82% tài sản tạo ra năm 2017 thuộc 1% dân số giàu nhất thế giới

1% dân số giàu nhất thế giới nắm giữ 82% tài sản được tạo ra trong năm 2017, trong khi phân nửa số người nghèo nhất không nhận được gì, theo báo cáo của tổ chức Oxfam công bố ngày 22-1, trước thềm Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) diễn ra tại Davos, Thụy Sĩ, từ ngày 23 đến 26-1-2018.

Báo cáo có tên "Reward Work, not Wealth" cũng cho thấy tài sản của các tỷ phú đã tăng 6 lần nhanh hơn các công nhân bình thường kể từ năm 2010, với một tỷ phú xuất hiện mỗi 2 ngày từ tháng 3-2016 đến tháng 3-2017.

Báo cáo của Oxfam sử dụng dữ liệu từ Credit Suisse để so sánh thu nhập của các giám đốc điều hành và cổ đông hàng đầu với các công nhân bình thường.

82% tài sản tạo ra năm 2017 thuộc 1% dân số giàu nhất thế giới ảnh 1 Công nhân làm việc trong một xưởng may ở Dhaka, Bangladesh. Ảnh: THE NEW YORK TIMES
Theo báo cáo, các giám đốc điều hành của 5 thương hiệu thời trang hàng đầu thế giới có thu nhập trong 4 ngày bằng công nhân may mặc ở Bangladesh kiếm được trong suốt cuộc đời.

Oxfam đã sử dụng những phát hiện này để vẽ ra một bức tranh kinh tế toàn cầu, trong đó thiểu số người giàu đã tích lũy nhiều tài sản hơn bao giờ hết, trong khi hàng trăm triệu người đang phải vật lộn để sống sót vì nghèo đói.

Giám đốc Oxfam Winnie Byanyima cho biết: "Sự bùng nổ tỷ phú không phải một dấu hiệu của một nền kinh tế thịnh vượng mà là một triệu chứng của một hệ thống kinh tế thất bại".

Oxfam cũng nhấn mạnh tình trạng của lao động nữ "luôn kiếm được ít hơn nam giới" và thường có công việc với mức lương thấp nhất, ít an toàn nhất. Có đến 9/10 tỷ phú thế giới là nam giới.

Byanyima nói: "Những người làm ra quần áo chúng ta mặc, lắp ráp điện thoại chúng ta dùng và nuôi trồng thực phẩm chúng ta ăn đang bị bóc lột để đảm bảo cung cấp hàng hóa giá rẻ và tăng lợi nhuận cho các công ty và các nhà đầu tư tỷ phú".

Để chống tình trạng bất bình đẳng ngày càng tăng, Oxfam kêu gọi các chính phủ hạn chế lợi nhuận của các cổ đông và các giám đốc điều hành hàng đầu, thu hẹp khoảng cách giới tính, chống trốn thuế và tăng ngân sách cho y tế và giáo dục.

Báo cáo của Oxfarm được công bố trước thềm hội nghị thường niên WEF lần thứ 48 từ ngày 23 đến 26-1 tại Khu nghỉ dưỡng trượt tuyết cao cấp Davos trên dãy Alps ở Thụy Sĩ.

WEF, diễn đàn tập trung giới tinh hoa toàn cầu là các lãnh đạo chính trị và kinh doanh, năm nay có chủ đề "Tạo dựng tương lai chung trong thế giới rạn nứt".

Byanyima nói: "Thật khó để tìm ra một lãnh đạo chính trị hay kinh doanh không nói rằng họ lo lắng về tình trạng bất bình đẳng. Nhiều người đang tích cực làm tình trạng đó trầm trọng hơn bằng cách trốn thuế và tước đi các quyền lao động".

Tin cùng chuyên mục