AI phụ thuộc vào chúng ta

Seeing AI - một ứng dụng miễn phí được phát triển bởi Microsoft - tận dụng khả năng của trí tuệ nhân tạo (AI) để nhận dạng một vùng lớn những tín hiệu thị giác bao gồm khuôn mặt, cảm xúc và chữ viết. Dữ liệu sẽ được chuyển sang dạng mô tả âm thanh cho những người khiếm thị.

 Ứng dụng này đã trợ giúp 285 triệu người có vấn đề về thị giác trên thế giới hòa nhập với sinh hoạt đời thường. Ấn Độ cũng đã phát triển một ứng dụng gọi là AI Sowing, gửi những thông tin đến nông dân, giúp họ chọn ngày gieo trồng tối ưu nhất, dựa vào điều kiện thời tiết, đất và những yếu tố khác. Nhân dịp xuân về, các chuyên gia công nghệ đã chia sẻ những cảm xúc rất mới, rất thú vị về AI với bạn đọc Báo SGGP.

AI phụ thuộc vào chúng ta ảnh 1
Ông VŨ MINH TRÍ, Phó Tổng Giám đốc VNG: Đầu tư tốt AI diện rộng lẫn diện hẹp
AI phụ thuộc vào chúng ta ảnh 2

Xu thế mới là sự hội tụ số của tất cả những công nghệ sẽ định nghĩa lại cách mà các đồ vật kết nối với nhau. Mọi thứ đều chuyển thành số, số hóa là ngôn ngữ chung của tất cả các vật kết nối với nhau. Khi kết nối với nhau như vậy sẽ tạo nên một lượng dữ liệu khổng lồ. Theo dự đoán, đến năm 2020, khối lượng dữ liệu sẽ đạt 44.000 tỷ gigabytes.

Khoảng 50,1 tỷ thiết bị IoT sẽ kết nối với nhau, tức là trung bình mỗi người sở hữu 6 thiết bị IoT. Khi đó, nó tạo ra nhiều cơ hội và nhiều thách thức. Cơ hội ở đây là chúng ta có rất nhiều thông tin, và nếu biết cách xử lý, chúng ta sẽ nắm bắt, sẽ hiểu được bản chất, những lõi thông tin rất có giá trị. Khi có cảm biến ở khắp nơi, chúng ta hiểu được mọi thứ đang diễn ra như thế nào dù không có mặt ở đấy. 

Để quản lý tốt, để kinh doanh tốt hệ sinh thái số thì có những công nghệ hàng đầu mà nhiều doanh nghiệp cần tập trung: Big Data - làm sao để lưu, quản lý dữ liệu và bảo mật dữ liệu; Machine Learning (Máy học) hay Data Analytics (Phân tích, xử lý dữ liệu) để có thể hiểu được dữ liệu đó. Rất nhiều người nói về AI, nhưng nói về AI thì cũng cần phải hiểu nó gồm AI diện hẹp và AI diện rộng. Ở đây, trong AI diện rộng có Super AI, chỉ dùng cho nhà khoa học, còn AI diện hẹp rất đơn giản như chiếc xe có thể tự hiểu được giao thông trên đường và tự lái, hay máy tính có thể hiểu được giao dịch nào là giả mạo… Đó là những bài toán rất hẹp. Nên doanh nghiệp sẽ phù hợp hơn với AI diện hẹp, song cảnh giới cao nhất của AI diện hẹp là Deep Learning (Mạng thần kinh nhân tạo) nằm trong Machine Learning (chương trình chạy trên một mạng thần kinh nhân tạo, có khả năng huấn luyện máy tính “học” từ một lượng lớn dữ liệu được cung cấp để giải quyết những vấn đề cụ thể) là chủ yếu. Đó là những điều cần nhìn thấy AI và chúng ta ứng dụng nó cho lĩnh vực nào phù hợp nhất để bước vào Cách mạng công nghiệp 4.0.

AI mang lại cho doanh nghiệp nhiều cơ hội đổi mới và phát triển, mặt khác cũng là chìa khóa giải quyết nhiều vấn nạn xã hội như: bệnh tật, nạn đói, biến đổi thời tiết và thiên tai. AI mang lại rất nhiều những lợi ích kinh tế hữu hình cho rất nhiều tổ chức khắp châu Á - Thái Bình Dương. Những thay đổi, tiến bộ trong nghiên cứu, phát triển AI, đã cho thấy tương lai của AI phụ thuộc vào chúng ta. Bất cứ công nghệ mới nào cũng sẽ mang đến những ảnh hưởng nhất định, điều quan trọng là chúng ta vượt qua những ảnh hưởng đó thế nào. Để thích ứng với một tương lai AI biến hóa muôn màu, từ người lao động đến doanh nghiệp và chính phủ cần có sự lắng nghe lẫn nhau, hợp tác và học hỏi không ngừng. 

Ông PHẠM THẾ TRƯỜNG, Tổng Giám đốc Microsoft Việt Nam: Châu Á có rất nhiều nhân tài công nghệ
AI phụ thuộc vào chúng ta ảnh 3

Châu Á, bao gồm Việt Nam, sẽ là khu vực phát triển AI mạnh mẽ trong những năm tới vì đây là nơi hội tụ đủ 3 yếu tố: dữ liệu, nhân tài và sự tiếp nhận. Châu Á không chỉ là khu vực có dân số lớn nhất thế giới, mà còn tiếp tục là khu vực gắn liền với kỹ thuật số nhiều hơn các khu vực khác toàn cầu, do đó có thể cung cấp số lượng lớn dữ liệu mà hệ thống AI cần để phát triển. Chúng tôi chứng kiến rất nhiều nhân tài công nghệ được sinh ra và đào tạo tại châu Á. Một trong những khía cạnh đặc biệt của châu Á là khu vực này chiếm tỷ lệ hàng đầu về dân số trẻ, được sinh ra trong thời đại kỹ thuật số. Những “công dân số” này dễ tiếp nhận công nghệ kỹ thuật số để nâng cao cuộc sống của họ.

Trước sự phát triển của AI gắn liền với đời sống, những công việc đơn giản, mang tính lặp đi lặp lại sẽ được tự động hóa. Đây là một phần của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0. Việc quan trọng cần làm hiện nay là đào tạo và trang bị cho lực lượng lao động những kỹ năng số cần thiết, để họ có được hành trang sẵn sàng cho tương lai số hóa đang diễn ra ngày một nhanh chóng và mạnh mẽ. 

Ông HỒ MINH ĐỨC, Giám đốc Điều hành Công ty Vbee: Sát với thực tế và nhu cầu của xã hội 
AI phụ thuộc vào chúng ta ảnh 4
Trí tuệ nhân tạo (AI) không chỉ là xu hướng của thế giới mà ở Việt Nam nó còn thể hiện sự phát triển mạnh mẽ trong các lĩnh vực: xây nhà thông minh, thành phố thông minh, y học hay giáo dục. AI vào thời điểm này ở Việt Nam là yếu tố bắt buộc khi chúng ta bước vào thời kỳ Cách mạng công nghiệp 4.0. Nếu không có nó, sự thay đổi về công nghệ là không đáng kể.
Tuy nhiên, AI ở Việt Nam phải đi sát với thực tế về các dịch vụ, nhu cầu mà xã hội đang cần. Chúng ta cần một lộ trình rõ ràng, những bước đi chắc chắn và nhất là xây dựng các nền tảng cơ bản, các tập dữ liệu lớn dùng chung, sự kết nối của các công trình nghiên cứu và sự thích ứng với các công nghệ AI ở nước ngoài. 

Tin cùng chuyên mục