Cuộc đua chiếm lĩnh... bầu trời

Cuộc đua chiếm lĩnh... bầu trời

Kết thúc Triển lãm hàng không quốc tế Farnborough Airshow (FIA) sau 1 tuần diễn ra sôi nổi tại Hampshire (Anh), 2 hãng máy bay lớn nhất thế giới hiện nay là Airbus (châu Âu) và Boeing (Mỹ) đều công bố thắng đậm. Nếu thị phần hàng không quân sự có phần nghiêng về Boeing thì Airbus nắm giữ chủ lực thị trường hàng không dân sự.

Tăng tốc sản xuất

Triển lãm lần này thu hút 70 đoàn quân sự đến từ 46 nước và 13 đoàn dân sự từ 10 nước tới tham dự. Airbus và Boeing vẫn là tâm điểm của cuộc triển lãm. Airbus ngay hôm mở màn đã giới thiệu máy bay dân dụng A330neo, phiên bản nâng cấp được chờ đợi bấy lâu của A330. Máy bay A330neo giúp tiết kiệm 14% nhiên liệu, có khoang hành khách rộng hơn cũng như sải cánh lớn hơn. Đây được coi là đối thủ trực tiếp của 787 Dreamliner của Boeing.

Máy bay A330neo của Airbus.

Máy bay A330neo của Airbus.

Trong 3 ngày đầu triển lãm, Airbus và Boeing đã thu về những hợp đồng có tổng trị giá lên đến 100 tỷ USD. Trong đó, Airbus nhỉnh hơn với 60 tỷ USD. Trong chặng nước rút, Airbus đã bứt phá ngoạn mục với 75 tỷ USD tổng giá trị các hợp đồng và thỏa thuận. Theo đó, các hãng hàng không quốc tế đặt mua của Airbus tổng cộng 496 máy bay các loại, trong đó A330neo chiếm tỷ lệ cao nhất. Đây là lần thứ hai liên tiếp Airbus qua mặt Boeing về tổng giá trị hợp đồng ký kết tại các cuộc triển lãm hàng không quốc tế. Trước đó là FIA năm 2013 diễn ra tại Paris, Pháp.

Tính đến ngày bế mạc, Boeing chỉ nhận được 40,2 tỷ USD trong các hợp đồng. Tuy nhiên, theo thống kê được công bố trước triển lãm thì trong quý 1 năm nay, Boeing cho biết đã thu được các đơn hàng trị giá 374 tỷ USD. Hãng Bombardier của Canada cũng thắng lớn với hàng loạt máy bay CSeries và Q400.

Theo kết quả khảo sát của Boeing công bố hồi trung tuần tháng 7, khu vực châu Á - Thái Bình Dương trong 20 năm tới sẽ bùng nổ nhu cầu mua sắm máy bay dân dụng. Trong thời gian từ năm 2014 đến năm 2033, các hãng hàng không toàn cầu có nhu cầu mua thêm 36.770 máy bay chở khách mới với tổng chi phí khoảng 5.200 tỷ USD. Khu vực châu Á - Thái Bình Dương chiếm 37% với nhu cầu 13.000 máy bay. Trong số máy bay mà các hãng hàng không sẽ mua trong 20 năm tới, các thế hệ máy bay hạng trung, chở hơn 230 hành khách, sẽ chiếm khoảng 70%. Nếu vậy, đến năm 2020, Boeing sẽ phải cho ra lò mỗi năm 1.500 máy bay thay vì 1.200 chiếc như hiện tại. Về phần mình, Airbus đã nâng mức độ sản xuất từ 28 chiếc máy bay/tháng vào đầu thập niên 2000 lên 42 chiếc/tháng hiện nay.

Cuộc đua căng thẳng

Bất cứ hãng hàng không hay một cá nhân nào muốn mua một máy bay trên 100 chỗ thì cũng chỉ có 2 lựa chọn: hoặc Airbus hoặc Boeing, biến 2 hãng luôn trong thế cạnh tranh quyết liệt. Tháng 9-2013, Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) đã ra phán quyết về vụ tranh chấp thương mại lịch sử lớn nhất mà WTO có can dự giữa Airbus và Boeing. Theo WTO, các nước châu Âu đã chi hàng tỷ USD trợ giá cho Airbus, đi ngược các nguyên tắc cơ bản của WTO.

Trong khi đó, Tập đoàn nhà nước OAK của Nga từ năm 2013 đã mở chiến dịch tấn công vào lĩnh vực mà tới nay Airbus và Boeing đang chiếm ưu thế. Mục tiêu của OAK bán được 1.000 chiếc MS-21 cho các hãng hàng không giá rẻ. Cho đến nay, loại máy bay dưới 100 chỗ ngồi Superjet 100 do OAK sản xuất vẫn chưa tìm được chỗ đứng trên thị trường quốc tế, trong lúc kiểu E2 của Brazil do Embraer chế tạo chỉ vừa ra mắt đã nhận liên tiếp đơn đặt hàng. Hay như Trung Quốc, trước cơ hội của ngành chế tạo máy bay do nhu cầu thị trường tăng, từ năm 2007, Trung Quốc đã đưa ngành chế tạo máy bay, hàng không, không gian vào danh sách các lĩnh vực chiến lược. Trong lĩnh vực hàng không dân sự, Trung Quốc đã bắt đầu sản xuất loại máy bay nhỏ dưới 100 chỗ ngồi có tên gọi ARJ21 do Tập đoàn Comac chế tạo. Tuy nhiên, ngành chế tạo máy bay Trung Quốc bị đánh giá là vẫn chưa hội đủ điều kiện về chuẩn mực an toàn.

Tăng tính năng tiện ích của máy bay để cạnh tranh cũng là mục tiêu khiến các hãng chế tạo không ngừng nghiên cứu. Mới đây, Boeing đã công bố ý tưởng ấn tượng và đầy tham vọng về những thế hệ máy bay dân dụng mới, dự kiến ra mắt vào năm 2050. Theo đó, máy bay sẽ không phân theo khoang hạng nhất, thương gia hay phổ thông mà theo tính cách hành khách. Ví dụ, sẽ có khu tương tác gồm các dịch vụ giải trí, tiêu khiển hoặc khu thư giãn cho những hành khách cần yên tĩnh…

Máy bay B777 của Boeing.

Máy bay B777 của Boeing.

Tai nạn thương vong lớn

Vụ tai nạn thảm khốc nhất của hãng Boeing là vào tháng 8-1985. Chiếc Boeing 747SR của Japan Airlines rời Tokyo đến Osaka, Nhật Bản gặp sự cố kỹ thuật khiến 520 người thiệt mạng. Năm 2013 bắt đầu không suôn sẻ với Boeing khi hàng loạt sự cố pin của siêu máy bay phản lực 787 Dreamliner (có sức chứa 300 hành khách) đã gây ra những ảnh hưởng không nhỏ tới uy tín của hãng. Đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến đơn đặt hàng của Boeing thua hẳn so với Airbus. Mới đây nhất, chỉ trong chưa đến 5 tháng, Boeing 777 (dòng máy bay dân sự an toàn nhất trên thế giới) đã gặp 2 sự cố nghiêm trọng và đều là máy bay thuộc sở hữu của Malaysia Airlines. Đó là vụ mất tích của chuyến bay số hiệu MH370 hồi tháng 3 vừa qua và thảm họa máy bay MH17 khiến dư luận bàng hoàng. Airbus cũng không tránh khỏi tai nạn thương tâm. Tháng 6-2009, chiếc Airbus 330-200 của Hãng Hàng không Air France rơi trên Đại Tây Dương, làm 228 người thiệt mạng…

Mặc dù tai nạn vẫn xảy ra nhưng không thể phủ nhận mỗi hãng sản xuất đều có thế mạnh riêng, đặc biệt là Airbus và Boeing. Ông Randy Tinseth, Phó Chủ tịch Boeing chịu trách nhiệm về tiếp thị ở châu Á lý giải, nhiều hãng hàng không giá rẻ ra đời nên nhu cầu khai thác các chuyến bay trong khu vực gia tăng, kéo theo nhu cầu sắm các máy bay thân hẹp tăng. Do vậy, các hãng chế tạo sẽ vẫn duy trì được cho mình lượng khách hàng nhất định, dù giá trị hợp đồng có lúc bị ảnh hưởng theo “sức khỏe” của nền kinh tế các nước mua hàng.

NHƯ QUỲNH (tổng hợp)

Tin cùng chuyên mục