Tàu composite vươn khơi

Ưu thế vượt trội
Tàu composite vươn khơi

Với những ưu thế vượt trội, tàu đánh cá bằng chất liệu composite đang được nhiều ngư dân tại miền Trung hướng đến, nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra hiện nay là chọn nhà cung cấp và giá thành tàu composite như thế nào?

Tàu composite công nghệ Nhật đã hạ thủy chờ ngày vươn khơi.

Tàu composite công nghệ Nhật đã hạ thủy chờ ngày vươn khơi.

Ưu thế vượt trội

Tàu composite du nhập về các vùng biển miền Trung khá lâu, tuy nhiên, do trước đây chi phí đóng tàu composite cao hơn tàu gỗ, ngư dân lại khó tiếp cận nguồn vốn vay từ ngân hàng nên nhiều người chưa mặn mà.

Anh Huỳnh Văn Thịnh (xã Phước Đồng, TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa), chủ chiếc tàu composite có công suất 300CV, dài 15,4m, rộng 4,2m, cho biết anh không hối tiếc khi chọn tàu composite để vươn khơi, mặc dù giá thành cao hơn đóng tàu vỏ gỗ khoảng 35%. Theo anh Thịnh, thiết kế tàu composite có nhiều lợi ích, thuận tiện cho việc khai thác lẫn thu mua. Trong khi đó, hầu hết các tàu cá vỏ gỗ của ngư dân từ xưa đến nay chỉ phục vụ cho nhu cầu khai thác. Vì thế, trong trường hợp ngư dân muốn chuyển đổi công năng sử dụng tàu sẽ không dễ dàng.

Tiếp cận và sở hữu chiếc tàu composite đầu tiên từ năm 2000 với công suất 295CV, ông Mai Thành Phúc (trú TP Nha Trang, Khánh Hòa), đội trưởng Ngư đội Trường Sa Lớn, cho biết thêm, tàu composite nhẹ hơn tàu gỗ nên tiết kiệm nhiên liệu đến 20% vì tốc độ đạt 10 hải lý/giờ, trong khi đó tàu gỗ chỉ khoảng 5 - 6 hải lý/giờ. Tính ra, mỗi chuyến biển tiết kiệm từ 700 - 800 lít dầu so với tàu gỗ. Ngoài ra, do thiết kế thành những khoang kín, nên trong trường hợp một vị trí trong tàu composite bị thủng sẽ rất khó chìm, dễ khắc phục và có nhiều thời gian cho các thuyền viên lựa chọn phương án an toàn.

Bấy lâu nay sản phẩm ngư dân làm ra thường bị hao tổn đến 70% giá trị do hệ thống bảo quản kém đã ảnh hưởng lớn đến nguồn thu và thường bị thương lái chèn ép. Thế nhưng, khi sử dụng tàu composite, khoang chứa hải sản tàu được thiết kế rất kín, giữ hơi lạnh lâu nên chất lượng hải sản được bảo quản tốt hơn, nâng cao giá trị sau thu hoạch.

Băn khoăn về giá

Từ năm 1991, Trường Đại học Thủy sản (nay là Đại học Nha Trang) đã hạ thủy chiếc tàu cá composite đầu tiên có tên VN-90. Năm 1999, tỉnh Khánh Hòa cũng đóng chiếc tàu cá bằng vật liệu composite đầu tiên trong chương trình tàu cá xa bờ. Đến nay, toàn tỉnh đã có khoảng 30 chiếc tàu cá vỏ composite, nhiều nhất cả nước. Tuy nhiên, ở Việt Nam, sau hơn 20 năm tàu composite bén duyên, đến nay trong 27 tỉnh, thành phố ven biển, số tàu composite chỉ đếm trên đầu ngón tay. Điều này ảnh hưởng đến hiệu quả trong khai thác nghề biển của Việt Nam bấy lâu nay.

Mới đây, Viện Nghiên cứu chế tạo tàu thủy thuộc Trường ĐH Nha Trang (UNINSHIP) đã hạ thủy tàu câu cá ngừ vỏ composite mang tên VIJAS Research & Training Vessel. Đây là tàu cá đầu tiên nằm trong dự án “Nâng cao thu nhập cho ngư dân và phát triển ngành khai thác cá ngừ Việt Nam bền vững” của Công ty Yanmar (Nhật Bản) và UNINSHIP phối hợp triển khai. Tàu có công suất 350CV, vốn đầu tư hơn 6 tỷ đồng đã bao gồm ngư cụ, các thiết kế và công nghệ khai thác, bảo quản cá ngừ của Nhật Bản.

So với giá thành đóng một chiếc tàu gỗ cùng kích cỡ, tàu composite công nghệ của Nhật có giá cao hơn khoảng 2,5 lần. Thế nhưng, theo phản ánh của ngư dân, với mức giá này, nhiều ngư dân khó có thể chấp nhận đóng tàu mới vì số tiền quá lớn, kể cả khi tiếp cận được nguồn vốn vay theo Nghị định 67 của Chính phủ.

Ngư dân Mai Thành Phúc cho rằng, tại Khánh Hòa hiện có 4 doanh nghiệp có thể đóng tàu composite, nếu cho người dân chọn mẫu tàu và đơn vị đóng tàu thì giá thành sẽ giảm đáng kể.

VĂN NGỌC

Tin cùng chuyên mục