Văn học 9X: Những khởi đầu ấn tượng

Thế hệ 9X, được tính từ năm 1990 đến 1999, trong đó người nhiều tuổi nhất xấp xỉ 30, còn trẻ nhất là 20 tuổi. Trong vài năm trở lại đây, văn đàn nước nhà chứng kiến hàng loạt tên tuổi 9X lần lượt xuất hiện. Họ đầy tự tin và mang đến không ít bất ngờ. 

Chào sân bằng tiểu thuyết

Nếu thế hệ 8X trở về trước, thường bắt đầu từ thơ, truyện ngắn trước khi chuyển sang tiểu thuyết (tiểu thuyết với các tác giả 8X vẫn là một cái gì đó đầy thách thức). Nhưng hiện nay, lứa tác giả 9X ngay từ khi có mặt, đã xuất hiện đường hoàng bằng tiểu thuyết. Đức Anh (26 tuổi) chào sân bằng 2 tiểu thuyết Tường lửaThiên thần mù sương.

Huỳnh Trọng Khang (25 tuổi) ra mắt tiểu thuyết đầu tay Mộ phần tuổi trẻ ở tuổi 22, ngay lập tức được xem như là một hiện tượng của văn chương trẻ Việt Nam. Gần 2 năm sau, Trọng Khang tiếp tục ra mắt tiểu thuyết Những vọng âm nằm ngủ. Meggie Phạm (28 tuổi) xuất hiện trên văn đàn từ năm 19 tuổi với loạt tiểu thuyết: Tôi và em, Giám đốc và em, Hoàng tử và em, Người xa lạ và em. Cô là đại biểu trẻ nhất tham dự Hội nghị Những người viết văn trẻ toàn quốc năm 2011, được kết nạp vào Hội Nhà văn Thừa Thiên - Huế khi mới 22 tuổi. Trong 3 năm liên tiếp, cây bút trẻ Thái Cường lần lượt cho ra mắt 3 tiểu thuyết: Những mảnh mắt nhìn (2017), Gam lam không thực (2018) và Người chết thuê (2019). 

Bên cạnh đó, rất nhiều cây viết 9X cũng lựa chọn tiểu thuyết để ra mắt như: Hoàng Yến (26 tuổi) với Săn mộ - Thông thiên la thành; Nguyễn Hoàng Mai (28 tuổi) với Đung đưa trên những đám mây; Phạm Anh Tuấn (25 tuổi) với Đánh đổi; Hiền Trang với Bức tranh cô gái khỏa thân và cây vĩ cầm đỏ; Nhật Phi (28 tuổi) với Người ngủ thuê - tác phẩm đoạt giải nhất cuộc thi Văn học tuổi 20 lần 5, lúc anh vừa tròn 23 tuổi.

Đặc biệt, có thể thấy rõ điều này tại cuộc thi “Văn học tuổi 20” lần 6 khi xuất hiện một loạt tác giả 9X với các tiểu thuyết và truyện dài. Có thể kể đến như: Phạm Thúy Quỳnh (22 tuổi) với Trăng trong cõi; Đặng Hằng (23 tuổi) với Nhân gian nằm nghiêng; Mai Thảo Yên (28 tuổi) với Người lạ; Phạm Thu Hà (22 tuổi) với Sau những ngày mưa; Bạch Đằng (28 tuổi) với Những đứa con cổ tích… 

Văn học 9X: Những khởi đầu ấn tượng ảnh 1 Hội nghị Viết văn trẻ Hà Nội lần thứ 3 vừa được tổ chức tại Ninh Bình, chứng kiến sự xuất hiện của nhiều tác giả 9X. Ảnh: GIA HÀ

Nói về lý do lựa chọn tiểu thuyết để xuất hiện, tác giả trẻ Đức Anh chia sẻ: “Mỗi thể loại đều có tư duy riêng phù hợp. Tôi nghĩ rằng, việc xây dựng cốt truyện, các tuyến nhân vật cũng như lớp lang của tình tiết hợp với tôi hơn. Có những khoảnh khắc, tôi nghĩ mình sẽ viết truyện ngắn, nhưng tôi sẽ đợi những thứ liên quan đến nó xảy ra, để nó đi đến cùng của một câu chuyện. Nếu ý tưởng ấy không dùng được, tôi đành phải bỏ. Chúng ta chỉ được chọn một thứ mà thôi. Tôi có xu hướng chờ một cuốn tiểu thuyết tìm đến mình”.

Theo nhà phê bình Mai Anh Tuấn, sự lựa chọn thể loại bao giờ cũng xuất phát từ một số năng lực, năng khiếu, sở trường riêng. Việc viết tiểu thuyết vừa hấp dẫn, vừa đầy thử thách, và vì thế, sự phiêu lưu của cái viết trở nên đáng chú ý. “Mặt khác, thể loại tiểu thuyết trong văn học Việt Nam hiện đại, nói một cách thẳng thắn, vẫn chưa có nhiều thành tựu lớn. Bởi thế, trong vạch đích xuất phát của một số tác giả, tôi biết, họ muốn dấn thân vào thể loại từng là “cửa tử” của nhiều người này. Dĩ nhiên, phải cần đến hành trình dài thì mới biết được tác giả nào trong số các bạn trẻ viết văn hôm nay sẽ thành công với tiểu thuyết. Tôi tin tiểu thuyết là cơ hội lớn cho tất cả các nhà văn Việt Nam”, anh nói. 

Một thế hệ đa năng 

Có một thực tế, so với thế hệ trước, khả năng tiếp cận công nghệ, tiếp cận những tri thức, những tác phẩm văn học lớn của thế giới từ thế hệ 9X trở nên dễ dàng hơn rất nhiều. Nhờ đó, cũng hình thành nên một thế hệ viết văn với trường liên tưởng, tưởng tượng thực sự phong phú và đa dạng. Họ quyết liệt theo đuổi đề tài, thể loại; từ dã sử, lịch sử, chiến tranh cho đến dòng “trinh thám đen”, giả tưởng, viễn tưởng… Và đặc biệt, họ cũng là một thế hệ đa năng bên cạnh tài năng văn chương. 

Điển hình là trường hợp của Phạm Thu Hà. Sau khi đạt giải ba cuộc thi Văn học tuổi 20 lần 6, cô vẫn tham gia đời sống văn chương bằng những truyện ngắn trên các tạp chí văn chương uy tín. Mới đây, Phạm Thu Hà cũng vừa ra mắt dịch phẩm Không nhà, cuốn tiểu thuyết nằm trong tốp 10 cuốn sách hay nhất năm 2018 theo bình chọn của The New York Times và là ứng viên giải Pulitzer năm 2019.

Một gương mặt đa tài không kém là Hiền Trang. Tốt nghiệp Đại học Ngoại thương, dù còn trẻ nhưng Hiền Trang cho thấy một kiến văn rộng và phong phú, qua việc tham gia bình luận các lĩnh vực xã hội, điện ảnh, âm nhạc, văn chương trên các tờ báo và tạp chí lớn. Ngoài sáng tác và bình luận, Hiền Trang còn “lấn sân” sang lĩnh vực dịch thuật, cô vừa ra mắt dịch phẩm Dưới bánh xe mặt trời, tác phẩm của nhà văn người Đức Hermann Hesse (chủ nhân của giải Goethe và giải Nobel Văn học năm 1946). 

Nhà phê bình Mai Anh Tuấn cho rằng, các tác giả 9X cần chuẩn bị một tư trang đủ chắc chắn và bền bỉ để không rơi vào tình thế “sớm nở tối tàn” như thực trạng thường thấy trong văn học Việt Nam hiện đại. Làm thế nào để đi xa và ít nhất để không bỏ cuộc, là điều chẳng dễ dàng.

Anh cũng lưu ý thêm: “Chúng ta, dẫu tin yêu hay kỳ vọng bao nhiêu nữa, cũng không nên đặt lên vai họ quá nhiều trọng trách và cả “lạc quan tếu”. Họ đang phải “chiến đấu” trên nhiều “mặt trận”, từ văn học dịch phong phú có thể làm lép vế văn chương nội địa bất cứ khi nào, cho đến các hình thức giải trí và sức mạnh công nghệ hấp dẫn kinh người. Họ cũng phải chịu đựng sự phán xét và dù tự tin, họ phải tự lập trong việc khẳng định mình”.

Tác giả Đức Anh trăn trở: “Chúng tôi nghĩ rằng, những tác giả trẻ cần được quan tâm nhiều hơn bằng lăng kính học thuật. Tôi kỳ vọng các nhà nghiên cứu hiện nay có thể đi sâu, đọc nhiều hơn các tác giả trẻ, không nên dán nhãn cho họ, không nên nghĩ rằng họ mãi mãi chỉ viết về tuổi trẻ, cô đơn với mất mát. Thực tế không phải như vậy”.

Tin cùng chuyên mục