt nguồn nước càng đến sớm hơn, nguy kịch hơn.

Tình trạng giáo dục ĐH cũng vậy! Nếu tỉnh tỉnh có ĐH, người người học ĐH thì thầy đâu cho đủ mà dạy. Mặt khác, một trường ĐH phải có đủ cơ sở vật chất tối thiểu để thực tập và nhất là để nghiên cứu. Mà đầu tư cho giáo dục ĐH, ngoài học phí, phải tối thiểu cũng 3 triệu đồng/SV/năm. Vậy là 400.000 SV x 3 triệu/SV/năm = 1.200.000 triệu đồng/năm, đó là chưa nói đến hiện đại hóa nền ĐH. Một khoản tiền không nhỏ. Cơ sở vật chất trường lớp cũng đâu có “úm bala” ra ngay được.

Ở các nước đang phát triển, như Indonesia, mỗi ĐH cũng có riêng diện tích vài chục hécta, ngoài việc có đủ giảng đường, phòng thí nghiệm, thư viện đạt chuẩn, họ còn có sân bóng đá, công viên, hồ bơi, nhà ở cho gia đình giảng viên, cư xá cho sinh viên, có thư viện, có những vườn cây bóng mát, đường đi, không gian yên tĩnh, môi trường của một ĐH. Còn ở ta, một trường ĐH ra đời, chỉ là do giỏi chạy thủ tục qua các cửa mà thôi, còn bản thân trường thì thiếu nhiều thứ: cơ sở vật chất, thầy, phòng học.

Cũng giống như khoan giếng, thà rằng chỉ một số nhà khoan giếng thôi, thì, mặc dù diện tích được tưới không nhiều, nhưng có hiệu quả, còn hơn là nhà nhà khoan giếng, người người có giếng khoan thì chả có ai lấy được nước cả! Thà rằng chỉ mở một số trường ĐH vừa phải, cân đối với số lượng thầy, số lượng trang thiết bị, phòng học, thì sinh viên ra trường sẽ có chất lượng, còn hơn mở như hiện nay, sinh viên kỹ thuật, công nghệ mà học chay! Ra trường thành những kỹ sư “gà mờ”, vào xí nghiệp giống như từ trên trời rơi xuống vậy! Lý thuyết cũng không thông mà tay nghề càng dở. Sẽ có bao nhiêu kỹ sư ra trường có vỏ mà không có ruột?

Chủ trương của Bộ GD-ĐT là nâng cao chất lượng, mà lại phát triển tràn lan, ĐH mọc lên như nấm sau mưa thế này thì e rằng 2 xu hướng này sẽ “đá” nhau chí chết! Một trường ĐH muốn có thương hiệu phải tốn bao nhiêu công sức, tiền của và chất xám của bao thế hệ, đâu dễ gì một vài ngày đã có ngay. Ấy vậy mà ta lại xem thường ý nghĩa thật sự của uy tín, thương hiệu của ĐH. Không hiểu ngành đào tạo ĐH nước nhà sẽ đi đến đâu trong tương lai, nhưng với tình trạng này ta sẽ bị tụt hậu, các trường kéo nhau chết chìm. Sinh viên ra trường không thể mơ tưởng sẽ kiếm được việc làm theo nghề học như ở các nước khu vực Malaysia, Singapore, mà ngay cả ở trong nước cũng sẽ bị các nhà tuyển dụng chê, loại thải.

Giáo dục ĐH là quốc sách. Chẳng lẽ ta vẫn chấp nhận phát triển theo kiểu này? Chúng ta xót xa mà tự hỏi: Khi nào thì ta có một đường lối giáo dục ĐH hoàn thiện, ổn định và sẽ còn thử nghiệm đến bao giờ nữa? .

GS TSKH LÊ HUY BÁ
Viện KHCN-QLMT, ĐH Công nghiệp TPHCM

Tin cùng chuyên mục