Bài 3: BOT hay trái phiếu Chính phủ?

Ì ạch chuyển tới chuyển lui
Bài 3: BOT hay trái phiếu Chính phủ?

Quốc lộ 13, 14 - Cung đường đau khổ

Tây Nguyên là vùng đất có điều kiện kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn, giao thông đường bộ đóng vai trò quan trọng. Lãnh đạo các tỉnh Tây Nguyên cho rằng cần phải chuyển đổi nhiều dự án hợp đồng BOT (xây dựng - vận hành - chuyển giao) trên quốc lộ 14 sang hình thức trái phiếu Chính phủ (TPCP) để giảm chi phí vận tải và từ đó khuyến khích được doanh nghiệp đầu tư cho vùng. Trong khi đó, quốc lộ 13 và 14 qua địa bàn tỉnh Bình Phước, dù chuyển qua chuyển lại nhiều chủ đầu tư nhưng dự án vẫn ì ạch và dân vẫn khổ.

Một đoạn đường đang thi công trên quốc lộ 14.

Một đoạn đường đang thi công trên quốc lộ 14.

Ì ạch chuyển tới chuyển lui

Dự án nâng cấp, mở rộng quốc lộ 13, đoạn qua Bình Phước dài gần 100km, mặt đường rộng từ 19 đến 25m, tổng kinh phí khoảng 1.902,9 tỷ đồng, theo hình thức BOT. Được khởi công xây dựng từ năm 2009 bởi ba nhà đầu tư, gồm: Công ty cổ phần Đức Phú làm chủ đầu tư, đoạn từ Cây Chanh đến cầu 38, dài 33,82km, tổng mức đầu tư 666,9 tỷ đồng; Đoạn từ cầu 38 đến thị xã Đồng Xoài dài 41,3km do Công ty cổ phần Đức Thành - Gia Lai làm chủ đầu tư, tổng vốn là 814,2 tỷ đồng, mức độ thi công khá hơn, đắp nền đường đạt 70% khối lượng, đắp móng sỏi đỏ nền đường đạt 60% khối lượng, riêng đoạn trạm thu phí đã thảm nhựa bê tông, còn lại con đường vẫn ngổn ngang; đoạn Đồng Xoài - Chơn Thành, do Công ty cổ phần BOT quốc lộ 14 Đồng Xoài - Chơn Thành đầu tư 418,8 tỷ đồng, mặc dù đã đào khuôn nền đường, đắp sỏi đỏ nền đường đạt khoảng 1/3 khối lượng, nhưng từ cuối năm 2011, do khó khăn về vốn cũng đã ngừng thi công.

Trước thực trạng này, ngày 9-9-2013, Thủ tướng Chính phủ đã có văn bản số 1435/TTg-KTN đồng ý chuyển đổi đầu tư theo hình thức hợp đồng BOT sang thực hiện bằng nguồn vốn TPCP đối với dự án trên. Ngày 18-12-2013, Thủ tướng Chính phủ đã có văn bản số 10676/VPCP-KTN về việc chuyển giao cơ quan nhà nước có thẩm quyền đối với dự án Đầu tư, nâng cấp mở rộng quốc lộ 14 đoạn cầu 38 đến Đồng Xoài (44,3km do Công ty cổ phần Đức Thành - Gia Lai làm chủ đầu tư) theo hình thức BOT và ngày 2-1-2014, Sở GTVT tỉnh Bình Phước tiến hành chuyển giao nhiệm vụ quản lý nhà nước cho Ban Quản lý dự án đường Hồ Chí Minh thuộc Bộ GTVT. Theo văn bản (tại Thông báo số 570/TB-BGTVTT ngày 20-8-2013) chỉ đạo của Bộ GTVT, dự án phải hoàn thành chậm nhất quý 1-2014. Thế nhưng hiện nay dự án thi công rất chậm chạp và chưa biết khi nào mới xong.

Kế tiếp là hai dự án Đồng Xoài - Chơn Thành và cầu 38 - Cây Chanh dài khoảng 65km do Công ty cổ phần BOT quốc lộ 14 đầu tư theo hình thức TPCP nhưng tài chính không đảm bảo. Ngày 1-11-2013, dự án lại bàn giao cho Ban Quản lý dự án đường Hồ Chí Minh thực hiện. Mặc dù chuyển qua chuyển lại nhiều chủ đầu tư nhưng dự án vẫn giẫm chân tại chỗ. Trước đó, tỉnh Bình Phước đã có nhiều cuộc họp với các nhà đầu tư dự án và yêu cầu các nhà đầu tư phải tập trung nhân lực, vật lực, máy móc khẩn trương triển khai công trình.

Quốc lộ 14 đi qua tỉnh Đắk Nông dài 153km cũng có tới 2 dự án đầu tư theo hình thức hợp đồng BOT nhưng sẽ có 3 trạm thu phí, trong đó dự án BOT (đoạn từ huyện Đắk Song đến huyện Đắk Rlấp) dài 60km của Công ty cổ phần BOT và BT Đức Long Đắk Nông được phép đặt 2 trạm thu phí hoàn vốn. Để tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của địa phương, vào tháng 1 và tháng 9-2013, UBND tỉnh Đắk Nông đã có công văn đề nghị Bộ GTVT chuyển việc đầu tư hợp đồng BOT sang hình thức sử dụng vốn TPCP đoạn quốc lộ 14 dài 32km từ cầu 14 (huyện Cư Jút) đến xã Đắk R’la (huyện Đắk Mil). Nhưng đến nay, Bộ GTVT vẫn chưa chấp thuận đề nghị trên của UBND tỉnh Đắk Nông.

Làm BOT trước, mua lại sau?

Tại hội nghị tổng kết công tác năm 2013 của Ban Chỉ đạo Tây Nguyên được tổ chức tại TP Buôn Ma Thuột, hầu hết lãnh đạo các tỉnh Tây Nguyên đều than phiền về tiến độ thi công các dự án BOT trên quốc lộ 14 và đề xuất chuyển bớt các dự án BOT sang hình thức TPCP để tạo động lực cho Tây Nguyên phát triển.

Ông Trần Việt Hùng, Phó Trưởng ban thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nguyên, cho rằng: Tây Nguyên không có đường sắt và đường biển, đường hàng không lại bị hạn chế, vì thế đường bộ chiếm vai trò quan trọng trong sự phát triển của vùng. Khi làm 5 dự án BOT trên đoạn quốc lộ 14 sẽ có 5 trạm thu phí mọc lên, từ đó sẽ “đội” chi phí vận tải qua đây và gây khó khăn cho sự phát triển kinh tế - xã hội của vùng. Vì thế, ông Hùng đề nghị Chính phủ bỏ ngân sách nhà nước mua lại các dự án BOT sau 5 - 10 năm đi vào hoạt động.

Ông Hà Ban, Bí thư Tỉnh ủy Kon Tum, cũng cho rằng nên dùng hình thức đầu tư nguồn vốn TPCP thay cho hình thức đầu tư BOT trên các tuyến quốc lộ qua địa bàn Tây Nguyên. “Ai cũng biết Tây Nguyên là vùng đất khó khăn và chủ yếu vận chuyển bằng đường bộ, vì thế chúng ta nên làm đường quốc lộ qua đây bằng nguồn vốn TPCP mới thúc đẩy kinh tế - xã hội nơi đây phát triển. Tây Nguyên có những đặc thù riêng, bởi vậy Chính phủ cần có những chính sách ưu tiên riêng để phát triển khu vực này”, ông Hà Ban đề xuất.

Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông cho biết: “Nguồn vốn TPCP đầu tư cải tạo, nâng cấp quốc lộ 14 giai đoạn 2013 - 2016 chỉ có 10.000 tỷ đồng, vì thế không đủ vốn ngân sách nhà nước để làm tuyến đường này hoàn toàn bằng hình thức TPCP. Trong khi đó, chúng ta đã ký hợp đồng BOT với chủ đầu tư nên phải để họ tiếp tục thi công hoàn thành những dự án dở dang”. Theo ông Đông, Bộ GTVT cũng đã nhận được nhiều ý kiến của địa phương về việc tăng chi phí vận tải qua tuyến đường này khi làm 5 dự án BOT. Nhưng trước mắt vẫn phải làm BOT tuyến quốc lộ 14 để hoàn thành dự án đúng tiến độ Chính phủ đã đề ra. Sau khi có nguồn vốn mới, Bộ GTVT sẽ kiến nghị những giải pháp thay thế các dự án BOT để giảm chi phí vận tải cho khu vực Tây Nguyên.

NHÓM PHÓNG VIÊN

- Bài 2: Khốn khổ với đường BOT

Tin cùng chuyên mục