Sao lại toang?

“Toang rồi, tụi bay à, Đà Nẵng toang, Hội An mình cũng sắp toang!”. Lời viết trên mạng xã hội của một bạn trẻ có địa chỉ ở Hội An, Quảng Nam khiến tôi… bực bội. Không biết từ hồi nào, từ “toang” đi vào đầu óc của một số người trẻ và được vận dụng mọi lúc mọi nơi.
Một chủ tài khoản bị xử phạt vì đăng tải thông tin sai sự thật về dịch bệnh Covid-19
Một chủ tài khoản bị xử phạt vì đăng tải thông tin sai sự thật về dịch bệnh Covid-19

Hỏi em trai một người bạn đang tuổi đi học, cậu bé cũng hùng hồn: “Toang là toang chứ sao ạ, là toang hết, hết luôn, không cứu được”. Hỏi cậu bé học từ “toang” ở đâu, câu bé hồn nhiên: “Lớp em ai cũng biết từ toang, xóm em cũng vậy, em thấy hay thì nói thôi”. Cậu còn giới thiệu cho tôi một loạt những bài hát, clip trên YouTube liên quan đến “toang”, mà cậu và đám bạn của mình truyền tay nhau. Đây quả là một từ thời thượng, dù người sử dụng, nhiều khi cũng chẳng hiểu hết ý nghĩa của nó  

Điều đó nói lên điều gì? Đó là sự thiếu thông tin và thiếu niềm tin của một số người trẻ hiện nay. Không biết họ lấy đâu ra thông tin về ca nhiễm này ở khu này, ca nghi nhiễm kia ở khu kia từng đi ăn ở chỗ này, uống nước mía ở góc đường, hay “con gái bà nghi nhiễm học chung lớp học thêm”, mà tung lên mạng xã hội y như thật. Trong khi đó, hàng ngày, Bộ Y tế đều phát thông tin trên các kênh chính thống, cảnh báo “nhật ký di chuyển” của các ca bệnh trong cộng đồng. Cảnh giác là tốt, nhưng ở đây không còn là cảnh giác nữa mà là đăng tin kiếm view, gây bão dư luận của nhiều người trẻ. Mới nhất là danh sách 137 người, có cả năm sinh và địa chỉ thường trú ở Sóc Trăng, đi du lịch và công tác từ Đà Nẵng về, được lan truyền chóng mặt trên mạng xã hội. Nhiều người trong danh sách này cho biết, họ bị xa lánh, thậm chí là kỳ thị khi người xung quanh biết họ mới về từ vùng dịch. Hiện lực lượng chức năng đang truy tìm người phát tán danh sách này. Đó cũng là một trong những lý do mà một số người trẻ vịn vào cho từ “toang” mà họ sử dụng bấy lâu.

Bên cạnh việc có thông tin chính thống mà không theo dõi, chỉ toàn đọc và hưởng ứng những tin tức tào lao, không kiểm chứng trên mạng xã hội thì hiện tượng trên cho thấy một vấn đề rất đáng lo trong người trẻ, đó là sự mất niềm tin. Điều này do nhận thức chưa hoàn chỉnh từ chính người trẻ, thì còn là do cách giáo dục của chính gia đình và xã hội. Niềm tin đó, không tự nhiên mà có, mà còn do sự tiếp nhận và chuyển hóa thông tin. Anh muốn và tin đó là thông tin tốt thì nó tốt; ngược lại, nếu sự hoài nghi (một phần do lo lắng mà ra) lấn át, thêm tác động từ môi trường sống, hoài nghi sẽ trở thành phản bác, phản ứng. Đó là lý do khiến một số người vẫn ra sức bảo vệ quan điểm nghi kỵ, “nhặt lỗi”, trong khi hầu như cả cộng đồng đều chung vai chống dịch.    

Và rồi “toang thật” khi cách đây vài tháng, một bạn trẻ ở Hà Tĩnh bị xử phạt hành chính 10 triệu đồng khi đưa tin sai sự thật trên Facebook, liên quan đến… toang. Bạn này viết: “Toang rồi Hà Tĩnh ạ. Nghe nói em trai sốt cách ly. Ai đi đám cưới ở… thì đi kiểm tra…”. Rõ ràng, đăng tải thông tin trên mạng xã hội nếu đăng tin sai sự thật sẽ bị xử phạt nghiêm khắc. Bởi vậy, bạn trẻ cần cẩn trọng, không thì… toang thật.

Tin cùng chuyên mục