15 năm xây dựng đời sống văn hóa ở TPHCM: Chuẩn hóa lại tiêu chí, thiết thực hơn cách làm

15 năm xây dựng đời sống văn hóa ở TPHCM: Chuẩn hóa lại tiêu chí, thiết thực hơn cách làm
  • Năm 2015: 80% số hộ đạt chuẩn Gia đình văn hóa

Sáng 18-12, Ban Chỉ đạo Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa (TDĐKXDĐSVH) TPHCM tổng kết 10 năm thực hiện phong trào TDĐKXDĐSVH (2000 - 2010) và 15 năm cuộc vận động “TDĐKXDĐSVH ở khu dân cư” (1995 - 2010) (gọi tắt là cuộc vận động) trên địa bàn TPHCM. Chỉ đạo tại hội nghị, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Đua đã yêu cầu các tập thể, cá nhân không báo cáo thành tích “lê thê” mà cùng hiến kế, đóng góp trí tuệ bàn giải pháp cụ thể, kinh nghiệm thực tiễn để cuộc vận động đi vào chiều sâu trong thời gian tới.

  • Năng động từ cơ sở

Kết quả thực hiện cuộc vận động được Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ TP Huỳnh Đăng Linh gói gọn trong nhận định: “Thông qua cuộc vận động với rất nhiều phong trào thi đua, đã góp phần thúc đẩy thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội ở địa phương. Giúp cho đời sống của một bộ phận dân cư khó khăn được cải thiện, từng bước xây dựng đạo đức, lối sống văn hóa trong nhân dân, tệ nạn xã hội từng bước được đẩy lùi, môi trường văn hóa ngày càng lành mạnh, góp phần ổn định tình hình an ninh trật tự, an toàn xã hội trên từng địa bàn dân cư…”.

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Đua tặng bằng khen cho các tập thể xuất sắc trong phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”. Ảnh: VIỆT DŨNG

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Đua tặng bằng khen cho các tập thể xuất sắc trong phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”. Ảnh: VIỆT DŨNG

Để có được kết quả trong nhận định ngắn gọn đó, tự thân từng tập thể, cá nhân trên toàn địa bàn TP đã có rất nhiều cách làm hay. Kinh nghiệm thực hiện nếp sống văn minh - mỹ quan đô thị gắn với cuộc vận động của quận 10 là để cơ sở chủ động, xác định trọng tâm tập trung tạo chuyển biến trước khi nhân rộng.

Qua đó có nhiều cách làm hay: Gắn bảng hướng dẫn giao thông ở đầu hẻm góp phần giải quyết nạn ùn tắc, kẹt xe vào giờ cao điểm (mô hình đã được nhân rộng toàn TP), xây dựng sơ đồ từng khu phố để tiện kiểm tra, giám sát; mô hình điểm sáng văn hóa tại chợ Hòa Hưng (gắn logo “Điểm sáng văn minh” tại những quầy hàng tiêu biểu), nhân rộng mô hình cà phê Lâm Viên - “Điểm sáng văn hóa” chăm lo 100 - 200 phần cơm từ thiện cho người nghèo/tháng. Kinh nghiệm thực hiện cuộc vận động của Ủy ban MTTQ quận 5 là thành lập giải thưởng “Đại đoàn kết” xét tặng các ban chỉ đạo phường, khu phố hoạt động xuất sắc và đã có 146 tập thể, cá nhân được trao tặng giải thưởng này.

Quận 5 cũng sáng tạo thực hiện hội thi “Mời bạn đến thăm khu phố tôi” và “Nét đẹp khu phố tôi” ở 99 khu phố, thu hút sự tham gia của đông đảo người dân, góp phần nâng cao ý thức và chuyển hóa địa bàn khu dân cư.

Còn kinh nghiệm giữ vững danh hiệu Khu phố văn hóa 10 năm liền của khu phố 2 phường Phước Bình quận 9 là luôn có sự bàn bạc cụ thể, kiên trì vận động thuyết phục từng hộ dân khi nhựa hóa toàn bộ các con hẻm khu phố; kết hợp với cảnh sát khu vực chiếu phim, nói chuyện, xe phát thanh lưu động… để tuyên truyền, cảnh báo các thủ đoạn hoạt động của tội phạm cho người dân tăng cường cảnh giác.

  • Khắc phục “bệnh” hình thức

Qua 15 năm thực hiện cuộc vận động trên địa bàn TP, những kết quả đạt được đã nhìn thấy rõ, tuy nhiên những hạn chế, bất cập cũng còn không ít.

Phân tích cụ thể, ông Huỳnh Đăng Linh cho rằng: “Việc tổ chức cuộc vận động ở nhiều nơi vẫn chưa đi vào chiều sâu, bình chọn các điển hình “Người tốt việc tốt”, “Gia đình văn hóa” chưa thuyết phục, quy trình bình chọn các danh hiệu văn hóa chưa chặt chẽ, có biểu hiện hình thức, bình chọn chiếu lệ. Tại nhiều khu dân cư, ấp văn hóa đã nhiều năm đạt danh hiệu nhưng vẫn còn tình trạng xả rác nơi công cộng, việc kiểm tra giám sát tình trạng lấn chiếm đất công, xây dựng trái phép, lấn chiếm lòng lề đường kinh doanh còn diễn ra nhiều…”.

Đánh giá cao và đồng tình với những thành tựu cũng như tồn tại của TPHCM, bà Bùi Thị Thanh, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ VN, cho rằng: Việc các đơn vị trên địa bàn TP mạnh dạn “đánh rớt” hạng 655 khu dân cư văn hóa (chiếm 33,16% khu phố, ấp văn hóa toàn TP) do không duy trì được kết quả các tiêu chí là thể hiện quyết tâm và cách làm rất thiết thực. Tuy nhiên, TP cũng phải cụ thể hóa các nội dung ở cơ sở để đảm bảo sát thực tiễn, khắc phục những biểu hiện hình thức, hành chính trong cuộc vận động.

Phó Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thị Thu Hà trao bằng công nhận phường, xã văn hóa cho các điển hình. Ảnh: V. DŨNG

Phó Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thị Thu Hà trao bằng công nhận phường, xã văn hóa cho các điển hình. Ảnh: V. DŨNG

Góp ý cho chỉ tiêu đạt 80% tổng số hộ đạt chuẩn Gia đình văn hóa trên địa bàn TP vào năm 2015, ông Nguyễn Văn Tấn, Vụ trưởng - Giám đốc cơ quan đại diện Bộ VH-TT-DL tại TPHCM, đề nghị TP phải đề ra các tiêu chí thiết thực để chỉ tiêu này đạt được một cách thuyết phục và người dân cũng cảm thấy tự hào khi được trao danh hiệu.

Ông Tấn cũng đề nghị TP quan tâm hơn đến nhu cầu vui chơi giải trí cho lực lượng công nhân lao động đông đảo đang làm việc tại các KCX-KCN trên địa bàn TP.

Dịp này, 273 tập thể và 66 cá nhân được nhận bằng khen của Chủ tịch UBND TP và 17 phường - xã được trao danh hiệu đạt chuẩn văn hóa giai đoạn 2007 - 2009

HỒNG HIỆP

Phó Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thị Thu Hà:

Tập trung xây dựng thiết thực tiêu chí “Gia đình văn hóa”

Các đơn vị cần bám sát Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP lần thứ IX (nhiệm kỳ 2010 - 2015) trong phát triển văn hóa theo hướng văn minh; giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc và các giá trị tinh thần mang nét đặc trưng của nhân dân TP; tập trung xây dựng thiết thực tiêu chí “Gia đình văn hóa”, phát huy những giá trị truyền thống tốt đẹp, phù hợp với yêu cầu của giai đoạn mới. Ở cơ sở, các cấp ủy, chính quyền, MTTQ phải thấy rõ nền tảng của việc xây dựng “Gia đình văn hóa” trong phong trào TDĐKXDĐSVH để từ đó nâng cao vai trò nòng cốt của cán bộ đảng viên, đoàn viên, hội viên trong tham gia thực hiện thiết thực phong trào này. Cần tiếp tục đẩy mạnh việc tuyên truyền ý nghĩa, mục đích của phong trào xây dựng “Gia đình văn hóa”, để mỗi người dân, hộ gia đình nhận thức được tầm quan trọng và tự giác tham gia, phấn đấu xây dựng gia đình ngày một vững chắc trước sự tác động đa chiều của xã hội, đẩy lùi các tệ nạn xã hội, đồng thời giữ gìn được bản sắc văn hóa dân tộc trước xu thế giao lưu và hội nhập quốc tế hiện nay. Cần đưa việc biểu dương gương Người tốt việc tốt, Gia đình văn hóa trở thành một trong những nội dung sinh hoạt tổ dân phố để nhiều người học tập. Các đơn vị cần gắn với cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” để tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, coi đây là công việc thường xuyên và có sự chỉ đạo tập trung trong từng thời điểm.

Tin cùng chuyên mục