100 lao động tranh nhau 3 thẻ đi vệ sinh trong một buổi sáng

Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam vừa có văn bản gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị xem xét, sửa đổi cách tính lương hưu đối với lao động nữ từ đầu năm 2018 (theo Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014) vẫn như quy định của Luật Bảo hiểm năm 2004.
ĐB Trương Thị Bích Hạnh (Bình Dương) cho rằng, có sự khác biệt trong cách tính lương giữa nam và nữ từ 1-1-2018
ĐB Trương Thị Bích Hạnh (Bình Dương) cho rằng, có sự khác biệt trong cách tính lương giữa nam và nữ từ 1-1-2018

Sáng 9-11, Quốc hội thảo luận tại hội trường về báo cáo thực hiện mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới. Đây là lần đầu tiên Quốc hội thảo luận nội dung này và được truyền hình, phát thanh trực tiếp cho cử tri, nhân dân cả nước theo dõi. Đáng chú ý, tại đây phiên thảo luận, nhiều ĐBQH đề nghị xem xét, sửa đổi cách tính lương hưu đối với lao động nữ từ đầu năm 2018.

Đề nghị điều chỉnh cách tính lương hưu

Trong phiên thảo luận, nhiều ý kiến tranh luận sôi nổi về tuổi nghỉ hưu và cách tính lương hưu đối với nữ. ĐB Trương Thị Bích Hạnh (Bình Dương) cho rằng, có sự khác biệt trong cách tính lương giữa nam và nữ từ 1-1-2018. Vừa qua đã có nhiều ý kiến ĐBQH, vì thế, đề nghị Chính phủ sớm có phương án giải quyết, không để xảy ra việc phản ứng chính sách như đã từng diễn ra, vì thời điểm 1-1-2018 đã đến gần.

ĐB Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình), ĐB Ngàn Phương Loan (Lạng Sơn) đều đề nghị Chính phủ phải điều chỉnh lại cách tính lương hưu. Về vấn đề này, Ủy ban các vấn đề xã hội cũng đề nghị Chính phủ nghiên cứu, đánh giá tác động giới của việc thực hiện cách tính lương hưu đối với lao động nghỉ hưu từ ngày 1-1-2018  và kịp thời đề xuất các phương án, lộ trình phù hợp.

100 lao động tranh nhau 3 thẻ đi vệ sinh trong một buổi sáng ảnh 1 ĐB Trương Thị Bích Hạnh (Bình Dương) 

Riêng tuổi nghỉ hưu, ĐB Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre) nêu quan điểm, không nên quy định tuổi nghỉ hưu của nữ thấp hơn nam 5 tuổi, mà nên để nữ được lựa chọn, hoặc nghỉ lúc 60 tuổi như nam giới, hoặc được chọn nghỉ lúc 55 tuổi.

Giải trình với các ĐBQH về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB và XH Đào Ngọc Dung cho biết, theo quy định của Luật bảo hiểm xã hội thì có sự khác biệt về giới trong cách tính lương hưu đối với lao động nam và nữ nghỉ hưu từ ngày 1-1-2018, trong khi tỷ lệ hưởng lương hưu của lao động nam giảm 2% (đối với người có thời gian đóng bảo hiểm xã hội dưới 31 năm) thì lao động nữ giảm trong khoảng 2% đến 10% tùy thuộc vào thời gian đóng bảo hiểm xã hội (với cách tính này, nhiều người nghỉ hưu năm 2018 sẽ hưởng lương hưu thấp hơn hẳn so với người nghỉ năm 2017, ảnh hưởng đến quyền lợi của lao động). 

Bộ trưởng Bộ LĐ-TB và XH cho biết, vấn đề này Chính phủ cũng đã nhận ra và có đánh giá tác động, sẽ báo cáo Ủy ban Thường vụ quốc hội để điều chỉnh cách tính, theo nguyên tắc vừa bảo đảm thực thi pháp luật, vừa bảo đảm nguyên tắc đóng-hưởng, bảo đảm bình đẳng giới, có lộ trình, không gây sốc. Chính phủ sẽ báo cáo Ủy ban thường vụ Quốc hội và thẩm quyền quyết định là thuộc Quốc hội.

Còn nhiều rào cản với nữ giới

Thảo luận về báo cáo thực hiện bình đằng giới của Chính phủ, ĐB Phan Văn Tường (Thái Nguyên), ĐB Tống Thanh Bình (Lai Châu), ĐB Trần Văn Tiến (Vĩnh Phúc)... cho rằng, kết quả thực hiện bình đằng giới đã có nhiều kết quả, cơ hội việc làm giữa nam và nữ ngày càng được thu hẹp. Tuy nhiên còn quá nhiều bất bình đẳng: tư tưởng trọng nam hơn nữ thể hiện rõ nhất qua thừa kế; việc làm giản đơn nhiều, thu nhập thấp; tỷ lệ mù chữ nữ cũng nhiều hơn; cơ hội được học tập, đào tạo cũng ít hơn nhất là nữ ở vùng khó khăn.

ĐB Nguyễn Thị Thu Hà (Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam) bức xúc vì 2/3 chỉ tiêu  thực hiện bình đẳng giới không đạt hoặc không đo đếm được. Có nhiều chỉ tiêu lẽ ra phải đạt nhưng đã không đạt như tỷ lệ cán bộ nữ. Hay tỷ lệ phá thai báo cáo là đạt nhưng đó chỉ là con số ở bệnh viện công, còn khu vực dịch vụ tư không đong đếm được, và thực tế thì Việt Nam là một trong những nước có tỷ lệ phá thai cao nhất thế giới.

Việc không đủ chỉ tiêu về cán bộ nữ cũng cho thấy có rào cản trong việc chuẩn bị nguồn, đào tạo nguồn... đòi hỏi phải có những giải pháp mạnh mẽ hơn. Phụ nữ là đối tượng chịu tổn thương lớn nhất khi doanh nghiệp cắt giảm lao động.

ĐB Trương Minh Hoàng (Cà Mau) chỉ ra nhiều chỉ tiêu không đạt, ví dụ lãnh đạo nữ, toàn bộ thành viên Chính phủ chỉ có 1 nữ (Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến).  ĐB cho rằng, cần có thêm nhiều chính sách bảo đảm chất lượng sống, công việc... cho nữ, vì họ không chỉ có vai trò giữ mái ấm gia đình mà cùng góp sức với nam giới để phát triển kinh tế gia đình, xây dựng đất nước. Cần có chiến lược lâu dài để đào tạo lao động nữ chất lượng cao. Với quy hoạch cán bộ nữ chủ chốt, cần tăng độ tuổi cho nữ. Nếu vẫn duy trì nữ nghỉ hưu sớm 5 năm so với nam giới thì chính sách lương phải thiết kế làm sao để lương hưu của nữ phải bằng lương hưu của nam.

Các ĐBQH cũng bày tỏ lo ngại vì dù theo đánh giá của Diễn đàn Kinh tế thế giới, năm 2016 Việt Nam đứng thứ 65/144 quốc gia về chỉ số khoảng cách giới (tăng 18 bậc so với năm 2015), nhưng thứ hạng này lại tụt 23 bậc so với năm 2007, là năm đầu tiên Việt Nam tham gia xếp hạng cũng như thực hiện luật bình đẳng giới.

100 lao động tranh nhau 3 thẻ đi vệ sinh trong một buổi sáng ảnh 2 ĐB Trương Minh Hoàng (Cà Mau)

Đáng chú ý, các ĐB cũng cảnh báo việc mất cân bằng giới tính khi sinh, dự báo dư thừa từ 2,3-2,4 triệu nam giới đến tuổi trưởng thành ở giữa thế kỷ này, mang lại nhiều hệ lụy xấu nên cần phải có những giải pháp. ĐB Ngàn Phương Loan (Lạng Sơn) đề nghị sớm thông qua Luật dân số, trong đó có chế tài nghiêm để xử lý hành vi lựa chọn giới tính thai nhi.

Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam cho rằng, còn quá nhiều rào cản để thực hiện bình đẳng giới. Để thực hiện tốt thì cần nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu; điều chỉnh lại tuổi nghỉ hưu cho nữ cũng như cách tính lương hưu từ 1-1-2018.  Cần có chính sách đào tạo cán bộ dài hạn đối với nữ. Trong bối cảnh cuộc cách mạng 4.0 hiện nay, cần có thêm những chính sách đối với nữ để không ai bị bỏ lại phía sau.

 Bộ trưởng Bộ LĐ-TB và XH Đào Ngọc Dung 

ĐB Trương Thị Bích Hạnh (Bình Dương) và môt số ĐB đề nghị Chính phủ phải có giải pháp để giải quyết vấn đề lao động nữ bị mất việc làm sau 35 tuổi đang khiến xã hội lo lắng hiện nay. Về vấn đề này, theo giải trình của Bộ trưởng Bộ LĐ-TB và XH Đào Ngọc Dung, vấn đề sa thải lao động trên 35 tuổi ở khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI)  cần được đánh giá thận trọng. Vấn đề này cũng đã được Chính phủ báo cáo tại phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội.  Khu vực FDI có 2,6 triệu lao động; 3,9 người đóng BHXH. Hầu hết các tập đoàn FDI có đổi mới, chăm lo cho người lao động. “Nhưng một số nơi làm chưa tốt, ví dụ có nơi chỉ phát 3 thẻ cho 100 lao động đi vệ sinh trong một buổi sáng, khiến người lao động phải tranh nhau đi. Chính phủ đã kiểm tra và thậm chí xử phạt”, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho hay.

Nhưng theo Bộ trưởng, đánh giá con số lao động bị doanh nghiệp FDI sa thải cần thận trọng, chính xác. “Chính phủ rất quan tâm đến vấn đề này. Cuộc cách mạng 4.0 sẽ dẫn tới thay đổi về lao động, dự kiến đến 2035, 70-80% lao động khu vực thâm dụng lao động có thể bị mất việc, đòi hỏi phải có chính sách đào tạo lao động  phù hợp”,  Bộ trưởng Bộ LĐ-TB và XH nói.

Tin cùng chuyên mục