TPHCM không có tái nghèo ​

6 bộ chưa làm hết trách nhiệm với giảm nghèo

“Nhiệm vụ này phải kết thúc trong năm 2015, nhưng đến nay mới chỉ xong 4/12 nhiệm vụ (đạt 33%) mặc dù Thủ tướng Chính phủ đã ban hành văn bản chỉ đạo lần 2. Các văn bản chưa được tích hợp thuộc trách nhiệm của 6 Bộ”, Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Nguyễn Thuý Anh nhấn mạnh.

Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung phát biểu tại phiên họp
Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung phát biểu tại phiên họp

Theo Báo cáo của Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung tại phiên họp sáng 17-9 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH), đến hết năm 2017, tỷ lệ hộ nghèo cả nước còn 6,7% (giảm 1,53% so với cuối năm 2016); ước đến cuối năm 2018 còn dưới 6% (giảm khoảng 1,0%-1,3% so với năm 2017). Tỷ lệ hộ nghèo tại các huyện nghèo giảm bình quân 5,43%/năm; tại các xã thuộc Chương trình 135 giảm khoảng 3% - 4%/năm, đạt mục tiêu Quốc hội giao.

Ngoài ra, tình trạng tái nghèo được kiềm chế và có xu hướng giảm tích cực từ 0,13% (năm 2016) xuống 0,10% (năm 2017); 10 tỉnh, thành phố không có tái nghèo; một số tỉnh khó khăn đạt thành tích ấn tượng trong kéo giảm tỷ lệ tái nghèo.

Ghi nhận những thành quả này, song Ủy ban về các vấn đề xã hội nhận định, thành quả giảm nghèo chưa thực sự bền vững. Đến tháng 3-2018, tuy đã có 8/64 huyện thuộc Nghị quyết 30a thoát nghèo; 14/30 huyện hưởng cơ chế 30a thoát khỏi tình trạng khó khăn nhưng lại bổ sung 29 huyện vào danh sách huyện nghèo giai đoạn 2018 – 2020. 12 tỉnh có tỷ lệ tái nghèo tăng rõ rệt (tăng từ 0,03% trở lên), trong đó có cả một số tỉnh có điều kiện phát triển kinh tế - xã hội thuận lợi (như Vĩnh Phúc, Khánh Hoà, Kiên Giang); số hộ tái nghèo bằng khoảng 1/20 số hộ thoát nghèo; số hộ nghèo mới phát sinh bằng khoảng 1/4 số hộ thoát nghèo; nhiều tỉnh thuộc khu vực bị thiên tai, lũ lụt nghiêm trọng có tỷ lệ phát sinh hộ nghèo mới hàng năm rất cao.

Đặc biệt, đến hết năm 2017, số hộ người có công với cách mạng thuộc diện hộ nghèo chiếm tới 1,8% hộ nghèo cả nước.

Một trong những nguyên nhân quan trọng đã được cơ quan thẩm tra chỉ rõ liên quan đến việc hệ thống hoá, tích hợp, ban hành văn bản, chính sách về giảm nghèo.

“Nhiệm vụ này phải kết thúc trong năm 2015, nhưng đến nay mới chỉ xong 4/12 nhiệm vụ (đạt 33%) mặc dù Thủ tướng Chính phủ đã ban hành văn bản chỉ đạo lần 2. Các văn bản chưa được tích hợp thuộc trách nhiệm của 6 Bộ”, Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Nguyễn Thuý Anh nhấn mạnh.

Văn bản quy định hoặc hướng dẫn thống nhất về chính sách hỗ trợ có điều kiện để tích hợp, gia tăng giá trị và hiệu quả tác động của các chính sách, nguồn lực hỗ trợ cũng chưa được ban hành.
Bên cạnh đó, một số chính sách giảm nghèo được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, ban hành bằng hình thức văn bản không phải là văn bản Quy phạm pháp luật, không được đánh giá tác động dẫn đến việc chưa bố trí được ngân sách để thực hiện.

10 tỉnh, thành phố không có tái nghèo

Hà Nội; TPHCM; Đà Nẵng; Bình Dương; Đồng Nai; Bà Rịa - Vũng Tàu; Tiền Giang; Hậu Giang; An Giang; Tây Ninh.

Các tỉnh giảm nghèo ấn tượng:

So sánh diễn biến hộ nghèo 2 năm 2017 – 2018 cho thấy: Sơn La giảm 0,82% (3,79% xuống 2,97%; gấp 3 lần so với tỷ lệ giảm tái nghèo của khu vực Tây Bắc, gấp 27 lần so với tỷ lệ giảm tái nghèo cả nước); Điện Biên, giảm 0,25% (từ 0,64% xuống 0,39%); Thái Bình, giảm 0,37% (từ 0,43% xuống 0,09%).

Tin cùng chuyên mục