Không để người lao động gián đoạn việc làm

Nhiều người lao động (NLĐ) bị mất việc làm trong thời điểm phòng chống dịch Covid-19 đã ngay lập tức được giới thiệu việc làm mới. Ngành LĐTB-XH và Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) các địa phương cũng vào cuộc phối hợp giải quyết ngay các chế độ bảo hiểm, trợ cấp và thực hiện hỗ trợ người bị gián đoạn việc làm, góp phần ổn định đời sống của NLĐ. 

Cửa này đóng lại, cửa khác mở ra

Sự việc Công ty Giày da Huê Phong (quận Gò Vấp, TPHCM) cắt giảm cùng lúc hơn 2.200 NLĐ do gặp khó khăn trong sản xuất kinh doanh trong thời điểm phòng chống dịch Covid-19 đã gây một cơn rung lắc trong thông tin thị trường lao động. Tâm điểm từ Huê Phong tạo nhiều dư chấn: dư luận xôn xao và không ít NLĐ lo ngại “liệu có một ngày nào đó, thông báo cắt giảm việc làm sẽ bất ngờ dán trước nơi làm việc của mình”?

Trong tình hình đó, LĐLĐ quận Gò Vấp phối hợp Phòng LĐTB-XH quận đã tìm kiếm ngay các doanh nghiệp có cùng ngành nghề, đang cần tuyển lao động, để giới thiệu việc làm cho các lao động vừa bị cắt giảm tại Huê Phong. Chỉ riêng Công ty Gilimex (phường 5, quận Gò Vấp) đã cần tuyển 2.000 NLĐ. 7 công ty khác trên địa bàn quận cũng đang cần tuyển 1.000 người.

“Tổng nhu cầu tuyển dụng của 8 doanh nghiệp lên đến 3.000 người và các công ty này đồng ý nhận tất cả hơn 2.200 NLĐ vừa bị Huê Phong cắt giảm vào làm việc. Cơ hội có việc làm mới với NLĐ vừa bị cắt giảm là rất nhiều. NLĐ hoàn toàn có thể yên tâm về cơ hội việc làm, khi một cánh cửa này đóng lại, sẽ có cánh cửa khác mở ra. Và ngành LĐTB-XH cùng với các sở, ngành sẵn sàng đồng hành, hỗ trợ NLĐ sớm ổn định công ăn việc làm, ổn định đời sống”, ông Lê Minh Tấn, Giám đốc Sở LĐTB-XH TPHCM, cho hay. 

Không để người lao động gián đoạn việc làm ảnh 1 Đại diện LĐLĐ TPHCM trao quà công nhân khó khăn do dịch Covid-19. Ảnh: THÁI PHƯƠNG

Bà Nguyễn Thị Bạch Yến, Chủ tịch LĐLĐ quận Gò Vấp cho biết, cái khó là trên địa bàn quận, ngoài Huê Phong thì không có doanh nghiệp nào hoạt động về da giày, nên quận chỉ có thể giới thiệu số lao động bị cắt giảm sang lĩnh vực may mặc. Do đó, với những công nhân có tay nghề may thì đã được nhận vào làm, còn một số NLĐ đang đào tạo lại, thử việc.

Bà Yến cho biết, sẽ cố gắng tìm kiếm các doanh nghiệp phù hợp với tay nghề, công việc tương tự với công việc của NLĐ bị cắt giảm để giới thiệu việc làm mới. Trong thời gian này, để hỗ trợ hơn 120 công nhân mất việc nhưng không đủ thời gian làm việc hưởng bảo hiểm thất nghiệp, LĐLĐ quận Gò Vấp đã trao tặng mỗi trường hợp phần quà trị giá 500.000 đồng. Riêng nữ công nhân mang thai, nuôi con nhỏ, tổ chức công đoàn cũng đến thăm và trao phần quà trị giá 1,2 triệu đồng/người. 

Nhanh chóng giới thiệu việc làm mới 

Không chỉ hỗ trợ NLĐ bị mất việc ở Huê Phong, hàng chục ngàn NLĐ bị mất việc làm, tạm ngưng hợp đồng lao động trên địa bàn TPHCM cũng được giới thiệu việc làm mới, được hỗ trợ nhiều mặt. Tính đến nay, để chăm lo công nhân hoàn cảnh khó khăn, mất việc làm do doanh nghiệp thu hẹp sản xuất bởi dịch Covid-19, các cấp công đoàn trên địa bàn TPHCM đã đến thăm và tặng quà trị giá 1,2 triệu đồng/phần.

Cụ thể, khi thực hiện giãn cách xã hội, từ ngày 15-3, Công ty cổ phần Du lịch Văn hóa Suối Tiên ngưng hoạt động, hơn 1.000 NLĐ của công ty gặp khó khăn, thu nhập bị giảm mạnh. Để chăm lo các đối tượng này, Công đoàn Viên chức TPHCM đã đến khu lưu trú công nhân của công ty để thăm và trao tiền, quà hỗ trợ 303 NLĐ của công ty.

Không chỉ vậy, trong đợt hỗ trợ đoàn viên bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, Công đoàn Viên chức TP đã tặng 360 phần quà cho nữ đoàn viên đang mang thai, nuôi con nhỏ dưới 12 tháng tuổi bị giảm thu nhập bởi dịch bệnh; đoàn viên bị mất việc làm, bị giảm thu nhập do doanh nghiệp thu hẹp sản xuất, ngừng hoạt động, giải thể, phá sản.

Theo ông Hồ Xuân Lâm, Phó Chủ tịch LĐLĐ TPHCM, trước tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp và đời sống, thu nhập của đoàn viên, NLĐ, từ đầu tháng 3-2020, LĐLĐ TPHCM đưa ra kế hoạch chăm lo thiết thực đồng bộ ở 2 cấp. Theo đó, không chỉ chăm lo NLĐ mà các cấp công đoàn còn phối hợp chính quyền để có các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

LĐLĐ TP cũng chỉ đạo các công đoàn cơ sở theo sát tình hình hoạt động của doanh nghiệp để kịp thời có phương án hỗ trợ khi cần thiết. Trong trường hợp doanh nghiệp gặp khó khăn, phải cắt giảm lao động thì tổ chức công đoàn kịp thời giới thiệu công nhân đến các doanh nghiệp cùng ngành nghề để giúp NLĐ không bị gián đoạn việc làm, ảnh hưởng thu nhập.

“Sở LĐTB-XH TPHCM đã mở lại các sàn giao dịch việc làm trực tiếp và duy trì thường xuyên sàn giao dịch việc làm trực tuyến để kết nối, nhanh chóng giới thiệu việc làm mới cho NLĐ, không để NLĐ bị gián đoạn về việc làm, hẫng hụt về đời sống”, ông Lê Minh Tấn cho hay.

Chủ động đảm bảo đời sống và các chế độ cho NLĐ, Giám đốc Sở LĐTB-XH TPHCM Lê Minh Tấn yêu cầu với doanh nghiệp: tiền lương của NLĐ trong thời gian ngừng việc do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 do hai bên thỏa thuận, nhưng không được thấp hơn mức lương tối thiểu vùng do Chính phủ quy định (tại 23 quận huyện là 4,42 triệu đồng/người/tháng; riêng tại huyện Cần Giờ là 3,92 triệu đồng/người/tháng). Với doanh nghiệp gặp khó khăn về nguồn nguyên liệu, thị trường dẫn tới không bố trí đủ việc làm, doanh nghiệp có thể tạm thời chuyển NLĐ làm công việc khác so với hợp đồng lao động đã ký. Nếu doanh nghiệp phải thu hẹp sản xuất, dẫn tới giảm chỗ làm việc thì thực hiện sắp xếp lại lao động. 


Chưa phát hiện trường hợp trục lợi chính sách

ĐÀO NGỌC DUNG, Bộ trưởng Bộ LĐTB-XH 

Gói hỗ trợ cho đối tượng gặp khó khăn do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 của Chính phủ nhận được sự quan tâm và ủng hộ của nhân dân cả nước. Các địa phương bám sát vào mục tiêu, nguyên tắc là hỗ trợ cho các đối tượng bị giảm sâu thu nhập, mất, thiếu việc làm, gặp khó khăn, không đảm bảo mức sống tối thiểu; hỗ trợ cho một số đối tượng chính sách.

Đến nay, chưa phát hiện các trường hợp lợi dụng, trục lợi chính sách. Một số địa phương trong quá trình triển khai có cách làm sáng tạo, rà soát đối tượng không để trùng lặp chính sách như tỉnh Hà Tĩnh và tỉnh Bình Định xây dựng phần mềm riêng để quản lý dữ liệu. Tại các địa phương đã xuất hiện nhiều tấm gương sáng, tự nguyện nhường phần hỗ trợ cho người khó khăn hơn. Tuy nhiên, đến thời điểm này, một số địa phương triển khai hỗ trợ còn chậm, mất nhiều thời gian trong khâu rà soát, dẫn đến việc chậm hỗ trợ đối tượng thụ hưởng một cách kịp thời, làm giảm ý nghĩa của gói hỗ trợ. 

Quá trình thực hiện hỗ trợ cũng ghi nhận việc triển khai vay trả lương của các doanh nghiệp chưa nhiều. Điều này có lý do, một phần là các doanh nghiệp bị ảnh hưởng đã bắt đầu quay trở lại làm việc, còn tích lũy kinh phí để trả lương; mặt khác do phải chứng minh tài chính ở chừng mực nào đó, khiến cho doanh nghiệp e ngại ảnh hưởng tới hoạt động sản xuất, kinh doanh nên chưa chủ động trong việc lập hồ sơ đề nghị vay vốn để trả lương ngừng việc cho NLĐ.

Bộ LĐTB-XH đề nghị các địa phương tiếp tục khẩn trương và quyết liệt triển khai hỗ trợ đến đúng đối tượng được thụ hưởng. Trong đó, hoàn thành việc chi trả cho nhóm người có công với cách mạng, đối tượng bảo trợ xã hội, người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo trong tháng 5-2020; các nhóm đối tượng khác khẩn trương theo lộ trình hồ sơ phê duyệt. Đồng thời, xử lý nghiêm đối với các hành vi lợi dụng, trục lợi chính sách, đặc biệt là cán bộ cấp cơ sở trong quá trình thực hiện nhiệm vụ (nếu có).

Tạo thu nhập ổn định cho người lao động

TRẦN THANH HẢI, Phó Chủ tịch Thường trực Tổng LĐLĐ Việt Nam

Nhằm duy trì việc làm cho NLĐ ở thời điểm này, công đoàn phối hợp với người sử dụng lao động xây dựng phương án lao động để ổn định sản xuất, duy trì việc làm cho NLĐ; giám sát việc cắt giảm lao động, đảm bảo các chế độ, chính sách cho NLĐ khi bị cắt giảm; quan tâm đến lao động nữ, lao động có con nhỏ, lao động gặp nhiều khó khăn. Đối với những doanh nghiệp phải tạm dừng sản xuất kinh doanh, công đoàn chủ động phối hợp sớm giới thiệu việc làm cho NLĐ hoặc tư vấn cho họ chuyển nghề. 

Để ổn định thu nhập của NLĐ, công đoàn chủ động nắm bắt tình hình công nhân gặp khó khăn do giảm việc làm, đặc biệt là công nhân nữ, công nhân có con nhỏ, công nhân bị ốm đau, bệnh tật và có biện pháp tư vấn, hỗ trợ thực hiện các chế độ, chính sách. Đồng thời, hướng dẫn NLĐ chi tiêu tiết kiệm; tuyên truyền, vận động NLĐ nhận thức đầy đủ, không nên vay mượn từ tín dụng đen, không nên “bán” sổ bảo hiểm xã hội, không nên nhận chế độ bảo hiểm xã hội một lần. 

VĂN PHÚC ghi

Tin cùng chuyên mục