3 nhóm giải pháp nâng cao giá trị nông nghiệp

Tại cuộc họp về xu hướng sản xuất và tiêu dùng sản phẩm xanh do Hội Lương thực thực phẩm TPHCM vừa tổ chức họp bàn với Bộ Công thương mới đây, thống kê từ Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho thấy,  trung bình hàng năm, nông dân Việt Nam sử dụng hàng ngàn tấn thuốc BVTV để phòng trừ sâu bệnh, thuốc trừ cỏ và 12 triệu tấn phân hóa học cho cây trồng nông nghiệp.
Mua thủy sản organic hàng nhãn riêng Co.opmart tại Co.opmart Cống Quỳnh . Ảnh: THÀNH TRÍ
Mua thủy sản organic hàng nhãn riêng Co.opmart tại Co.opmart Cống Quỳnh . Ảnh: THÀNH TRÍ
 Thực tế này đã khiến tình trạng ô nhiễm nguồn nước, đất do tồn dư lượng thuốc BVTV và phân bón đang diễn ra phổ biến tại nhiều vùng nông nghiệp thâm canh trên cả nước và tích lũy vào các sản phẩm nông nghiệp. 
Đất sạch dưới 1%
Đại diện Trung tâm Nghiên cứu và tư vấn nông nghiệp nhiệt đới TPHCM khẳng định, hiện quỹ đất sạch tại nước ta chỉ đạt 0,03%. Trong khi đó, tỷ lệ này tại nhiều nước trên thế giới là hơn 90%. 
Điều này cho thấy, nguy cơ người dân nước ta đã và đang sử dụng thực phẩm nhiễm hóa chất là rất lớn. Được biết, theo công bố của Bộ Y tế, hiện mỗi năm Việt Nam có 200.000 trường hợp mắc bệnh ung thư và 75.000 người chết vì căn bệnh này. Trong đó, nguyên nhân chủ yếu là do tiếp xúc phải nguồn thực phẩm không an toàn và nguồn nước, đất bị ô nhiễm.
Ông Nguyễn Phúc Khoa, Phó chủ tịch Hiệp hội Lương thực thực phẩm TPHCM, đánh giá: “Trong bối cảnh toàn cầu đang hướng tới tăng trưởng xanh, tình trạng ô nhiễm nguồn đất, nước do thuốc BVTV và phân bón hóa học, không chỉ gây tác động đáng kể đến sức khỏe người tiêu dùng trong nước mà còn làm giảm thị phần xuất khẩu sản phẩm nông nghiệp ra thị trường nước ngoài. Hiện những doanh nghiệp có quy trình sản xuất xanh, sản phẩm sạch, đảm bảo an toàn thực phẩm, thân thiện với môi trường luôn có lợi thế cạnh tranh tốt, giành được thị phần cao hơn, đem lại lợi ích kinh tế - xã hội nhiều hơn và quan trọng nhất là tạo nền tảng phát triển bền vững cho doanh nghiệp”. 
Thống kê từ Viện Nghiên cứu nông nghiệp hữu cơ (FiBL) và Liên đoàn Quốc tế các phong trào nông nghiệp cho thấy, tốc độ gia tăng tổng giá trị thương mại sản phẩm hữu cơ toàn cầu (thực phẩm và đồ uống) ngày càng nhanh, từ 15,2 tỷ USD (năm 1999)  lên 28,7 tỷ USD (năm 2004) và hiện đã đạt gần 90 tỷ USD. Trong đó, thị trường Mỹ chiếm lớn nhất với gần 30 tỷ USD. Kế đến là Đức, Pháp… Tuy nhiên, nếu tính theo mức tiêu thụ sản phẩm hữu cơ trên đầu người/năm thì Thụy Sĩ là nước hiện đang dẫn đầu với mức chi 221EUR/người/năm, tiếp theo là Luxemburg, Đan Mạch… 
Sản xuất xanh còn gặp khó
Trước thực tế đó, Chính phủ đã phê duyệt đề án tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị và phát triển bền vững, tập trung vào 3 nhóm giải pháp quan trọng. Cụ thể, nhóm 1 tập trung quy hoạch và phân vùng sử dụng đất; các yêu cầu về đánh giá môi trường, giám sát và kiểm soát việc sử dụng phân bón, thuốc trừ sâu; giám sát các tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm, các chế tài xử phạt vi phạm môi trường. Ở nhóm 2, tập trung các giải pháp công cụ thị trường để giúp người sản xuất nông nghiệp thực hiện các thực hành nông nghiệp thân thiện môi trường như giấy phép khí thải carbon, trợ cấp việc nghiên cứu và áp dụng các công nghệ xanh, chi trả dịch vụ môi trường, áp dụng thuế và phí bảo vệ môi trường… Cuối cùng là nhóm công nghệ và giáo dục nâng cao nhận thức của người tiêu dùng thông qua tăng cường nhận diện và hình thành các nhãn hiệu sinh thái dựa trên quy trình thân thiện môi trường.
Bà Nguyễn Thị Nhã Trúc, Trưởng phòng Quản lý chất lượng sản phẩm (Ban An toàn vệ sinh thực phẩm TPHCM), cho biết đến nay, thành phố đã xây dựng 16 chuỗi thực phẩm an toàn. Thời gian tới, để tăng số lượng chuỗi thực phẩm chứng nhận an toàn với người tiêu dùng, thành phố đang triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ như hỗ trợ toàn bộ chi phí chứng nhận VietGAP lần đầu cho các cơ sở, nông hộ trồng trọt; hỗ trợ đầu ra sản phẩm thông qua kênh quảng bá, giới thiệu sản phẩm cho các bếp ăn tập thể của trường học, bệnh viện, khu chế xuất, khu công nghiệp… 
Nắm bắt xu hướng trên, hiện nhiều doanh nghiệp trong nước đang có sự chuyển hướng sang sản xuất xanh, sạch, thân thiện với môi trường. Tuy nhiên, vấn đề khó khăn doanh nghiệp đang gặp phải hiện nay là thiếu vốn để đầu tư đổi mới công nghệ sản xuất, thiếu nguồn cung cấp nguyên liệu sản xuất đầu vào sạch, an toàn cho người tiêu dùng… Ông Phan Hoàng Ân, Giám đốc điều hành Công ty TNHH Thực phẩm NFC (chuyên sản xuất thực phẩm, nông sản, trái cây sấy khô, bột gia vị, sản phẩm dạng hòa tan và các mặt hàng thủy hải sản), cho rằng khó nhất đối với doanh nghiệp sản xuất, chế biến thực phẩm là duy trì ổn định chất lượng nguồn nguyên liệu nông sản đạt tiêu chuẩn quốc tế. Hiện để ổn định nguồn nguyên liệu sản xuất là nông sản sạch, công ty đã phải chủ động thuê lại đất nông nghiệp của người dân để trực tiếp canh tác. Hoặc thuê nông dân cùng với đất của họ để phối hợp với kỹ sư của công ty thực hiện canh tác. Tuy nhiên, về lâu dài thì đây không phải là hướng đi có lợi cho doanh nghiệp sản xuất. 
Theo Trung tâm Nghiên cứu và tư vấn nông nghiệp nhiệt đới TPHCM, để có thể tăng trưởng xanh bền vững cũng như đẩy mạnh hoạt động sản xuất sản phẩm xanh - sạch, Chính phủ cần hỗ trợ hiệu quả cho cộng đồng trang trại cung cấp nông nghiệp xanh. Đồng thời, không thực hiện trợ giá và tăng mức xử phạt những hạng mục gây ô nhiễm môi trường. Mặt khác, áp mức thuế thích hợp cho việc sử dụng hóa học trừ cỏ, trừ sâu và các nhiên liệu hóa thạch khác. Cuối cùng là kiến tạo xu hướng tiêu dùng xanh; trong đó, người tiêu dùng nói chung ưu tiên mua những sản phẩm xanh, sạch.
Khảo sát gần đây về thực tế tiêu dùng tại Việt Nam (do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thực hiện) cũng cho thấy, có đến hơn 80% người tiêu dùng Việt Nam đồng ý trả chi phí cao hơn cho những sản phẩm xanh, sạch, an toàn với người tiêu dùng và thân thiện môi trường. 

Tin cùng chuyên mục