50 năm thực hiện di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh: Phải thực sự coi giáo dục là quốc sách hàng đầu

Chủ tịch Hồ Chí Minh hết sức coi trọng sự nghiệp giáo dục - đào tạo (GD-ĐT), bởi GD-ĐT nâng cao dân đức và mở mang dân trí, đào tạo nhân lực và bồi dưỡng nhân tài cho đất nước phát triển, phồn vinh...

1.

Chủ tịch Hồ Chí Minh hết sức coi trọng sự nghiệp giáo dục - đào tạo (GD-ĐT), bởi GD-ĐT nâng cao dân đức và mở mang dân trí, đào tạo nhân lực và bồi dưỡng nhân tài cho đất nước phát triển, phồn vinh. Bác Hồ là người đặt nền tảng cho tư tưởng chiến lược “GD-ĐT là quốc sách hàng đầu” của Đảng và Nhà nước ta. Sinh thời, mỗi dịp vào năm học mới, Bác lại gửi thư cho ngành GD-ĐT hoặc đến thăm và nói chuyện với cán bộ quản lý giáo dục, giáo viên và học sinh, sinh viên ở các trường học.

Bác Hồ đã viết tất cả 23 bức thư gửi cho ngành giáo dục. Ngày 15-10-1968, Bác viết thư gửi các cô giáo, thầy giáo, công nhân, nhân viên, học sinh các cấp nhân dịp đầu năm học 1968-1969. Đây là bức thư cuối cùng của Bác gửi ngành GD-ĐT, chứa đựng những tư tưởng lớn của Bác về sự nghiệp “trồng người”. Bức thư cũng đã để lại muôn vàn tình cảm thân thương, quý báu của Bác đối với các cô giáo, thầy giáo và học sinh - sinh viên cả nước.

Giáo dục Việt Nam nhiều năm qua đã quán triệt được tinh thần giáo dục của Bác Hồ, đó là đào tạo thế hệ trẻ thành thế hệ đưa đất nước ta sánh vai các cường quốc năm châu. Thành tựu của nền giáo dục chúng ta đạt được có thể nhìn thấy rất rõ.

Thứ nhất là đã thực sự đào tạo được nhiều thế hệ trẻ, nhiều lớp người khác nhau từ khi giải phóng đất nước đến nay. Rất nhiều người đã đóng góp lớn cho sự phát triển của đất nước. Giáo dục đã đào tạo biết bao lớp người, trong đó có các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước. Nhiều học sinh của chúng ta xứng tầm với học sinh khu vực và thế giới, nhiều học sinh đạt những giải thưởng quốc tế danh giá, mà tiêu biểu là Giáo sư Ngô Bảo Châu - những học sinh được đào tạo nền tảng ban đầu ở Việt Nam.

Thứ hai, đã phổ cập tiểu học, tiến tới phổ cập THCS, THPT.

Thứ ba, đã xây dựng được một xã hội học tập, đó là một thành công lớn. Bác Hồ đã dạy làm sao để ai ai cũng được học hành, và xã hội chúng ta hiện nay đang làm được điều đó. Đó là những thành tựu rất đáng ghi nhận của giáo dục Việt Nam, mà bất cứ ai, dù khó tính đến đâu cũng phải thừa nhận.

Hiện nay, trường, lớp, các cơ sở đào tạo của chúng ta ngày càng khang trang và hiện đại hơn. Vì vậy, nhìn tổng thể, giáo dục Việt Nam đã đạt được những thành tựu nổi bật suốt mấy chục năm qua.

50 năm thực hiện di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh: Phải thực sự coi giáo dục là quốc sách hàng đầu ảnh 1 Đại biểu học sinh Trường Trung học Trưng Vương (Hà Nội) đến chúc thọ Chủ tịch Hồ Chí Minh (tháng 5-1956)

2.

Tuy nhiên, so với yêu cầu của sự nghiệp đổi mới, thì giáo dục chúng ta bị đánh giá là chưa theo kịp yêu cầu. Giáo dục hiện nay có những điều gây nuối tiếc so với trước đây. Những ảnh hưởng tiêu cực của kinh tế thị trường, của xã hội làm cho giáo dục hiện nay của chúng ta có nhiều vấn đề, từ quan hệ thầy trò đến thi cử, tiêu cực trong giáo dục… Chúng ta đã rất lo lắng về sự giả dối, bệnh thành tích trong giáo dục.

Bên cạnh đó, chương trình giáo dục, sách giáo khoa, đội ngũ giáo viên cũng chưa được quan tâm đúng mức, làm cho giáo dục không theo kịp yêu cầu của sự nghiệp đổi mới, không theo kịp được nền giáo dục của khu vực cũng như của thế giới.

Chính từ những yếu kém đó, Đảng ta đã có Nghị quyết 29/NQ-TW về đổi mới căn bản, toàn tiện GD-ĐT. Sau hơn 5 năm thực hiện Nghị quyết 29/NQ-TW, mặc dù vẫn còn những tồn tại, hạn chế, nhưng về tổng thể GD-ĐT nước ta đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, tích cực.

Hệ thống cơ sở GD-ĐT phát triển cả về quy mô, số lượng và chất lượng, đáp ứng cơ bản nhu cầu học tập của nhân dân; đến nay đã có 63/63 tỉnh, thành phố đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi, giáo dục tiểu học và giáo dục THCS. Giáo dục phổ thông đã có bước chuyển quan trọng từ trang bị kiến thức sang phát triển năng lực, phẩm chất, dạy làm người.

Chất lượng giáo dục phổ thông thời gian qua được quốc tế ghi nhận, đánh giá cao. Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới, năng lực học sinh lứa tuổi 15 của nước ta, một nước có thu nhập trung bình thấp, nhưng có kết quả vượt mức trung bình của học sinh khối các nước có nền kinh tế phát triển OECD.

Chất lượng giáo dục đại học đã được cải thiện một bước, được thế giới công nhận thông qua kiểm định chất lượng và xếp hạng đại học quốc tế. Việt Nam đã có 2 Đại học Quốc gia nằm trong nhóm 1.000 trường đại học tốt nhất thế giới và có 7 trường đại học được xếp vào nhóm 500 trường đại học tốt nhất châu Á.

Bên cạnh giáo dục đại trà, việc phát hiện và bồi dưỡng nhân tài cũng đạt kết quả đáng khích lệ. Chỉ tính riêng trong 5 năm gần đây, các đoàn học sinh Việt Nam tham gia các kỳ thi Olympic khu vực, quốc tế và cuộc thi khoa học kỹ thuật quốc tế đạt kết quả tốt, được bạn bè quốc tế ghi nhận, đánh giá cao. Từ 2014-2018, tăng 37 giải so với giai đoạn 5 năm trước đó; riêng số huy chương vàng tăng gấp 3 lần.

Qua các kỳ thi quốc tế, các em học sinh đã góp phần làm vẻ vang cho đất nước, đưa vị thế của Việt Nam sánh vai cùng bè bạn năm châu. Tỷ lệ giáo viên đạt chuẩn, trên chuẩn với mầm non là 96,6%, tiểu học 99,7%, THCS 99%, THPT 99,6%, đại học 82,7%, tạo tiền đề để Bộ GD-ĐT đề xuất nâng chuẩn trình độ đào tạo cho giáo viên trong sửa đổi Luật Giáo dục. 

3.

Hiện tại, ngành giáo dục đang rất quyết tâm, xã hội cũng quyết tâm đổi mới giáo dục. Chính phủ cũng chỉ đạo quyết liệt để thực hiện đổi mới giáo dục. Ngành giáo dục lựa chọn đột phá đổi mới bắt đầu từ chương trình - sách giáo khoa, từ đổi mới thi cử, nhưng xã hội vẫn đang hết sức băn khoăn. Chúng ta ai cũng mong con đường đổi mới giáo dục khả thi và bài bản. Công cuộc đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT phải được toàn xã hội quan tâm.

Đồng thời, những người làm trong ngành phải nghiên cứu một cách kỹ lưỡng về việc đổi mới nên bắt đầu từ cái gì, đổi mới thế nào và lộ trình đổi mới ra sao. Đổi mới phải mang tính tổng thể, không được cắt khúc vì có thể khiến hiệu quả không cao.

Đất nước muốn phát triển bền vững thì giáo dục phải phát triển. Giáo dục là quốc sách hàng đầu, nên xã hội không thể khoán trắng cho ngành giáo dục. Từ gia đình, nhà trường đến toàn xã hội phải cùng chung sức chung lòng để đẩy mạnh giáo dục phát triển theo đúng hướng, để đáp ứng yêu cầu của công cuộc đổi mới.

Gia đình không nên khoán trắng con em mình cho nhà trường, thầy cô giáo, mà phải cùng nhau giáo dục con em mình, đừng chạy điểm, mua điểm, làm hư con cái mình. Xã hội cũng cần đánh giá một cách công bằng những mặt được và chưa được của giáo dục để cùng nhau chung sức cùng ngành giáo dục nâng cao chất lượng GD-ĐT.

Đào tạo phải định hướng đào tạo con người, chứ không phải chỉ là nhồi nhét kiến thức không cần thiết. Con người phải có đủ năng lực để thích ứng với sự thay đổi của cuộc sống hiện đại, thích ứng với cuộc cách mạng 4.0.

Các thầy cô giáo cũng phải được tôn trọng, chăm lo đầy đủ cả về vật chất và tinh thần, để thầy ra thầy, trò ra trò, trường ra trường, lớp ra lớp. Có như vậy giáo dục mới thực sự đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao của thời đại mới - đó là tạo nguồn nhân lực khác xa so với ngày xưa.

Học sinh, sinh viên phải được tiếp cận với những tri thức mới, kỹ năng mới để đáp ứng được yêu cầu của tình hình mới. Chỉ khi làm được như vậy, chúng ta mới thực hiện đầy đủ Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh về coi giáo dục là quốc sách hàng đầu.

Tin cùng chuyên mục