4G đang ở đâu?

Tháng 10-2016, Bộ TT-TT đã chính thức cấp phép lập mạng viễn thông công cộng và giấy phép cung cấp dịch vụ viễn thông di động mặt đất tiêu chuẩn LTE-Advanced (4G) cho VNPT, MobiFone, Viettel và Gtel trên băng tần 1.800MHz. Ngày 3-11-2016, VNPT - VinaPhone tuyên bố cung cấp 4G tại Phú Quốc và là nhà mạng đầu tiên cung cấp 4G tại Việt Nam. Vậy lộ trình triển khai 4G của các nhà mạng hiện nay như thế nào?
VNPT và Viettel bám đuổi nhau
VNPT và Viettel bám đuổi nhau

Tháng 10-2016, Bộ TT-TT đã chính thức cấp phép lập mạng viễn thông công cộng và giấy phép cung cấp dịch vụ viễn thông di động mặt đất tiêu chuẩn LTE-Advanced (4G) cho VNPT, MobiFone, Viettel và Gtel trên băng tần 1.800MHz. Ngày 3-11-2016, VNPT - VinaPhone tuyên bố cung cấp 4G tại Phú Quốc và là nhà mạng đầu tiên cung cấp 4G tại Việt Nam. Vậy lộ trình triển khai 4G của các nhà mạng hiện nay như thế nào?

Trong 4 nhà mạng được cấp phép 4G, hiện chỉ có VNPT-VinaPhone và Viettel đang triển khai dịch vụ này. Với VinaPhone, sau khi cung cấp ở Phú Quốc, nhà mạng này đã và đang thực hiện phủ sóng 4G tại nhiều tỉnh, thành phố như Hà Nội, TPHCM, Cà Mau, Bạc Liêu, Lâm Đồng, Bình Dương, Vũng Tàu, Đồng Nai… Bên cạnh đó, VinaPhone cũng đổi SIM cho khách hàng để người dùng có thể trải nghiệm thử tốc độ truy nhập của công nghệ 4G. Theo kế hoạch, trong năm 2017, VinaPhone đưa khoảng 15.000 trạm thu phát sóng 4G đi vào hoạt động, phủ sóng tất cả các khu vực trọng điểm của các tỉnh, thành trên cả nước. Trong khi đó, Viettel cho biết sẽ khai trương dịch vụ 4G ngay trong quý 1-2017 này. Theo đó, nhà mạng này sẽ phủ sóng toàn quốc, với số lượng thu phát sóng khoảng 35.000 trạm. Thời gian qua, Viettel đã cũng đổi miễn phí SIM 4G cho khách hàng.

Trong khi Viettel và VNPT đang khẩn trương triển khai 4G, thì MobiFone lại khá “lặng lẽ”. Đại diện MobiFone cho biết, sau thử nghiệm dịch vụ thành công 4G tại các thành phố Hà Nội, Đà Nẵng và TPHCM hồi tháng 7-2016, đến nay, MobiFone đã có hơn 1 triệu thuê bao đổi SIM 4G. Tuy nhiên, ngoài việc đổi SIM 4G miễn phí, lộ trình triển khai và cung cấp 4G của MobiFone đến nay vẫn chưa được tuyên bố. Với Gtel (mạng Gmobile), giấy phép 4G có vẻ như là sự bảo đảm cho nhà mạng này tìm kiếm đối tác đầu tư. Thông tin từ Bộ TT-TT cho hay, hiện nay một nhà đầu tư lớn nước ngoài đang đàm phán để đầu tư vào Gmobile.

Thêm lợi ích, nhưng tốn kém hơn

Việt Nam là một trong những nước triển khai 2G thành công, dẫn đầu cả khu vực và khẳng định được vị trí trên thế giới, thì triển khai 3G lại khá chậm, cho dù cũng đã có những thành công nhất định. Với 4G, Việt Nam gần như là nước cuối cùng trong khu vực triển khai.

Hiện tại, các nhà mạng VinaPhone, Viettel, MobiFone đang tiến hành đổi SIM 4G miễn phí cho tất cả khách hàng của mình tại những đại lý và cửa hàng giao dịch. Tuy nhiên, theo phản ánh của nhiều khách hàng, khi sử dụng SIM 4G, nếu không sử dụng dịch vụ 4G, thì kết nối 3G không thật sự ổn định, rất dễ bị rớt mạng. Với những người chỉ sử dụng điện thoại cơ bản (nghe, gọi, nhắn tin), không nhất thiết phải đi đổi SIM 4G, bởi không phải điện thoại nào cũng dùng được 4G. Khi sử dụng 4G, thiết bị sẽ hoạt động ở công suất cao, do đó pin sẽ hao tổn nhiều hơn. Mặt khác, hiện nay hệ thống trạm thu phát sóng 4G của các nhà mạng vẫn đang hạn chế, nên thiết bị sử dụng dịch vụ 4G dễ bị mất sóng 4G, và mỗi lần như vậy, thiết bị sẽ phải dò tìm lại sóng, làm hao pin của thiết bị rất nhiều. Với 4G, lợi ích lớn nhất là tốc độ truyền dữ liệu (data). Về mặt lý thuyết, tốc độ 4G sẽ nhanh hơn 3G tối thiểu 4 lần. Như vậy với 4G, người dùng sẽ dễ dàng sử dụng nhiều dữ liệu hơn. Khi đó, cùng giá cước mỗi Mb bằng 3G như các nhà mạng cam kết, thì người dùng 4G phải trả tiền nhiều hơn, do sử dụng nhiều dữ liệu hơn.

Tin cùng chuyên mục