3 ngôi đền, triệu tấm lòng

Đúng dịp kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ, hôm nay 27-7, Chương trình “Nghĩa tình Trường Sơn” của Báo Sài Gòn Giải Phóng phối hợp với Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank) và Tỉnh ủy, UBND tỉnh Kon Tum, tổ chức khánh thành Đền Tưởng niệm anh hùng liệt sĩ Trường Sơn ở gần cột mốc ngã ba biên giới Việt Nam - Lào - Campuchia (thuộc làng Lệc, xã Bờ Y, huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum).
 5 năm trước, cũng vào dịp này, Chương trình “Nghĩa tình Trường Sơn” đã tổ chức khánh thành 2 ngôi đền Tưởng niệm anh hùng liệt sĩ Trường Sơn tại Bến Tắt (huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị) và bến phà Long Đại (xã Hiền Ninh, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình). 
1. Tháng 7, Tây Nguyên đang mùa mưa, con đường dẫn từ cửa khẩu Bờ Y lên Đền Tưởng niệm anh hùng liệt sĩ Trường Sơn nhiều chỗ trơn trượt, nhưng không thể ngăn được dòng người khắp nơi tìm về tưởng niệm, tỏ lòng tri ân các anh hùng liệt sĩ. Đền tưởng niệm nằm trên quả đồi cao, dưới chân là chốt biên phòng. Đền bao gồm nhà tưởng niệm 3 gian và tháp chuông. Khuôn viên đền trồng cỏ và nhiều cây sao, dầu, thông ba lá… Đặt chân vào ngôi đền, chúng tôi gặp rất đông cựu chiến binh, những vị khách phương xa. 
Trong những người đến đây, có thương binh 4/4 Phạm Thành Dụ (xã Bờ Y), ông đi khắp một vòng khuôn viên, đôi tay gân guốc khẽ chạm vào từng cánh cửa gỗ. Sau khi đốt nhang, vái lạy, ông tâm sự: “Tôi may mắn hơn các anh vì còn sống. Các anh ngã xuống, đất nước, đồng đội luôn nhớ về các anh”.
3 ngôi đền, triệu tấm lòng ảnh 1 Cựu chiến binh Phạm Thành Dụ đến thắp nén nhang tri ân các đồng đội tại Đền thờ Liệt sĩ Trường Sơn ở xã Bờ Y
Ông Dụ kể, ông có 19 năm tham gia chiến đấu ở các chiến trường và cũng nhiều lần vượt qua mưa bom, lửa đạn. Hòa bình, ông rời quê vào vùng biên giới để định cư. Dù sống ở đâu hay làm gì, trong tâm khảm người thương binh già vẫn không thể quên được những đồng đội đã ngã xuống.
“Hồi nghe tin xây dựng đền, tôi vui lắm, ngày đêm thấp thỏm trông ngóng ngày hoàn thiện. Bây giờ ngôi đền xây xong, trang nghiêm, đẹp đẽ, tôi mừng vì các anh có ngôi nhà chung để tìm về. Cũng là nơi cho cựu chiến binh như chúng tôi nói riêng và nhân dân nói chung đến để tưởng nhớ các anh. Lớp trẻ đến đây tham quan sẽ biết được nhiều hơn những công lao, sự hy sinh anh dũng của ông cha ngày trước để có ngày độc lập tự do hôm nay”, ông Dụ tâm sự.
Nhằm ghi nhớ công lao to lớn của các anh, vào tháng 2-2014, Ban tổ chức Chương trình “Nghĩa tình Trường Sơn” Báo SGGP đã phối hợp với Ngân hàng VietinBank và Tỉnh ủy, UBND tỉnh Kon Tum tổ chức lễ khởi công xây dựng đền tưởng niệm. Công trình được VietinBank tài trợ với kinh phí 15 tỷ đồng, xây dựng trên khuôn viên 3.600m². Trong đó có các hạng mục chính như: nhà tưởng niệm diện tích 188m², nhà treo chuông diện tích 86m²... Riêng chuông đồng nặng 5 tấn do đơn vị tài trợ bằng hiện vật.
Ông Tống Văn Đồng, Phó Chủ tịch UBND xã Bờ Y, cho biết, khu vực xây dựng Đền Tưởng niệm anh hùng liệt sĩ Trường Sơn trong kháng chiến là trọng điểm ác liệt trên tuyến đường Hồ Chí Minh với nhiều trận đánh lớn. Tại đây có nhiều chiến sĩ đã anh dũng ngã xuống, đến nay chưa tìm thấy hài cốt.
Ông Trần Văn Chí, Chủ tịch UBND huyện Ngọc Hồi, cho biết việc xây dựng đền tưởng niệm là lời tri ân sâu sắc gửi đến anh linh các anh hùng liệt sĩ và thân nhân các liệt sĩ trên dãy Trường Sơn, đồng thời góp phần làm đẹp thêm về mặt kiến trúc, văn hóa huyện Ngọc Hồi và tỉnh Kon Tum.
Nhận thức được ý nghĩa to lớn đó, nên sau khi khởi công, UBND huyện Ngọc Hồi đã phối hợp với các ngành chức năng bắt tay cùng triển khai. Dù gặp nhiều khó khăn do vị trí xây dựng xa, thiếu thốn nước, điện... nhưng mọi người luôn cố gắng tìm cách khắc phục, dồn toàn sức lực để sớm hoàn thiện ngôi đền. Khi đền đưa vào sử dụng, huyện đã giao cho Phòng LĐTB-XH phối hợp với UBND xã Bờ Y quản lý, đồn biên phòng đóng dưới chân đền trông coi, bảo vệ, mở đón khách và nhân dân đến tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ. 
2. Đã tròn 5 năm Chương trình “Nghĩa tình Trường Sơn” tổ chức khánh thành hai đền Tưởng niệm anh hùng liệt sĩ ở Bến Tắt (huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị) và bến phà Long Đại (xã Hiền Ninh, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình). Giờ đây, cùng với nhiều nghĩa trang liệt sĩ, các di tích lịch sử cách mạng, hai địa chỉ này đã trở thành điểm hành hương không thể thiếu của triệu tấm lòng tri ân.
Đền thờ Bến Tắt được xây dựng ở khu vực cạnh Nghĩa trang Liệt sĩ Trường Sơn, trước mặt là cầu Bến Tắt lịch sử, bên hữu đền có thượng nguồn sông Bến Tắt, bên tả đền là hồ nước lưu thủy. Trung tâm Bảo tồn Di tích tỉnh Quảng Trị đã dựng tấm bia khá lớn trước cổng Nghĩa trang Liệt sĩ Trường Sơn để nói về đền Bến Tắt: “Đền thờ vọng hương hồn các liệt sĩ Trường Sơn chưa được quy tập vào nghĩa trang”.
3 ngôi đền, triệu tấm lòng ảnh 2 Khuôn viên Đền thờ Liệt sĩ Trường Sơn ở Bến Tắt
Đền Bến Tắt có đầy đủ trống, chuông, nơi chốn khói hương làm ấm lòng người đến và vong linh thờ tự. Bên trong đền có bốn câu đối triện. Gian thờ ở ngoài có hai câu: Cốt nhục gửi Trường Sơn non cao thế mộ phần lưu giữ/ Hồn thiêng về Quảng Trị đất mẹ thay lăng tẩm chở che. Ở gian trong có hai câu sấm: Trường Sơn vạn dặm trùng trùng dũng sĩ tỏa khí thiêng lay động trời xanh/ Đất Việt nghìn thu lớp lớp anh hùng nêu gương sáng chói ngời sử đỏ.
Đền Tưởng niệm anh hùng liệt sĩ Trường Sơn ở bến phà Long Đại có cảnh quan phong thủy đắc địa. Ngôi đền với kinh phí xây dựng 10 tỷ đồng, soi bóng bên dòng Long Đại. Cách đó vài chục bước chân là bến phà ngày xưa đưa bộ đội, vũ khí sang sông. Ngôi đền tọa lạc trên ngọn đồi Hoa Sim, trong đền có liễn ghi vế đối của Đại tá Trần Thế Tuyển, nguyên Tổng Biên tập Báo SGGP: Thân ngã xuống thành đất đai Tổ quốc/ Hồn bay lên hóa linh khí Quốc gia. 
Ngược về quá khứ, từ năm 1965, Long Đại là tọa độ lửa hứng vô số bom đạn của Mỹ, rất nhiều những chiến sĩ cách mạng đã hy sinh anh dũng nơi đây để góp phần hoàn thành sứ mệnh lịch sử giải phóng đất nước. Người dân địa phương chứng kiến cảnh những người lính ngã xuống, đều có mong muốn khi hòa bình sẽ lập miếu khói hương để ấm lòng các anh. Việc đền thờ được xây dựng và khánh thành tại đây vào năm 2012 đã làm thỏa lòng mong ước của người dân.
Cựu chiến binh Đinh Hữu Chiến, người từng chiến đấu ở Long Đại nói: “Tôi có nhắm mắt cũng mãn nguyện. Trước đây cả làng viết thư gửi khắp nơi, xin xây tấm bia tưởng niệm cho các anh, nay ước mơ thành sự thật”.
Tỉnh đoàn Quảng Bình là đơn vị được giao quản lý thờ tự chăm sóc tôn tạo Đền thờ Liệt sĩ Trường Sơn phà Long Đại, tỉnh luôn cử ít nhất 3 đồng chí đoàn viên túc trực 24/24 giờ để tiếp khách hành hương, thay hoa tươi mỗi ngày, dâng hương cho khách đến viếng.
Hoàng Thị Ngân, một hướng dẫn viên ở đền thờ Long Đại, nói: “Nhiều cựu chiến binh, cựu TNXP trở lại đã kể vô số câu chuyện cảm động, càng tôn thêm sự thiêng liêng của đền thờ liệt sĩ. Đền đã trở thành địa chỉ đỏ không thể thiếu trong hành trình của các đoàn đi dọc Trường Sơn và người dân địa phương”.
Đã 5 năm qua, hai ngôi đền thờ liệt sĩ ở Long Đại và Bến Tắt chưa ngày nào ngớt khói hương. Cụ Trương Hòa, một người dân sống bên đền Long Đại, nói: “Từ ngày đền khánh thành đến nay, tháng nào tôi cũng dẫn cháu chắt ra dâng hương, kể chuyện ngày xưa bom đạn vùi dập bến phà, nhiều người anh dũng hy sinh tuổi thanh xuân giữ vững huyết mạch, để con trẻ biết”.
Ông Hồ Ba ở bản Lâm Ninh xã Trường Xuân bày tỏ: “Mình người Vân Kiều, tục thờ người mất của đồng bào mình là không hương khói, nhưng từ khi có đền thờ Long Đại, mỗi tháng hai lần mình đi từ bản ra để khói hương các liệt sĩ, không thể quên nghĩa uống nước nhớ nguồn”.
3 ngôi đền, triệu tấm lòng ảnh 3 VTV truyền hình trực tiếp chương trình Trường Sơn Đông gọi Trường Sơn Tây dịp 27-7-2017 tại Đền thờ Liệt sĩ Trường Sơn ở bến phà Long Đại xã Hiền Minh, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình
Tại đền thờ Bến Tắt, anh Nguyễn Minh Hải, nhân viên được cắt cử coi sóc và tiếp đón các đoàn khách đến viếng cho biết: “Từ ngày khánh thành đến nay, lượng khách đến viếng rất đông. Hầu như đoàn nào viếng Nghĩa trang Liệt sĩ Trường Sơn cũng đến hương khói ở đền”.
Chị Đào Thị Hằng (Hà Nội) trong đoàn khách về nguồn viếng đền nói: “Gia đình tôi vẫn thường vào Quảng Bình, Quảng Trị viếng các nghĩa trang liệt sĩ dịp 27-7. Trước đây thường nghĩ, đâu đó ngoài kia còn hương hồn liệt sĩ chưa tìm ra mộ thì giờ đây, việc có đền đài để thờ vọng đã giải tỏa suy nghĩ ấy. Thật ấm lòng”.

Tin cùng chuyên mục