Lãng phí trạm thông tin xe buýt

Không ai sử dụng
Lãng phí trạm thông tin xe buýt

Hơn 50 trạm thông tin xe buýt “Chạm để biết” ở TPHCM được lắp đặt thử nghiệm nhằm giúp người dân có thể tìm nhanh các tuyến xe buýt đi qua bệnh viện, trụ sở công an... gần nhất khi có nhu cầu khẩn cấp. Tuy nhiên, chỉ sau gần 2 năm lắp đặt, hầu hết các trạm đều không hoạt động hoặc “đơ” màn hình cảm ứng.

Màn hình cảm ứng được trang bị tại 54 Trạm thông tin xe buýt.

Màn hình cảm ứng được trang bị tại 54 Trạm thông tin xe buýt.

Không ai sử dụng

Hơn 1 giờ ngồi cạnh trạm thông tin xe buýt đặt tại ngã tư Lý Thường Kiệt - Hồng Bàng (quận 5) quan sát, chúng tôi không thấy bất kỳ người đi đường, học sinh hay khách du lịch ghé vào sử dụng. Điều đáng nói, đây lại là khu vực có lượng người đi xe buýt rất đông. Trạm được thiết kế 3 mặt  quảng cáo, chỉ còn 1 mặt trống quay vào bên trong vỉa hè để người sử dụng bước vào trạm. Có lẽ thấy không có người sử dụng nên hàng rào lưới của bãi giữ xe cho một bệnh viện gần đấy cũng lấn sát trạm, chỉ chừa lại một đường đi khá hẹp. Bước vào bên trong trạm mùi hôi xộc vào mũi nồng nặc, đập vào mắt là màn hình báo hiệu máy đang bị lỗi, không có khả năng cung cấp dịch vụ.    

Không riêng gì trạm này, mà các trạm khác khi chúng tôi ghé qua cũng đều chung tình trạng không hiển thị được nội dung lên màn hình hoặc màn hình bị “đơ” cảm ứng (gồm trạm trước Sở Y tế TPHCM - quận 1, trạm trước sân khấu 126 - quận 3, trạm trước chợ Tân Bình - quận Tân Bình, trạm trước Nhà thi đấu Phú Thọ - quận 11, 2 trạm bên hông Thuận Kiều Plaza - quận 5). Có 1 trạm bị bể màn hình (ngã tư đường Vĩnh Viễn - Lý Thường Kiệt - quận 5). Trong một số trạm còn hoạt động tốt, như trạm gần chợ Bến Thành cũng bị trưng dụng làm chỗ để xe gắn máy.

Anh N.T.L, hành nghề xe ôm gần 2 trạm đặt bên hông Thuận Kiều Plaza khẳng định: “Ngồi chờ khách ở đây trước giờ có thấy ai sử dụng đâu. Nhìn bên ngoài cứ tưởng là mấy tấm bảng quảng cáo. Hơn 2 tháng nay, máy không lên hình cũng chẳng thấy đơn vị nào đến sửa chữa”. Hỏi chuyện những người đi xe buýt thường xuyên, hầu như họ đều không biết đến sự có mặt của Trạm thông tin xe buýt, một số khác biết nhưng chỉ “dùng 1 lần rồi thôi” bởi máy chạy chậm rì.

Các trạm thông tin xe buýt luôn trong tình trạng vắng vẻ, có trạm còn bị chặn lối đi.

Các trạm thông tin xe buýt luôn trong tình trạng vắng vẻ, có trạm còn bị chặn lối đi.

Phải thiết kế lại

Trạm thông tin xe buýt “Chạm để biết” được Sở GTVT TPHCM giao cho Công ty Truyền thông đa phương tiện Đất Việt thực hiện thử nghiệm từ cuối năm 2011, đến nay đã có 54 trạm đưa vào vận hành. Các trạm này được thiết kế như những “hộp” (trạm) có mái che và 3 mặt vách. Bên trong đặt 1 màn hình để hiển thị nội dung. Bên ngoài các vách này là các bảng hiệu quảng cáo kèm theo hàng chữ “Màn hình chạm biết thông tin xe buýt”. Toàn bộ kinh phí thực hiện đều do Công ty Truyền thông đa phương tiện Đất Việt tự bỏ ra, thông qua nguồn thu từ quảng cáo. Thời gian thử nghiệm dự kiến kéo dài đến hết tháng 6-2014.   

Trao đổi với PV Báo SGGP, ông Nguyễn Văn Chữ, đại diện Công ty Truyền thông đa phương tiện Đất Việt cho biết, tính năng của màn hình  đặt trong trạm nhằm cung   cấp thông tin về xe buýt tại TPHCM bao gồm bản đồ tuyến xe buýt và trạm dừng, lộ trình và số hiệu tuyến xe, điểm đến từng chặng mỗi tuyến, giờ đến của chuyến xe kế tiếp, tổng chiều dài tuyến, giá vé... Trên màn hình còn hướng dẫn cách tìm các siêu thị, khu vui chơi, khu thể thao, máy rút tiền, khách sạn, công sở... Nội dung được thể hiện bằng tiếng Việt và tiếng Anh. Nhìn chung, dịch vụ miễn phí này khi mới triển khai đáp ứng được nhu cầu của đa số người lao động và sinh viên. Tuy nhiên, gần đây, nhiều máy hoạt động không ổn định. Lý giải điều này, ông Nguyễn Văn Chữ phân tích: “Thời tiết nắng nóng tại TPHCM đã ảnh hưởng lớn đến chất lượng hiển thị của máy. Ban đầu, công ty cũng tính đến thiết kế phòng kín và trang bị máy lạnh nhưng do chi phí quá lớn nên phải thiết kế dạng hở như hiện nay. Bên cạnh đó, người dân chưa có ý thức bảo vệ. Từ khi triển khai đến nay, có một số màn hình đã bị đập bể, công ty phải bỏ tiền thay mới. Số tiền thu quảng cáo không đủ bù chi các khoản vận hành”.

Khi nói đến sự tồn tại của các trạm thông tin xe buýt kể trên, không ít người dân tỏ ra bức xúc về sự lãng phí bởi số tiền đầu tư là không hề nhỏ. Hiện mỗi màn hình nhập khẩu từ Singapore khoảng 30 triệu đồng, công lắp đặt khoảng 10 triệu đồng/trạm. Như vậy, với 54 trạm hiện có, số tiền đầu tư không dưới 2 tỷ đồng. Dù do nhà nước hay doanh nghiệp đầu tư thì cũng là lãng phí, nếu trạm chưa phát huy được hiệu quả. Chưa hết, đại diện một doanh nghiệp làm quảng cáo còn tính toán, hiện bảng quảng cáo có diện tích 2 - 4m2 có giá thuê mỗi năm lên đến vài ngàn USD. Với những vị trí gần trạm xe buýt hoặc khu vực trung tâm, giá này dao động 6.000 - 8.000 USD. Nếu thành phố chỉ cho thuê quảng cáo ở chính các vị trí này, mỗi năm đã có tiền tỷ nộp vào ngân sách. Còn nếu tiếp tục triển khai các trạm, phải tính toán lại thiết kế và lựa chọn công nghệ phù hợp, đồng thời phải hướng dẫn cho người dân biết để sử dụng hiệu quả.

TƯỜNG HÂN

Tin cùng chuyên mục