14,6 triệu người tham gia BHXH bắt buộc, chỉ 295.000 người đóng BHXH tự nguyện

Ông Đào Việt Ánh, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam cho hay, tính đến ngày 31-3, số người tham gia BHXH bắt buộc là 14,6 triệu người; BHXH tự nguyện là 295.000 người; bảo hiểm thất nghiệp là gần 12,8 triệu người; BHYT là 83,6 triệu người, đạt tỷ lệ bao phủ 88,1% dân số...

Ngày 12-4, tại Đà Nẵng, BHXH Việt Nam tập huấn kiến thức về bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp cho 120 phóng viên, biên tập viên các cơ quan thông tấn, báo chí trong cả nước.

Tham dự có các đồng chí: Ngọ Duy Hiểu, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam; Đào Việt Ánh, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam; Hồ Quang Lợi, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam.

Khóa tập huấn nhằm cập nhật những chính sách mới về BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp, nhằm nâng cao kiến thức chuyên môn cho đội ngũ phóng viên, biên tập viên.
14,6 triệu người tham gia BHXH bắt buộc, chỉ 295.000 người đóng BHXH tự nguyện ảnh 1 Ông Đào Việt Ánh , Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam phát biểu khai mạc
Phát biểu khai mạc, ông Đào Việt Ánh, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam cho hay, tính đến ngày 31-3, số người tham gia BHXH bắt buộc là 14,6 triệu người; BHXH tự nguyện là 295.000 người; bảo hiểm thất nghiệp là gần 12,8 triệu người; BHYT là 83,6 triệu người, đạt tỷ lệ bao phủ 88,1% dân số. Trong 3 tháng đầu năm 2019, đã có 44,4 triệu lượt người được hưởng các chế độ BHXH, BHYT. Trong đó có 2,7 triệu lượt người hưởng các chế độ BHXH và trên 41,7 triệu lượt người khám chữa bệnh BHYT.

Trong năm, có khoảng 10.000 tác phẩm báo chí truyền thông về các chính sách BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp, giúp người dân nắm bắt kỹ hơn về các quyền lợi của mình.

Tại hội nghị, nhà báo Hồ Quang Lợi, Phó Chủ tịch thường trực Hội Nhà báo Việt Nam đề nghị BHXH Việt Nam cần chủ động, phối hợp thông tin đầy đủ tới các phóng viên, tạo thuận lợi cho phóng viên tác nghiệp.

Với các nhà báo, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam đề nghị, thời gian tới, các cơ quan báo chí, nhất là các nhà báo phụ trách lĩnh vực BHXH, cần tích cực truyền thông sâu rộng về nội dung mới là lần đầu tiên có quy định hình sự hóa các hành vi trốn đóng, chiếm đoạt tiền BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp. Việc này nhằm giảm thiểu tỷ lệ trốn đóng, nợ đóng BHXH, BHYT cho người lao động của các đơn vị, doanh nghiệp; góp phần hạn chế tình trạng lợi dụng, trục lợi quỹ BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp từ các bên liên quan.

14,6 triệu người tham gia BHXH bắt buộc, chỉ 295.000 người đóng BHXH tự nguyện ảnh 2 120 phóng viên, biên tập viên các cơ quan báo chí dự tập huấn kiến thức mới về BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp

Có vai trò của công đoàn trong việc bảo đảm quyền lợi cho người lao động, ông Ngọ Duy Hiểu, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam chia sẻ, việc khởi kiện của công đoàn với các doanh nghiệp nợ BHXH vẫn rất khó khăn. Các cấp công đoàn đã tiếp nhận và chuyển khoảng 3.000 vụ tới tòa án, nhưng số vụ được tòa án thụ lý rất ít, còn đa số là từ chối, trả lại hồ sơ vì nhiều lý do khác nhau.

Ông Ngọ Duy Hiểu cho hay, có 4 bộ luật, luật liên quan đến lĩnh vực này, là Bộ Luật lao động, Bộ Luật Tố tụng dân sự, Luật BHXH, Luật Công đoàn và đang có sự không thống nhất trong trách nhiệm khởi kiện: luật thì ghi công đoàn cấp trên cơ sở, luật ghi công đoàn cơ sở, luật chi chung chung là công đoàn. Có vụ thì tòa án trả lời không thuộc trách nhiệm xét xử của tòa án, có vụ thì tòa không thụ lý vì cho rằng không có sự ủy quyền của người lao động cho công đoàn khởi kiện.

Theo ông Ngọ Duy Hiểu, công đoàn là tổ chức đại diện đương nhiên của người lao động theo Hiến pháp và theo Luật Công đoàn. Một trong những lý do ra đời của công đoàn là bảo vệ người lao động, nhất là khi người lao động bị xâm hại quyền lợi thì trách nhiệm của công đoàn đương nhiên là bảo vệ, không phải xin ý kiến người lao động nữa. Tuy vậy, nhiều tòa án vẫn cho rằng, không có ủy quyền của người lao động cho công đoàn thì vụ việc không được tòa thụ lý, trong khi để lấy ủy quyền của từng người lao động là rất khó khăn: công nhân đông, mỗi người một nơi, xác nhận ủy quyền phải có chứng thực của UBND cấp xã hoặc của phòng công chứng.

“Cán bộ công đoàn cơ sở do chủ doanh nghiệp trả lương. Có khi lập ủy quyền không cẩn thận thì cả cán bộ công đoàn cơ sở, cả người lao động còn bị doanh nghiệp làm khó về công ăn việc làm. Như vậy, yêu cầu công đoàn phải có ủy quyền của người lao động để khởi kiện thì xét về cả pháp lý, cả thực tiễn đều trở ngại, chưa mang lại hiệu quả cho việc khởi kiện các doanh nghiệp nợ BHXH”, Phó Chủ tịch Tổng LĐLD Việt Nam phân tích.

Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam cũng thông tin một điều may mắn là khi tòa án hòa giải, có 39 vụ đã thu được hơn 1.000 tỷ đồng doanh nghiệp nộp, khắc phục việc nợ BHXH. Và một số vụ việc tòa án đã thụ lý, giải quyết thành công. Tức là, cùng tranh chấp, kiện về nợ BHXH, nhưng cá nhân kiện thì tòa án giải quyết; còn tranh chấp tập thể, tòa án vẫn không giải quyết.

Để làm tốt hơn trách nhiệm bảo vệ người lao động, ông Ngọ Duy Hiểu cho biết, công đoàn có hệ thống cán bộ tư vấn đủ sức bảo vệ người lao động và Tổng LĐLĐ Việt Nam đang có đề án đào tạo ít nhất 50 luật sư công đoàn, chuyên về BHXH. Khi có các vụ việc, các luật sư này sẽ tham gia, hoàn toàn độc lập trong việc bảo vệ người lao động.

Ông Ngọ Duy Hiểu cũng đề nghị cần sửa đổi, các bộ luật, luật nên thống nhất công đoàn khởi kiện là công đoàn cấp trên cơ sở, để công đoàn thực hiện trách nhiệm mà vẫn đảm bảo “an toàn” cho cán bộ công đoàn cơ sở.

Tin cùng chuyên mục