17 đối tượng khai thác, vận chuyển lâm sản trái phép bị xử phạt hơn 1,3 tỷ đồng

Do không đủ cơ sở xử lý hình sự nên 17 đối tượng tham gia khai thác, vận chuyển lâm sản trái phép bị xử lý hành chính với số tiền hơn 1,3 tỷ đồng.
Một vụ phá rừng tại huyện Chư Pah
Một vụ phá rừng tại huyện Chư Pah

Ngày 17-8, UBND tỉnh Gia Lai cho biết, đơn vị đã ra quyết định xử phạt hành chính 17 đối tượng có hành vi vận chuyển, khai thác gỗ trái phép với tổng số tiền hơn 1,3 tỷ đồng.

Cụ thể, đối với hành vi khai thác rừng trái phép, UBND tỉnh Gia Lai đã ra quyết định xử phạt: Lê Công Thành (phường Yên Thế, TP Pleiku, tỉnh Gia Lai) 89,5 triệu đồng; xử phạt Trương Văn Vinh (phường Yên Thế, TP Pleiku) 54,5 triệu đồng; xử phạt Đinh Văn Tỉnh (xã Ia Nhin, huyện Chư Pah), Nguyễn Văn Cường và Nguyễn Văn Huy (cùng trú xã Ia Yok, huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai) mỗi người 80 triệu đồng.

Đối với hành vi vận chuyển lâm sản trái phép, UBND tỉnh đã ra quyết định xử phạt Lê Công Công (phường Yên Thế, TP Pleiku) 80 triệu đồng; xử phạt Lê Công Thái, Lê Công Lai (thị trấn Phú Hòa, huyện Chư Pah, tỉnh Gia Lai) 80 triệu đồng; xử phạt Đỗ Văn Tiến, Nguyễn Văn Thịnh, Luyện Văn Núi, Nguyễn Danh Tình, Nguyễn Văn Vương (cùng trú xã Ia Yok) 80 triệu đồng; xử phạt Nguyễn Tiến Thắng, Nguyễn Trọng Dần, Nguyễn Văn Chung (xã Ia Nhin) mỗi người 80 triệu đồng; xử phạt Tô Viết Ngọc (xã Ia Bă, huyện Ia Grai) 80 triệu đồng.

Trước đó, như báo SGGP Online đã phản ánh, tháng 11-2017, tại tiểu khu 221,225 và 227 thuộc lâm phần của Ban Quản lý rừng phòng hộ Ia Ly (xã Ia Kreng, huyện Chư Pah, tỉnh Gia Lai) xảy ra vụ khai thác rừng trái phép với khối lượng gỗ thiệt hại là 96,9m³. 

Cơ quan điều tra Công an huyện Chư Pah đã đề nghị truy tố bị can Lê Công Hoàng (phường Yên Thế, TP Pleiku, tỉnh Gia Lai) về tội vi phạm quy định về khai thác và bảo vệ rừng. Ngoài ra, 17 đối tượng bị xử phạt nói trên do không đủ cơ sở xử lý hình sự nên công an đã chuyển hồ sơ sang chi cục kiểm lâm đề nghị xử lý hành chính. Chi cục Kiểm lâm tỉnh Gia Lai sau khi hoàn thiện hồ sơ đã có văn bản đề nghị UBND tỉnh xử phạt.

Ngoài vụ khai thác rừng trái phép nói trên, tại tiểu khu 226, xã Ia Kreng, thuộc quản lý của Ban quản lý rừng phòng hộ Ia Ly cũng xảy ra vụ khai thác rừng khác với với khối lượng gỗ thiệt hại là 68,4m³ và vụ việc vẫn đang được công an điều tra. Để xảy ra 2 vụ phá rừng nói trên, có 9 lãnh đạo, nhân viên của Ban quản lý rừng phòng hộ Ia Ly bị kỷ luật khiển trách.

Huyện Chư Pah là địa phương giáp ranh với tỉnh Kon Tum. Thời gian qua, khu vực này đã xảy ra nhiều vụ phá rừng nghiêm trọng và cũng đã được Báo SGGP Online phản ánh.

Tin cùng chuyên mục