Công nghệ sau thu hoạch: Nhiều lựa chọn

Công nghệ sau thu hoạch: Nhiều lựa chọn

Hơn 50 công nghệ và thiết bị phục vụ chế biến, đóng gói và bảo quản nông sản đang được trưng bày và sẵn sàng chuyển giao cho đối tác có nhu cầu tại Techmart Công nghệ sau thu hoạch 2014 vừa diễn ra tại TPHCM. Nông dân cần công nghệ cho những sản phẩm của mình liên hệ Trung tâm Thông tin KH-CN TPHCM (79 Trương Định, phường Bến Thành, quận 1, TPHCM) sẽ được đáp ứng các nhu cầu đề ra.

Cần thiết cho nông dân

Theo bà Bùi Thanh Bằng, Giám đốc Trung tâm Thông tin KH-CN TPHCM, Techmart Công nghệ sau thu hoạch 2014 lần này tập trung giới thiệu, trưng bày các công nghệ và thiết bị mới phục vụ trong lĩnh vực chế biến, đóng gói và bảo quản nông sản sau thu hoạch, đây là những sản phẩm công nghệ cần thiết cho nông nghiệp nói chung và nông dân nói riêng.

Tại Techmart Công nghệ sau thu hoạch 2014 cho thấy khá nhiều công nghệ gắn liền với đời sống sản xuất nông nghiệp, như chuỗi cung ứng lúa gạo, bao gồm một quy trình công nghệ hợp lý theo thứ tự các công đoạn như sau: tạo giống, canh tác (gieo trồng và chăm sóc), thu hoạch, làm khô, bảo quản, xay xát - chế biến và tiêu thụ. Và qua đây khẳng định, để giảm tổn thất sau thu hoạch lúa gạo ở ĐBSCL, sấy và bảo quản lúa là 2 công đoạn then chốt cần đặc biệt quan tâm để cải tiến và phát triển trong quá trình sản xuất lúa gạo.

Giám đốc Sở KH-CN TPHCM Phan Minh Tân (bên trái), trao đổi với doanh nghiệp có sản phẩm triển lãm tại Techmart Công nghệ sau thu hoạch.

Giám đốc Sở KH-CN TPHCM Phan Minh Tân (bên trái), trao đổi với doanh nghiệp có sản phẩm triển lãm tại Techmart Công nghệ sau thu hoạch.

Công nghệ nhà sấy bằng năng lượng mặt trời cho thấy có thể đạt đến nhiệt độ 60°C. Nhà sấy dùng tấm polycarbonate - sản xuất bởi Bayer Material Science để thu và giữ nhiệt từ ánh nắng mặt trời và sấy khô các loại củ, quả, hạt (khoai, chuối, xoài, nhãn, vải, cà chua, ớt, me và các loại hạt phù hợp với công nghệ). Hay thiết bị sấy tiết kiệm năng lượng ECD (economic dryer) ứng dụng công nghệ bơm nhiệt để sấy các sản phẩm trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp và dược phẩm, đặc biệt là các sản phẩm không bền nhiệt, dễ bị biến tính khi sấy bằng thiết bị sấy đối lưu thông thường như: các loại nấm (nấm linh chi, nấm rơm, nấm bào ngư…); thủy hải sản (cá, mực, tôm…); rau củ quả (gấc, chuối, rau cải, hành…). Với chương trình tự động, quá trình điều khiển và khống chế nhiệt độ cũng như thời gian theo từng giai đoạn làm tăng hiệu quả của quá trình sấy và cho phép vận hành thiết bị đơn giản.

Còn kho trữ lạnh, nhờ sử dụng tấm cách nhiệt chuyên dụng (theo sáng chế độc quyền của Bayer Material Science) giúp tiết kiệm điện năng tối đa nhờ hộp coolbolt giảm nhiệt độ từ 16°C còn 4°C. Kho được thiết kế phù hợp cho việc bảo quản thủy hải sản, nông sản, thực phẩm tươi sống (nhiệt độ bảo quản từ +15 đến -30°C).

Tham gia Techmart Công nghệ sau thu hoạch gồm các viện nghiên cứu, trường đại học, Sở KH-CN và trung tâm nghiên cứu ứng dụng, doanh nghiệp nghiên cứu công nghệ, chế tạo máy móc thiết bị thuộc lĩnh vực nông nghiệp ở TPHCM, các tỉnh khu vực Đông Nam bộ và đồng bằng sông Cửu Long… với kỳ vọng sẽ trở thành đầu mối cung cấp, chuyển giao và giới thiệu công nghệ cho nông dân.

Nâng cao chất lượng nông sản

Không chỉ các loại công nghệ nói trên, Techmart Công nghệ sau thu hoạch cũng giới thiệu hàng loạt công nghệ gắn liền với các hộ nông dân, như công nghệ bảo quản các loại trái cây, công nghệ đóng hộp trái cây quy mô hộ gia đình, công nghệ sấy trái cây nhiệt độ thấp, dây chuyền sản xuất vang trái cây, tủ bảo quản thực phẩm có máy hút ẩm… Đặc biệt, trong khuôn khổ Techmart Công nghệ sau thu hoạch 2014 còn có khu vực chuyên gia tư vấn nhằm phục vụ cho các cá nhân và doanh nghiệp có nhu cầu tư vấn, kết nối và chuyển giao các kết quả nghiên cứu, các công nghệ và thiết bị trong lĩnh vực có liên quan, đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của công nghệ sau thu hoạch lần này.

Theo ông Phan Minh Tân, Giám đốc Sở KH-CN TPHCM, giá trị xuất khẩu nông sản Việt Nam hiện nay chưa cao do chủ yếu xuất đi dưới dạng thô, tỷ lệ sản phẩm chế biến thấp, giá trị gia tăng và lợi ích mang lại cho nông dân còn rất khiêm tốn. Việc ứng dụng công nghệ cao vào nông nghiệp, đặc biệt trong lĩnh vực sau thu hoạch là hướng đi tất yếu. Do đó, Techmart Công nghệ sau thu hoạch được Trung tâm Thông tin KH-CN TPHCM tổ chức là hoạt động còn hướng đến mục tiêu xúc tiến chuyển giao công nghệ trong lĩnh vực sau thu hoạch.

Từ Techmart Công nghệ sau thu hoạch 2014 cũng cho thấy, Việt Nam là một trong những nước có nguồn nông sản phong phú và đa dạng nhất trên thế giới. Nông sản của nước ta không chỉ phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong nước mà còn trở thành mặt hàng xuất khẩu được nhiều nước ưa chuộng, nhưng thực tế cũng cho thấy chất lượng các sản phẩm xuất khẩu chưa cao. Nguyên nhân chủ yếu do công nghệ và thiết bị sau thu hoạch còn nhiều hạn chế… nên Techmart Công nghệ sau thu hoạch còn cho thấy vài ứng dụng hết sức cần thiết. “Nếu không nghiên cứu, ứng dụng khoa học, công nghệ để chế biến sau thu hoạch thì Việt Nam khó thoát khỏi một nước có nền nông nghiệp lạc hậu”, ông Phan Minh Tân, Giám đốc Sở KH-CN TPHCM, khẳng định như vậy.

BÁ TÂN

Tin cùng chuyên mục