Người thu nhập thấp

30 năm mới mua được nhà

Nhà dành cho người thu nhập thấp (NTNT) nhưng giá trên trời. Quỹ hỗ trợ mua nhà của thành phố thì khắt khe. Vậy bao giờ NTNT mới mua nổi nhà?

  • Nhà cho NTNT nhưng giá quá cao

Hơn 3 tháng lặn lội tìm nhưng vợ chồng anh Phan Tuấn Hoàng ở P22, Q.Bình Thạnh vẫn chưa mua nổi nhà. “Tới đâu người ta cũng hét giá từ 500 - 600 triệu đồng/căn hộ. Vợ chồng tôi ky cóp mãi cũng chỉ mới được 200 triệu”, anh Hoàng cho biết.

Theo anh Hoàng thì thực tế giá căn hộ không cao đến thế nhưng vì qua nhiều “tay”, giá đã được nâng lên qua các lần mua đi, bán lại. Giám đốc một công ty xây dựng ở quận 3 thừa nhận điều đó. Bên cạnh đó, việc giao dịch nhà cửa thường thanh toán bằng vàng mà giá vàng thì tăng liên tục nên NTNT khó có khả năng mua nhà.

Theo các nhà kinh doanh địa ốc, giá căn hộ chung cư hạng trung bình hiện nay không dưới 500 triệu đồng/căn. Trong khi, theo điều tra mới đây của Liên đoàn Lao động TPHCM, thu nhập bình quân của CNVC chỉ khoảng gần 2 triệu đồng/tháng. Như vậy, ít ra, phải “nhịn miệng” 30 năm người lao động mới có thể mua được nhà.

  • Điều kiện cho vay khắt khe

Nhằm tạo điều kiện cho NTNT mua nhà, tháng 8-2004 UBND TP ra quyết định số 3823/QĐ-UB thành lập Quỹ phát triển nhà ở. Đến tháng 10-2005 quỹ này được triển khai và đến nay trong số 70 hồ sơ xin vay mới chỉ duyệt 40 trường hợp với số tiền khoảng 6 tỷ đồng.

Điều kiện khắt khe là lý do khiến ít người được duyệt vay tiền. Anh Trần Công Thanh, ngụ Q8, phàn nàn: “Vợ chồng tôi ở nhờ gia đình, diện tích bình quân cũng gần 10m2/người. Nhưng theo điều kiện vay tiền thì diện tích ở nhờ bình quân phải dưới 8m2/người”.

Bên cạnh đó, còn có các điều kiện như NTNT phải hưởng lương từ ngân sách Nhà nước; CBCNVC, người lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế từ 3 năm trở lên; phải có hộ khẩu thường trú tại TPHCM; có khả năng tài chính trả tiền mua nhà trước 30% giá trị nhà… Chưa hết, theo phản ánh thì số tiền cho vay tối đa 200 triệu đồng là quá ít.
 
Được biết, chỉ tiêu cho vay năm 2006 của Quỹ phát triển nhà ở là 100 tỷ đồng. Tuy nhiên nếu không nới rộng điều kiện cho vay thì số tiền trên có nguy cơ bị… kết dư.

  • Giải pháp nào?

Để giải quyết vấn đề nhà ở cho khoảng 182.000 hộ gia đình CBCNV, người lao động ở TPHCM hiện nay, một trong những giải pháp được ghi nhận khá khả quan là mô hình HTX. Ví dụ như mô hình HTX nhà ở Gia Phú thuộc Liên minh HTX TPHCM được thành lập năm 2004.

Theo đó, xã viên là người lao động có thu nhập thấp được ưu tiên mua nhà trong các dự án của HTX. Mỗi xã viên đóng 100.000 đồng đến 300.000 đồng/tháng (được quy đổi thành điểm). Khi đủ 180 điểm, xã viên sẽ được mua nhà và cấp chủ quyền.

Theo dự kiến của Sở Xây dựng, trong giai đoạn 2006 - 2010, TPHCM cần khoảng 100.000 căn hộ cho NTNT và trên 50.000 chỗ ở tập thể cho công nhân lao động. Tuy nhiên, với thực tế tình hình xây dựng nhà ở của các dự án, chương trình cho NTNT hiện nay thì kế hoạch trên rất khó thành hiện thực.

Số tiền còn lại, HTX cho xã viên dùng giấy chủ quyền thế chấp ngân hàng để vay ưu đãi. Hiện HTX Gia Phú đã thực hiện được một số dự án ở Hóc Môn, Bình Chánh, Nhà Bè.

Theo lãnh đạo Liên minh HTX TPHCM, mô hình này phần nào đáp ứng được nhu cầu bức xúc về nhà ở cho NTNT và bước đầu đã có hiệu quả.

Tạo lập quỹ nhà ở cho thuê ở, thuê mua với giá cả phù hợp cũng là một biện pháp đã được Bộ Xây dựng đưa ra hồi đầu năm 2006. Theo đó, Hà Nội, TPHCM và Bình Dương sẽ được thí điểm xây các chung cư 6 tầng, không thang máy, diện tích căn hộ 30 - 60m2 cho NTNT thuê ở, thuê mua.

Nguyên tắc thuê và thuê mua là phải đúng đối tượng; người thuê, thuê mua không được chuyển nhượng nhà ở dưới bất kỳ hình thức nào trong thời hạn thuê, thuê mua. Tuy nhiên, đến nay đề án này vẫn đang trong giai đoạn… thủ tục.

Với 2 giải pháp nói trên, việc giải quyết nhà ở cho NTNT vẫn chỉ mang tính chất “chữa cháy”. Vấn đề mấu chốt là nhà nước cần có chiến lược căn cơ và cụ thể cho từng địa phương, từ quỹ đất đến đối tượng và giá cả, kêu gọi toàn xã hội góp phần vào việc xây dựng nhà ở cho NTNT.

Tin cùng chuyên mục