30-4, Ngày thống nhất: Sức mạnh của ý chí đoàn kết dân tộc

Có thâm niên hơn 40 năm làm việc trong điện ảnh quân đội, là tác giả của hàng loạt phim tài liệu có giá trị đã đoạt nhiều giải thưởng uy tín trong nước và quốc tế, như: Hà Nội - Bản hùng ca, Đường Trường Sơn, Đường mòn trên biển đông, Mùa xuân toàn thắng…, song với đạo diễn, NSND Lê Thi, làm phim về miền Nam luôn đem lại cho ông những cảm xúc thật đặc biệt.
30-4, Ngày thống nhất: Sức mạnh của ý chí đoàn kết dân tộc

Có thâm niên hơn 40 năm làm việc trong điện ảnh quân đội, là tác giả của hàng loạt phim tài liệu có giá trị đã đoạt nhiều giải thưởng uy tín trong nước và quốc tế, như: Hà Nội - Bản hùng ca, Đường Trường Sơn, Đường mòn trên biển đông, Mùa xuân toàn thắng…, song với đạo diễn, NSND Lê Thi, làm phim về miền Nam luôn đem lại cho ông những cảm xúc thật đặc biệt.

 Có lẽ chính điều đó đã giúp ông cùng ê-kíp làm phim của điện ảnh quân đội hoàn thành bộ phim 30-4, Ngày thống nhất với thời gian ngắn kỷ lục, chỉ vỏn vẹn 6 tháng để kịp trình chiếu trong dịp kỷ niệm 40 năm ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

Từ những thước phim chiến trường…

Đạo diễn, NSND Lê Thi không nhớ nổi mình làm được bao nhiêu bộ phim, càng không nhớ đã được bao nhiêu giải thưởng. Dường như, điều quan trọng nhất với ông là số phận trao cho mình sứ mệnh của một nhà quay phim, đạo diễn dù trước đó ông là một sinh viên trường nhạc. Người lính Cụ Hồ ấy cho tới khi nghỉ hưu là tròn 44 năm 8 tháng đã trưởng thành từ một anh binh nhất đến sĩ quan mang quân hàm đại tá, từ một người quay phim tới đạo diễn được nhiều người biết. Nhưng ông luôn tâm niệm gốc rễ những gì ông có được ngày hôm nay là nhờ lịch sử của dân tộc. Chính lịch sử hào hùng đã chắp cánh cho tài năng, tâm huyết của ông. NSND Lê Thi tâm sự: “Ngày ấy, những chiến sĩ quay phim như chúng tôi đi chiến trường theo chế độ B “ngắn”, tức là có chiến dịch thì vào, hết chiến dịch lại ra. Giờ đây, tôi cũng không nhớ nổi mình đã tham gia bao nhiêu chiến dịch bởi cứ nhận lệnh là khoác ba lô lên đường”. Sau này, khi đất nước hòa bình, những bộ phim của ông đi sâu vào số phận con người, những góc khuất phía sau chiến tranh.

NSND, đạo diễn Lê Thi

Đúng dịp giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước cách đây 40 năm, đạo diễn Lê Thi đang tập trung học tại Trường Đại học Ngoại ngữ để chuẩn bị sang học điện ảnh ở Liên Xô, nên ông đã không có mặt ở chiến trường miền Nam trong những ngày tháng thật đặc biệt ấy. Song chính sự kiện ấy đã tạo nên những thay đổi lớn trong cuộc đời khi ông không đi học nước ngoài nữa mà quyết định trở lại với miền Nam sau đó không lâu. Năm 1976, chỉ một năm sau ngày đất nước thống nhất, ông đã hoàn thành bộ phim tài liệu đầu tiên về TPHCM với tên gọi Hồ Chí Minh - Thành phố niềm tin. Đó có thể được coi là phim tài liệu đầu tiên nói về sự phát triển kinh tế, xã hội của TPHCM sau giải phóng. Tính đến nay, NSND Lê Thi đã có 4 bộ phim nhựa tài liệu về TPHCM và 30-4, Ngày thống nhất cũng có thể được coi là bộ phim tài liệu nhựa được làm với thời gian kỷ lục, chỉ vỏn vẹn 6 tháng.

... đến góc nhìn đa chiều về sự kiện 30-4

30-4, Ngày thống nhất (kịch bản: Lê Thi - Phạm Minh Lợi), là một trong những dự án lớn của Điện ảnh Quân đội nhân dân chuẩn bị cho kỷ niệm 40 năm ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Tập 1 của phim có nhan đề Dân tộc Việt Nam vượt qua gian khó và tập 2 là Đất nước thống nhất. Đây là đề tài không mới, có nhiều bộ phim đã làm về đề tài chiến thắng 30-4, riêng điện ảnh quân đội đến nay đã có 3 phim cùng đề tài này, nhưng ở 30-4, Ngày thống nhất, các nhà làm phim đã tìm ra cách nhìn mới để nói về một sự kiện lịch sử quen thuộc. Ở đây những vấn đề lịch sử được nhìn nhận dưới góc độ đa chiều, khách quan, khai thác ở góc độ mới, mang lại cho bộ phim màu sắc mới mẻ khác với những bộ phim đã làm cùng đề tài này.

Cảnh trong phim tư liệu 30-4, Ngày thống nhất. Trong ảnh là lực lượng giải phóng tiến vào Sài Gòn ngày 30-4-1975

Đạo diễn, NSND Lê Thi chia sẻ: “Nếu chỉ dừng lại ở việc tổng kết, điểm lại những sự kiện lịch sử 30-4-1975 thì bộ phim này sẽ rơi vào lối mòn kể chuyện dễ dãi, vì thế, tôi và ê-kíp của mình đã mổ xẻ sự kiện, tái hiện lại mốc son lịch sử của dân tộc với những lát cắt mới, góc nhìn toàn dân tộc dưới cái nhìn đa chiều của cả phía ta, phía đối phương và những người Việt Nam từng đứng bên kia chiến tuyến, ý kiến của các chính khách và những nhà nghiên cứu lịch sử...”. Không giống như làm phim trên chiến trường phải đối mặt trực tiếp với kẻ thù, với bom rơi, đạn nổ, người làm phim tài liệu thời bình tưởng chừng dễ dàng hơn song họ lại phải đối mặt với “kẻ thù” là… thời gian. Khoảng cách 40 năm không phải là quá dài song từng ấy thời gian đã “sàng lọc” gần hết những nhân chứng, những người từng có vị trí quan trọng của thời điểm lịch sử trong chiến thắng 30-4 khi ấy. Nhiều nhân chứng quan trọng còn sống đều ở tuổi xưa nay hiếm vì thế để gặp gỡ, trò chuyện, hỏi han và khơi dậy những ký ức của họ về những tháng năm ấy không hề đơn giản. Ví như nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu, được biết tới là một trong những nhân vật chủ chốt của “lực lượng thứ ba” trong cuộc đấu tranh đòi hòa bình, độc lập, thống nhất đất nước và hòa giải dân tộc ở miền Nam trước ngày 30-4-1975. Nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu cũng chính là người sở hữu hàng ngàn tấm bản đồ của Việt Nam, trong đó có nhiều bằng chứng quan trọng khẳng định chủ quyền của dân tộc ta với biển đảo của Tổ quốc, nay ông cũng ngoài 90 tuổi. Ông Nguyễn Hữu Hạnh, người có mặt tại Dinh Độc Lập trong giờ phút cuối cùng của chế độ Việt Nam Cộng hòa, cùng với ông Dương Văn Minh đã phát đi lời kêu gọi các binh sĩ miền Nam buông súng vào sáng 30-4-1975, giờ đây tuổi cũng đã cao hay Trung tướng Nguyễn Quốc Thước, nguyên Tham mưu trưởng chiến dịch Tây Nguyên cũng trên dưới 90 tuổi… Song may mắn là các nhân chứng sống ấy giờ trí tuệ vẫn vô cùng mẫn tiệp. Với họ, cảm xúc về thời khắc lịch sử 30-4-1975 vẫn tươi mới.

Sở Chỉ huy của quân đội VNCH ở Đà Nẵng tan hoang sau khi thất thủ

Với khoảng thời gian 40 năm nhìn lại, với những vấn đề đặt ra và nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, 30-4, Ngày thống nhất không chỉ là ký ức về giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước mà còn hướng tới một cái nhìn mới hơn về TPHCM trên con đường phát triển. Sau 40 năm, bất cứ ai khi trở lại thành phố mang tên Bác Hồ kính yêu đều cảm nhận được sự chuyển mình đến kỳ lạ của mảnh đất này. Đó không chỉ là những tòa nhà cao tầng vươn thẳng lên trời xanh, những khu đô thị mới hiện đại mà chính là sức sống tươi xanh đã trở lại của dòng kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè… “Đây mới chính là biểu tượng của sức vươn lên mạnh mẽ của một dân tộc anh hùng”, đạo diễn, NSND Lê Thi chia sẻ.

Thời lượng 60 phút cho 2 tập phim để chuyển tải sự kiện lịch sử giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước thì quả thật là quá ít ỏi, song cùng những tư liệu, hình ảnh đắt giá, những chứng nhân của sự kiện vĩ đại ấy, đạo diễn, NSND Lê Thi kỳ vọng 30-4, Ngày thống nhất sẽ đưa tới nhiều góc nhìn mới về chiến thắng 30-4-1975 để một lần nữa khẳng định chiến thắng 30-4-1975 là biểu tượng sức mạnh của ý chí, của đoàn kết dân tộc.*

MAI AN

Tin cùng chuyên mục