Ai hướng nghiệp cho học sinh?

Đến hẹn lại lên, học sinh lớp 12 đang chạy nước rút chuẩn bị bước vào chặng đường thử thách, kết thúc 12 năm đèn sách. Năm nay, có nhiều điểm mới trong thi cử và chỉ còn duy nhất một kỳ thi quốc gia cho hai mục đích xét tuyển tốt nghiệp THPT và đăng ký tuyển sinh vào đại học, cao đẳng (ĐH-CĐ). Khoảng 2 triệu thí sinh sẽ chọn lựa tương lai, nghề nghiệp của mình như thế nào? Và đứng trước thời khắc quan trọng đặt bút đăng ký nguyện vọng, có bao nhiêu học sinh hiểu rõ mình muốn làm gì và ngành nghề nào phù hợp với bản thân để không phải hối tiếc, ân hận.

Tâm lý “sống chết” cũng phải giành được tấm vé vào ĐH vẫn ngự trị và thắng thế! Nếu rớt nguyện vọng (NV) 1, thì vẫn còn cơ hội trúng tuyển NV 2, NV 3, NV 4. Thế nhưng, từ NV1 chuyển qua nguyện vọng khác, thí sinh đã chấp nhận “ép duyên” với ngành học, nghề nghiệp mà mình không thích lắm. Thực tế này đã chứng minh rằng nhiều sinh viên không đam mê ngành học; học hành chểnh mảng, thậm chí chán nản, bỏ học giữa chừng.

Không những thế, việc định hướng tương lai - chọn trường, chọn ngành học không xuất phát từ đam mê, thiếu hiểu biết về các nghề gắn với ngành học cũng khiến nhiều sinh viên sắp tốt nghiệp lơ mơ, không rõ mình sẽ làm gì. Khảo sát đối với sinh viên đã tốt nghiệp ở một số trường ĐH cho thấy có đến 70% chưa có định hướng cụ thể về nghề nghiệp sau khi tốt nghiệp.

Sự “mù mờ” về nghề nghiệp này xuất phát từ thực tế khi chọn lựa ngành học và trong quá trình học không có sự định hướng cụ thể và không có ai khuyên bảo, tư vấn đúng các nghề gắn với ngành học của giới trẻ. Theo bộc bạch của hiệu trưởng một trường THPT đã giật mình khi nghe một giáo viên của trường tư vấn, định hướng sai về ngành, nghề.

Điều này phản ánh đúng thực tế ở các trường THPT hiện đang rất thiếu đội ngũ giáo viên được đào tạo bài bản, chuyên về tư vấn hướng nghiệp cho học sinh. Vì thiếu giáo viên chuyên nghiệp nên nhiều trường lắp ghép nó với người không hiểu, dạy cho có, dạy cho đủ tiết.

Trong khi chúng ta đặt yêu cầu cao đối với nhiệm vụ phân luồng, hướng nghiệp cho học sinh phổ thông để các em không đi lạc hướng, kể cả chuyển sang học nghề từ khi học xong bậc THCS nhưng chưa bao giờ thử trả lời câu hỏi “Ai giúp học sinh hiểu rõ bản thân và định hướng nghề nghiệp phù hợp cho các em?”. Ngay đến giáo viên cũng không hiểu rõ ngành nghề ngày càng đa dạng và phát triển nhanh trong xã hội thì làm sao có đủ kiến thức để tư vấn, định hướng.

Đó là chưa kể, học sinh chỉ biết thông tin sơ sài mà không có cơ hội được tiếp cận, trải nghiệm thực tế. Đây là lỗ hổng lớn trong hướng nghiệp chưa có giải pháp khắc phục.

Mùa tuyển sinh CĐ, ĐH năm 2015 đang khởi động nhộn nhịp với đủ sắc màu của các chương trình tư vấn tuyển sinh, đưa học sinh đến trường, giúp bạn chọn nghề, hướng nghiệp… Không thể phủ nhận hoạt động thường niên này đã giúp ích, gỡ rối, định hướng cho nhiều học sinh trước khi mở cánh cửa tương lai.

Tuy nhiên, chiến dịch này đôi khi nghiêng về hướng trường nhiều hơn là hướng nghiệp. Và theo cảnh báo của các chuyên gia giáo dục, đổi mới tuyển sinh năm nay vẫn dành nhiều cơ hội đăng ký vào ĐH hơn và các trường top dưới - CĐ, trường nghề vẫn có nguy cơ rơi vào cảnh chợ chiều. Điều này dự báo mục tiêu phân luồng học sinh và kỳ vọng từ đổi mới thi cử, với hình thức đăng ký xét tốt nghiệp để học sinh nhẹ nhàng, chọn học nghề chưa chắc thành công.
 
Vấn đề đặt ra ở đây là có bao nhiêu học sinh tự tin nói về nghề nghiệp tương lai? Ước mơ cháy bỏng của mình là được làm gì? Đeo đuổi đam mê nào có ích cho xã hội? Để giúp học sinh - sinh viên trả lời được điều này và không đặt nặng mục tiêu phải lấy được tấm vé vào ĐH thì hãy giúp các em hiểu rõ bản thân, năng lực, sở trường và tâm lý. Và trong khi ngành GD-ĐT chưa quan tâm mở ngành, đào tạo giáo viên hướng nghiệp thì ai có thể giúp học sinh - sinh viên chọn nghề hướng nghiệp phù hợp?

HÀ KHÁNH

Tin cùng chuyên mục