Kỷ niệm 65 năm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam và 20 năm ngày Hội quốc phòng toàn dân (22-12)

237 ngày/năm lênh đênh của những người lính HQ 957

Cứu hộ trên biển
237 ngày/năm lênh đênh của những người lính HQ 957

Một năm có 365 ngày thì có đến 237 ngày, tàu HQ 957 (Lữ đoàn 125 Hải quân) lênh đênh thực hiện nhiệm vụ trên biển ở khu vực quần đảo Trường Sa và thềm lục địa phía Nam của Tổ quốc. Đây được coi là một kỷ lục của toàn lực lượng hải quân trong năm 2009. Không khác mấy với những đồng đội của mình đang làm nhiệm vụ ở quần đảo Trường Sa, những người lính của HQ 957 cũng gặp muôn vàn khó khăn, gian khổ, đúng như các anh tâm sự - “đời lính thủy thủ phải chấp nhận tất cả”…

Cán bộ chiến sĩ tàu HQ 957 chuẩn bị đưa khách vào thăm một đảo thuộc Trường Sa.

Cán bộ chiến sĩ tàu HQ 957 chuẩn bị đưa khách vào thăm một đảo thuộc Trường Sa.

Cứu hộ trên biển

Một ngày đầu năm 2009, một tàu kéo pông-tông chở theo 9.000 khối gỗ bị mắc kẹt ở khu vực DK1 - thềm lục địa phía Nam Tổ quốc. Một tàu cứu hộ được điều tới và đã chuyển được số gỗ trên lên tàu an toàn và di chuyển vào đất liền. Cùng lúc đó, tàu HQ 957 nhận được tin và có mặt ngay ở khu vực tàu kéo mắc cạn. Đó cũng là lúc một số tàu ngư dân lạ cập sát tàu kéo tranh thủ chặt dây xích gây cảnh hỗn loạn. Vừa kịp ổn định tình hình thì một cơn sóng cao ập tới, chiếc tàu kéo sau một hồi ngập chìm trong sóng biển liền bị đứt xích văng ra xa. Chiếc pông-tông trồi ngụp giữa biển với 17 thuyền viên co ro vì rét mướt khiến những người lính trên 957 nhói lòng.

Sau một hồi nỗ lực tiếp cận, những sợi dây chắc chắn đã được anh em trên 957 cột chặt vào chiếc pông-tông đang trôi tự do trên biển. Lúc này đã 11 giờ đêm, sóng to gió lớn nhồi con tàu liên tục. 17 anh em thuyền viên trên chiếc pông-tông bắt đầu lo lắng ngược cho anh em 957, họ ra tín hiệu liên tục rồi bụm tay hô to: “Chặt dây đi, không chìm chung với tụi tôi bây giờ”.

Cực chẳng đã, anh em 957 đành chặt dây và tính nước khác. Không ai bảo ai nhưng anh em 957 đều nghĩ: Sinh mạng con người rất quan trọng, biết đâu những người mẹ, người vợ sẽ mất đi người thương yêu của mình. Mọi người liền hô to và ra hiệu cho tốp thủy thủ bị nạn mặc những những chiếc áo phao được 957 đưa lên pông-tông trước đó. Một dây thừng lớn, chắc chắn được thả xuống biển. Qua sự hướng dẫn của 957, từng tốp người từ pông-tông nhảy xuống biển, níu vào dây thừng và được đưa lên tàu.

13, 14, 15 người đã lên tàu an toàn… Trung tá - Thuyền trưởng Phạm Văn Hưng đếm đi đếm lại vẫn chưa đủ 17 người. Nhưng trên biển, trong đêm tối dày đặc, không thấy biểu hiện của sự sống. Trung tá Hưng lo lắng. Chợt anh nghe thấy một thủy thủ của mình hét lớn: “Thủ trưởng ơi, dây thừng nặng lắm, chắc còn người”. Trung tá Hưng quay sang, chưa kịp ra những mệnh lệnh thích hợp thì bóng 2, 3 người mặc áo phao đã nhảy xuống biển. Đó là những người lính của anh, giữa cơn biển động gào thét đã quên mình nhảy xuống biển tìm những thủy thủ gặp nạn. Sau một thời gian dài vật lộn với biển, 2 người cuối cùng và… một chiếc hòm sắt nặng trịch của chiếc pông-tông đã được đưa lên tàu 957 an toàn. Những người lính 957 ướt sũng, rét run nhưng trong ánh mắt của các anh đều ánh lên nụ cười hạnh phúc…

Vị mặn của biển

Ngoài nhiệm vụ là một tàu cứu hộ, 957 còn là “người quen” của các đoàn khách đến thăm Trường Sa và DK1 trong nhiều năm qua. Ở những chuyến đi như thế, người lính 957 rất vui vì được gặp lại những đồng đội của mình đang làm nhiệm vụ ngoài khơi xa. Trung tá Hưng kể: Có những chuyến đi đưa khách từ đất liền ra thăm đảo mà sóng to gió lớn không cách nào đưa xuồng cập đảo. Cả khách và anh em trên tàu đều qua chiếc máy icom gửi lời thăm hỏi tới lính đảo, xen lẫn những giọt nước mắt sẻ chia.

Một năm có 365 ngày, 237 ngày trên biển, còn tròm trèm 3 tháng các anh ở đất liền. Nhưng không hẳn vậy. Đại úy Nguyễn Hoàng Nam, Chính trị viên của tàu cho biết: Số ngày còn lại đó chủ yếu là giữa những chuyến đi, dừng lại ở các bến lấy dầu và thực phẩm rồi lại lên đường làm nhiệm vụ. Vì vậy, mang tiếng ở trên bờ nhưng cũng không được về nhà là mấy. Mới đây, chuyến đi cứu hộ dài ngày nhất của các anh từ ngày 4-7 và đến tận ngày 20-11 mới cập bến. Chính vì sự cách trở với đất liền lâu như vậy nên anh em đều lập gia đình muộn hoặc… ở vậy với bộn bề công việc.

Còn trung tá Hưng, người thuyền trưởng điềm tĩnh trước sóng to, gió lớn lại hóm hỉnh nói: “Mỗi chuyến đi xa, trước khi cập bến (thường là Vũng Tàu) để lấy dầu, chăm sóc máy, khi cách bờ chừng 20 hải lý là tôi lại lôi cái điện thoại mới có sóng ra, gọi ngay cho vợ, dặn: “Em, anh sắp vào bờ, em đưa con đón tàu cánh ngầm ra Vũng Tàu ngay, chúng mình gặp nhau một chút…”. Chỉ có vậy mà vợ tôi mừng lắm, vơ vội ít đồ đạc, dắt con đi ngay. Những lần gặp hiếm hoi ấy, tôi cũng chẳng có nhiều thời gian, chủ yếu là ngắm vợ, nựng con rồi lại ra tàu”. Khuôn mặt anh đượm buồn nhưng cũng không giấu được vẻ tự hào: “Thằng nhóc nhà tôi mới 5 tuổi mà khôn và hiểu chuyện lắm. Có lần nó nói với tôi: Mai mốt, con lớn sẽ lái tàu cho bố, bố nhé”. Người lính biển dầu dãi nắng sương thoáng lặng đi nhưng rồi nhanh chóng lấy lại vẻ rắn rỏi, bình thản, ánh mắt anh nhìn thẳng ra khơi xa chuẩn bị cho những chuyến đi mới…

Thạch Thảo

Tin cùng chuyên mục