HỌC TẬP TƯ TƯỞNG - ĐẠO ĐỨC - PHONG CÁCH HỒ CHÍ MINH

Ai cũng có thể học và làm theo Bác

Tôi nghĩ rằng việc học tập và làm theo Bác cả về đạo đức, tư tưởng, phong cách là một việc làm chung của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân. Chúng ta ai cũng có thể học tập và làm theo Bác.
Bác Hồ thăm thiếu nhi miền Nam tập kết ra Bắc ở tỉnh Thanh Hóa (năm 1957)
Bác Hồ thăm thiếu nhi miền Nam tập kết ra Bắc ở tỉnh Thanh Hóa (năm 1957)

Đứng từ góc độ nghề nghiệp, chuyên môn, từ hoạt động trong cuộc sống của mỗi người, chúng ta càng có thể tìm thấy khía cạnh cụ thể trong việc học tập và làm theo Bác. Tôi bắt đầu từ nghề nhà giáo, nghề nghiệp chuyên môn lúc đầu của tôi là giảng dạy văn học. Mà Bác là nhà thơ, nhưng cũng là một nhà giáo. Đây là điều cảm động và an ủi lớn nhất đối với chúng tôi. Chúng tôi có một người thầy vĩ đại, một người đồng nghiệp vĩ đại là Bác Hồ. Và chúng ta nguyện lòng, dặn lòng - chúng ta là học trò nhỏ, đồng nghiệp nhỏ của Bác, sống sao cho xứng đáng với Bác. Từ một sức mạnh nội tâm như thế, chúng tôi nghĩ rằng việc học tập và làm theo Bác một cách thật sự, thiết thực, cụ thể, nhất là phải giữ được ngọn lửa trong lòng mình bền bỉ, lâu dài và mãi mãi. Tôi cứ ngẫm nghĩ mãi một điều tại sao Bác sống 79 tuổi - 79 mùa xuân, Bác lại dùng nhiều cái tên như vậy? 175 tên gọi của Bác đã trở thành huyền thoại. Tôi đặc biệt ấn tượng, Bác đã là Nguyễn Ái Quốc, nhưng Bác còn là Nguyễn Ái Dân. Dân và nước trở thành triết lý sống và là phương châm hành động trong suốt cuộc đời của Bác, mà nhất quán đến tận phút cuối cùng. Trên giường bệnh, lúc lâm chung, Bác nói không thể bỏ dân mà đi được. Thì chúng ta và bản thân tôi học tập Bác ở tấm lòng yêu nước, thương dân một cách thành thật và bền bỉ nhất suốt cuộc đời mình. Đây là động lực lớn Bác đã gieo vào trong mỗi chúng ta, trong đó có bản thân tôi. Là một nhà nghiên cứu, giảng dạy, tôi học tập Bác rất nhiều ở phong cách, ngoài đạo đức cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư, suốt đời vì dân, vì nước. Học Bác trước hết phải học từ phong cách, vì phong cách chính là nơi hội tụ, kết tinh giá trị đặc sắc của tư tưởng, đạo đức.

Chúng ta nhớ lại nhà thơ Minh Huệ viết bài thơ Đêm nay Bác không ngủ, câu cuối cùng của bài thơ này là một gợi ý về phong cách: Vì một lẽ thường tình, Bác là Hồ Chí Minh. Con người Bác, tên Bác chính là hội tụ phong cách của Bác. Giáo sư Phong Lê, nguyên Viện trưởng Viện Văn học Việt Nam, đánh giá Nhật ký trong tù bằng một câu rất cảm động “Con người Bác là bảo đảm bằng vàng cho thơ của Bác”, đấy chính là phong cách. Với tư cách là một người nghiên cứu, một người giảng dạy, tôi học Bác ở suy nghĩ, ở cách viết, ở cách thể hiện. Bác dạy chúng ta là trước khi viết, nói về cái gì phải đặt cho mình câu hỏi: Viết về cái gì? - gọi là đề tài; Nói và viết để làm gì? - gọi là mục đích; Nói và viết cho ai? - gọi là đối tượng phục vụ; Nói và viết như thế nào? - kết cục của lô gích. Bác chủ trương nói ít, làm nhiều, chủ yếu là hành động, có làm được thì hãy nói, mà đã nói thì phải làm. Qua mỗi một bài giảng, mỗi một công trình nghiên cứu, tôi luôn luôn học Bác trên 4 phương diện ấy, thực hành tốt nhất. Bác viết giản dị, ngắn gọn, hàm xúc, cô đọng. Tôi cứ ngẫm nghĩ mãi bản Di chúc thiêng liêng của Bác, có 1.000 từ thôi mà tổng kết lớn về lý luận cách mạng; có 1.000 từ thôi mà Bác giao hết cho Đảng, cho dân; Bác chỉ dành cho mình 79 từ. Đó chính là phong cách của Bác. Người có khả năng đem một cái tối thiểu để tải một cái tối đa. Chữ thì ít nhất, mà nghĩa thì nhiều nhất. Người ta gọi Bác có cốt cách hiền triết Á Đông chính là từ phong cách này.

Qua tìm hiểu, nghiên cứu, tôi thấy rằng, đời Bác không bao giờ nặng lời với ai cả. Nhà thơ Tố Hữu có câu Ôi người cha đôi mắt mẹ hiền sao! để nói về Hồ Chí Minh. Sự dịu dàng của Bác là một bản lĩnh văn hóa. Chúng ta, nhất là đàn ông, phải học Bác ở sự kiềm chế nóng nảy để không thô bạo, không làm tổn thương người khác trong lời nói khi nóng giận. Nên biết kiềm chế cũng chính là một bản lĩnh văn hóa cần phải học Bác, để làm sao cái tốt nảy nở, cái xấu giảm bớt đi trong mỗi người. Bác dạy “Phê bình việc, chứ không phải phê bình người”, tức là phê bình công việc ấy thôi, chứ con người là một nhân cách, một giá trị phải được tôn trọng, từ em nhỏ đến người lớn, thì phê bình việc chứ không được xúc phạm con người. Bác còn dạy là phải “thấu lý, đạt tình”, có tình, có nghĩa với nhau, ăn ở thủy chung như bát nước đầy. Bác còn nói rằng, đọc hàng trăm, hàng ngàn quyển sách Mác - Lênin mà ăn ở với nhau không có tình, có nghĩa thì làm sao gọi là “Mác - Lênin” được, điều này có giá trị thức tỉnh rất lớn đối với các nhà khoa học như chúng tôi. Chúng ta hãy dặn nhau một điều “Yêu Bác lòng ta trong sáng hơn” thì nhất định sẽ học tập và làm theo được Bác. Bác Hồ chủ trương cần, kiệm, liêm, chính để chí công vô tư. Bác còn nhấn mạnh cả 4 đức đó mới là “người”, thiếu 1 trong 4 đức đó không “thành người”, nhưng ở đời “nhân vô thập toàn”. Để đạt được cả 4 đạo đức đó, phải rèn luyện suốt đời, tức là suốt đời đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân, chống vụ lợi, vị kỷ, chỉ vì mình và không tính đến lợi ích chung của cộng đồng, xã hội.

Gần đây, những trường hợp lãng phí nghiêm trọng tiền của dân, của Nhà nước từ những dự án kéo dài, đắp chiếu bỏ hoang gây lãng phí tiền của Nhà nước, của nhân dân là trái với tinh thần cần, kiệm, liêm, chính của Bác. Về mặt đạo đức, thể hiện sự vô trách nhiệm, cũng là một phương diện của vô đạo đức; thể hiện sự yếu kém trong quản lý, kiểm soát, điều hành, phân bổ, vận dụng nguồn lực của xã hội, đất nước. Bác Hồ đã dặn: Mỗi đồng tiền, bát gạo của dân là mồ hôi nước mắt của dân, thương dân thì phải tiết kiệm; lãng phí là không thương dân; tham ô, tham nhũng là có tội với dân, ăn cắp của dân, hại dân, hại nước. Ngay từ những ngày đầu chính thể, trong một tác phẩm rất nổi tiếng - Quốc lệnh, Bác viết 10 điều khen thưởng cho những người có công thì rất trọng hậu, xứng đáng để động viên, tạo động lực phát triển. Nhưng 10 điều trừng phạt, Người rất nghiêm khắc, từ điều phạt thứ nhất đến điều phạt thứ 10, tất cả Việt gian, phản quốc, tham ô, tham nhũng, hại dân, hại nước đến mức vi phạm đạo đức nghiêm trọng phải trừng trị, Người ghi mức án cao nhất là tử hình.

Trong cuộc đời của Bác, những năm tháng Bác đứng đầu Chính phủ, Nhà nước, Bác đã phải đau đớn ký những án tử hình, hoặc bác những bản án không được ân xá, thậm chí bắt thi hành bản án ngay, đau đớn mấy cũng phải chấp nhận để giữ cho chế độ trong sạch. Bác nói: Chống lại cái ác là vì bảo vệ cái thiện, mà cái thiện lớn nhất là nhân dân. Nếu không trừng trị cái ác, dung dưỡng cái ác là làm hại cái thiện, hại dân. Đây chính là điều bây giờ chúng ta phải thức tỉnh, phải thực hiện. Rõ ràng, tệ lãng phí, tham ô, tham nhũng thông qua những hoạt động kinh tế, dự án… làm thất thoát tiền của Nhà nước, của nhân dân. Như vậy, đúng là hiện tượng suy thoái cả về đạo đức, lối sống, cả về chính trị, cho nên phải nghiêm trị theo quyết tâm của Đảng ta hiện nay. Và như vậy, mới thực hiện việc học tập và làm theo Bác một cách nhất quán là nói đi đôi với làm.

Tin cùng chuyên mục