Ngăn ngừa cây xanh đường phố gãy đổ

Nỗi lo cây xanh đường phố gãy đổ là chuyện không mới trên địa bàn TPHCM, nhất là trong mùa mưa bão. Đáng chú ý bởi có khi cây xanh gãy đổ là do hệ quả của phát triển đô thị quá mức hoặc thiếu đồng bộ.
Cây xanh trồng trên đường tại TPHCM có tán không quá rộng và độ cao vừa phải tránh trường hợp cây ngã đổ gây tai nạn (Ảnh cây xanh trên đường Mai Chí Thọ). Ảnh: CAO THĂNG
Cây xanh trồng trên đường tại TPHCM có tán không quá rộng và độ cao vừa phải tránh trường hợp cây ngã đổ gây tai nạn (Ảnh cây xanh trên đường Mai Chí Thọ). Ảnh: CAO THĂNG

Cây xanh suy yếu vì nhiều nguyên nhân

Vụ một cây phượng vĩ bất ngờ bật gốc đổ xuống, gây thương vong cho nhiều em học sinh Trường THCS Bạch Đằng (quận 3) vào sáng sớm 26-5 đã nhắc nhớ người dân thành phố về tình trạng cây xanh gãy đổ, đặc biệt trong mùa mưa bão.

Phân tích nguyên nhân, theo các chuyên gia, bên cạnh những yếu tố thuộc về thiên nhiên, thời tiết, hệ thống cây xanh đường phố còn bị tổn hại ở nhiều mức độ khác nhau do tác động từ việc xây dựng, phát triển đô thị, hoặc chỉnh trang hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị. Còn nhớ cách đây vài năm, trong quá trình thi công vỉa hè, đơn vị thi công đã đào quá sát gốc cây, ở độ sâu 0,4m và chặt đứt rễ cây của 3 cây lim sét loại 2 (đường kính 20cm - 50cm và độ cao 6m - 12m) trên đường Trương Định (đoạn thuộc phường 7 quận 3). Cũng trong khoảng thời gian đó, chủ đầu tư Saigon Center khi dùng xe cơ giới thi công vỉa hè đường Lê Lợi (phường Bến Nghé, quận 1) đã đào sát bó vỉa 4 cây viết loại 1, làm tróc vỏ thân cây và gãy nhánh cành. Đầu tháng 5-2016, Công ty Điện lực Tân Bình tự ý mé nhánh khai quang đường dây điện đã cắt trụi cành nhánh, làm lệch tán cây của 52 cây bò cạp nước loại 1 và loại 2 trên đường Cộng Hòa (đoạn đi qua phường 4 quận Tân Bình). Theo giải thích của các chuyên viên ngành cây xanh, việc bị lệch tán sẽ ảnh hưởng đến sinh trưởng của cây, bao gồm sự ổn định bám chắc của gốc cây trong lòng đất.

Điều đáng lo khác, là cũng có khi những tổn hại cây xanh đường phố lại đến từ sự cố ý của cá nhân con người, mà tựu trung được phán đoán là xuất phát từ động cơ tư lợi thiển cận, cho rằng cây xanh đường phố làm vướng víu mặt tiền nhà phố. Có thể nhắc tới trường hợp cách đây ít năm, 6 cây me tây loại 1 và loại 2 trên đường Trường Sơn (thuộc phường 2 quận Tân Bình) bỗng xảy ra tình trạng bị xuống lá đột ngột. Kết quả kiểm tra của cơ quan chức năng cho thấy chung quanh những gốc cây bị hư hại này có mùi hôi nồng nặc, còn thảm cỏ trồng phủ ở quanh gốc thì bị héo úa, chết khô. Tương tự, vào mùa hè năm 2016, một cây lát hoa ở đoạn trước nhà số 5 đường Phạm Văn Đồng (phường Hiệp Bình Chánh, quận Thủ Đức) bị ai đó chặt sát gốc! Một cây sa kê loại 1 trên đường Lê Lăng (phường Phú Thọ Hòa, quận Tân Phú) bị chặt ngang thân. Một cây dầu loại 3 (đường kính hơn 50cm và cao hơn 12m, trên đường Nguyễn Tri Phương, quận 5) thuộc diện nghi ngờ bị thuốc…

Giải pháp chung tay

Nếu chỉ tính số lượng mà chính quyền thành phố giao cho Sở GTVT TPHCM quản lý, hệ thống cây xanh đường phố hiện có khoảng 130.000 cây các loại. Con số hơn 100.000 cây xanh các loại này là một cố gắng phát triển mảng xanh đáng kể của thành phố nếu biết rằng cách đây hơn 30 năm, con số này chỉ ở mức khoảng 8.000 cây!

Nói gì thì nói, trên thực tế, hệ thống cây xanh là một bộ phận hợp thành của cấu trúc hạ tầng đô thị hiện đại thông qua vai trò tạo ra cảnh quan thiên nhiên, làm đẹp bộ mặt mỹ quan đường phố, cải thiện khí hậu và môi trường sống của cư dân thành thị. Sự hữu ích, cần thiết của mảng xanh đường phố là điều hiển nhiên, không có gì phải bàn cãi. Chính vì thế, vấn đề bảo tồn và phát triển mạng lưới cây xanh cũng phải xem trọng tương ứng. Nói cách khác, những sự xâm hại, làm tổn hại đến tuổi thọ, sinh trưởng của cây xanh như đã xảy ra đây đó thời gian qua là một vấn nạn nhức nhối, cần có giải pháp ngăn chặn hiệu quả.

Vậy đâu là giải pháp hạn chế tình trạng xâm hại cây xanh đường phố? Theo nhận xét của các chuyên viên Công ty TNHH một thành viên Công viên Cây xanh TPHCM (đơn vị được giao chăm sóc, duy tu 98.000 cây xanh toàn thành phố), đây là vấn đề không đơn giản nhưng vẫn có thể ngăn chặn, giảm đến mức thấp nhất các tình huống xâm hại cây xanh đường phố. Theo đó, nếu như những tác động đến từ mưa dông, lốc xoáy thuộc về yếu tố thiên nhiên, thời tiết, thì những tác động do con người có thể chủ động giải quyết. Biện pháp đó là cần có sự thống nhất, đồng bộ khi thi công các hạng mục hạ tầng kỹ thuật đô thị, chỉnh trang vỉa hè và tối ưu là đơn vị thi công, đơn vị chủ đầu tư công trình nên có sự phối hợp nhịp nhàng với bên công viên cây xanh. Khi đó, những chuyện cây xanh bị chặt bớt rễ, bị làm lệch tán, bị mé nhánh không đúng cách chắc chắn sẽ không xảy ra, đồng nghĩa với việc sự sinh trưởng, độ bền chắc và tuổi thọ của cây xanh đường phố cũng sẽ được bảo đảm hơn.

Trong khi đó, theo các kỹ sư lâm nghiệp thuộc Hiệp hội Cây xanh Việt Nam, giải pháp trước mắt cho vấn đề cây xanh gãy đổ là cơ quan chức năng cần tăng cường kiểm tra kiểm soát hệ thống cây xanh, phát hiện nhanh và sớm nhất những cây bị sâu bệnh. Giải pháp mang tính căn cơ dài hạn là cần huy động tri thức và tinh túy của các chuyên gia, giới khoa học trong vấn đề bảo tồn và phát triển hệ thống cây xanh đường phố. Các hội thảo chuyên đề về cây xanh đô thị chẳng hạn, chính là một kênh để các nhà quản lý tham vấn ý kiến từ giới chuyên môn, khoa học, để rồi giúp ích cho nhà quản lý khi đề ra chính sách, đường hướng bảo vệ và phát triển mảng xanh đô thị. Việc tập hợp tri thức và tinh túy từ giới chuyên gia càng đặc biệt quan trọng hơn trong bối cảnh biến đổi khí hậu đang là vấn đề nóng và xu hướng tiếp tục đô thị hóa mạnh mẽ ở nhiều nơi.

Giới chuyên môn cho rằng, phát triển đô thị là tốt nhưng việc phát triển phải đảm bảo không làm ảnh hưởng đến hệ sinh thái, bởi chỉ có thể phát triển bền vững nếu hệ sinh thái không bị phá vỡ. Một trong những biện pháp để giữ gìn và duy trì ổn định hệ sinh thái là không đốn hạ hàng loạt cây xanh, còn khi cần đốn bỏ cây xanh vì phát triển đô thị thì phải đốn hạ từ từ, đồng thời việc đốn hạ phải đi liền với thay thế cây mới.

Kiểm tra toàn bộ cây xanh trên địa bàn TP

Sở Xây dựng TPHCM vừa yêu cầu  UBND các các quận, huyện; Trung tâm Quản lý hạ tầng kỹ thuật - Sở Xây dựng; Công ty TNHH MTV Công viên Cây xanh TP khẩn trương rà soát, kiểm tra tình trạng sinh trưởng, phát triển của toàn bộ các cây xanh đang được phân cấp quản lý và kể cả cây xanh nằm trong các khu vực công cộng khác của địa phương như: cơ quan, công sở, trường học, bệnh viện; báo cáo kết quả thực hiện về Sở Xây dựng trước ngày 15-6.

Song song đó, tập trung kiểm tra khả năng đảm bảo an toàn của cây xanh (rễ, thân, cành, tán lá) nhằm phát hiện, xử lý kịp thời các trường hợp cây xanh có nguy cơ gây nguy hiểm. Đồng thời kiểm tra về việc quy trình chăm sóc, duy tu định kỳ các cây xanh này (lý lịch cây, lịch sử trồng, chăm sóc, năng lực của đơn vị thực hiện duy tu), nhất là các cây trồng tại các khu vực công cộng khác. Lưu ý, trước khi tiến hành các biện pháp xử lý cây xanh để đảm bảo an toàn như đốn hạ, cắt mé cành nhánh, hạ thấp chiều cao cây... thì cần tính toán kỹ lưỡng, dựa trên các cơ sở khoa học và thực tiễn để tránh tình trạng lựa chọn giải pháp không phù hợp, ảnh hưởng đến sinh trưởng, phát triển của cây xanh về sau. Trong trường hợp cần hỗ trợ về mặt kỹ thuật, UBND các quận, huyện phối hợp cùng Trung tâm Quản lý hạ tầng kỹ thuật và Công ty TNHH MTV Công viên Cây xanh TP để hỗ trợ thực hiện.

                                                                                        QUỐC HÙNG

Tin cùng chuyên mục