4 nhiệm vụ tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước

Bộ Tài chính vừa trình Chính phủ dự thảo quyết định tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước (DNNN) giai đoạn 2016-2020, nhằm kiên quyết xử lý các doanh nghiệp thua lỗ, các dự án đầu tư không hiệu quả hoặc hiệu quả thấp để tạo những bước tiến mạnh mẽ cho quá trình cổ phần hóa DNNN.

(SGGP).- Bộ Tài chính vừa trình Chính phủ dự thảo quyết định tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước (DNNN) giai đoạn 2016-2020, nhằm kiên quyết xử lý các doanh nghiệp thua lỗ, các dự án đầu tư không hiệu quả hoặc hiệu quả thấp để tạo những bước tiến mạnh mẽ cho quá trình cổ phần hóa DNNN.

Cụ thể, nội dung quyết định tập trung xử lý dứt điểm các tồn tại, yếu kém, đảm bảo công khai, minh bạch trong quá trình thực hiện sắp xếp cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước để DNNN tập trung vào ngành, lĩnh vực then chốt như đầu tư vào các lĩnh vực khoa học, công nghệ, hoạt động trong những ngành, lĩnh vực mang tầm chiến lược có tính dẫn dắt, định hướng...

Công ty cổ phần sữa Việt Nam (Vinamilk) là một trong số ít đơn vị cổ phần hóa thành công

Để đạt được mục tiêu trên, dự thảo đưa ra 4 nhiệm vụ phải thực hiện gồm:

Thứ nhất, tiếp tục hoàn thiện thể chế, khung khổ pháp lý về tổ chức quản lý và hoạt động của DNNN phù hợp với vị trí, vai trò và mục tiêu tái cơ cấu DNNN giai đoạn 2016 - 2020; tạo điều kiện nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh và thực hiện nhiệm vụ được giao; đáp ứng yêu cầu quản lý của Nhà nước.

Thứ hai là rà soát, xử lý dứt điểm tồn tại, yếu kém; kiên quyết xử lý các doanh nghiệp thua lỗ, các dự án đầu tư không hiệu quả, hiệu quả thấp theo cơ chế thị trường và xác định rõ trách nhiệm của từng đơn vị, cá nhân liên quan.

Thứ ba, hoàn thành kế hoạch sắp xếp, cổ phần hóa các DNNN theo danh mục DNNN thực hiện sắp xếp giai đoạn 2016 - 2020.

Thứ tư, các DNNN tiếp tục thực hiện tái cơ cấu toàn diện như sắp xếp lại doanh nghiệp, đổi mới công tác quản trị doanh nghiệp; tổ chức, quản lý nguồn nhân lực, ngành nghề sản xuất kinh doanh, chiến lược phát triển để nâng cao hiệu quả hoạt động...

Bên cạnh đó, dự thảo vẫn tiếp tục các giải pháp trước đây như hoàn thiện hệ thống cơ chế chính sách phục vụ cho quá trình tái cơ cấu; rà soát, xử lý dứt điểm các DNNN thua lỗ, dự án đầu tư của DNNN không hiệu quả. Đồng thời, tập trung triển khai thực hiện tái cơ cấu, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm trong các năm 2016 - 2020. Nghiêm túc thực hiện cơ chế thị trường và quy định của pháp luật. Thực hiện niêm yết trên thị trường chứng khoán các tập đoàn kinh tế, tổng công ty, DNNN quy mô lớn đã cổ phần hóa...

Được biết, năm 2012, toàn quốc thoái vốn được 348 tỷ đồng; năm 2013 thoái được 874 tỷ đồng; năm 2014 thoái 4.184 tỷ đồng và năm 2015 thoái được 5.630 tỷ đồng. Về cổ phần hóa theo Nghị định 59/2011/NĐ-CP chuyển doanh nghiệp 100% vốn nhà nước thành công ty cổ phần được ban hành từ năm 2011 nhưng đã gặp nhiều vướng mắc, phải sửa đổi nhiều lần. Kết quả, năm 2011 cổ phần hóa được 14 doanh nghiệp, năm 2012 cổ phần hóa 26 doanh nghiệp, năm 2013 cổ phần hóa 73 doanh nghiệp, năm 2014 cổ phần hóa 175 doanh nghiệp, năm 2015 cổ phần hóa 220 doanh nghiệp. 

 CHẾ HÂN

Tin cùng chuyên mục