Ám ảnh “Cánh đồng hoang”

Cuộc sống của người dân thôn Thọ Khương (xã Tam Hiệp, Núi Thành, Quảng Nam) vốn dĩ bình yên thì bỗng chốc trở nên xáo trộn, bất an. 
Cánh đồng sen được xem là nguồn sinh kế của người dân thôn Thọ Khương, hơn 2 năm nay bị chết trụi
Cánh đồng sen được xem là nguồn sinh kế của người dân thôn Thọ Khương, hơn 2 năm nay bị chết trụi
Nguồn sống bị hủy diệt, những cái chết tức tưởi vì căn bệnh ung thư quái ác ập xuống… mà theo người dân phản ánh, “thủ phạm” bị nghi ngờ lớn nhất là nguồn nước thải từ khu công nghiệp. 

Môi trường sống bị hủy diệt

Tôi cho xe chạy dọc thôn Thọ Khương, trời dần chuyển về chiều nên mọi thứ dường như yên ắng hẳn. Dừng xe trước sân nhà bà Nguyễn Thị Thẩm để xin nước uống, nghe bà than thở: “Mấy năm trước, nước giếng ở đây trong xanh lắm, mấy đứa nhỏ chạy chơi xong là ra phía sau hè múc một gàu lên, kề miệng uống luôn. Giờ giếng đã chuyển màu đục ngầu, chỉ để tắm giặt, muốn uống phải mua máy lọc, lọc qua mấy công đoạn, nấu lên mới dám uống. Uống xong lại nơm nớp sợ vì nhiễm bẩn…”. Bà dẫn tôi qua nhà mấy hộ dân bên cạnh, nhà nào cũng có giếng nhưng đều đậy kín miệng. Kiểu như sợ con nhỏ không biết lại múc nước giếng lên uống.

Ông Trần Bá Tùng, Bí thư chi bộ thôn Thọ Khương cho biết, thôn hiện nằm sát Khu công nghiệp (KCN) Bắc Chu Lai, địa hình trũng thấp, dân cư nằm phân bổ đều hai bên hệ thống kênh mương đường cống dẫn nước xả thải trực tiếp của KCN. Toàn thôn có 380 hộ thì hơn 90% dân số trực tiếp uống nước từ nguồn giếng đào, giếng đóng. Mấy năm nay, người dân ở đây hoang mang, lo lắng bởi cho rằng nguồn nước đang bị ô nhiễm nặng. 

Minh chứng cho lời nói của mình, ông Tùng dẫn tôi ra cánh đồng sen phía trước thôn. Trước mắt là cả cánh đồng rộng lớn trơ trọi, những lá sen xanh tốt ngày nào giờ nằm mục nát trên nền đất sền sệt. Ông Tùng tiếc nuối: “Những ngày này 2 năm trước, chiều chỉ muốn ra đây để ngắm sen; hít thở không khí trong lành thơm mát khiến cho con người ta trở nên sảng khoái, bao mệt nhọc của một ngày làm việc tan biến hết. Giờ chết sạch trơn. Bà con tôi gọi nơi đây là cánh đồng hoang”. Sen chết, đồng nghĩa với chuyện mất nguồn thu từ sen của bao hộ gia đình. Giá bán sen gấp 5 lần giá bán lúa. Tính ra, mỗi năm từ hơn 5ha sen bà con thu về cả 500 triệu đồng. Mỗi hộ chi phí xong còn được khoảng 30 triệu đồng. Ông Tùng bảo, 30 triệu đồng so với ở TP là ít, còn ở cái làng làm nông này thì to lắm. Đó là tiền để nuôi con đi học, tiền để dành đám giỗ, tiền để dành lúc ốm đau…

Anh Bùi Minh Quốc, một trong những hộ dân được giao quản lý và khai thác sen ở cánh đồng 5ha, dẫn tôi lội bộ dọc theo sát hệ thống kênh mương xả nước thải từ KCN đổ ra sông Trường Giang. Anh cũng nghi ngờ do nguồn nước mà đồng sen chết trụi. Không còn nguồn thu nào, 2 năm nay vợ chồng anh phải theo các chủ thầu đi phụ hồ. “Mình đàn ông khổ cực chút không ngại. Nhưng nhìn vợ đẩy xe hồ mà thương đứt ruột. Hồi còn ruộng sen, đến mùa là xuống hái đi bán. Nhờ sen nên dư dả, sắm xe, sửa nhà…”. Anh cho biết, giờ không ai còn dám lội xuống đồng ruộng nữa, vì lội xong về nhà chân tay lở cả tuần. Không chỉ vậy, những chân ruộng trồng lúa dọc hai bên bờ kênh cũng chung cảnh ngộ. Có hộ gieo sạ lúa đến 4 lần mà cũng không lên mạ được. Sạ rồi thì cũng thối mầm mà chết, nhiều mảnh ruộng đành bỏ hoang. 

Tiếng kêu từ Thọ Khương

Trưởng thôn Bùi Minh Trung phản ánh tiếp, toàn bộ nguồn nước xả thải của KCN Bắc Chu Lai đều tập trung đổ về đây nên áp lực về nguồn nước thải rất lớn. Dù biết đã qua xử lý, song nhiều khi đi qua đây vẫn nghe mùi hôi thối, nước vẫn đục. Nhất là mỗi khi trời mưa, nhà máy tranh thủ xả mạnh nên mùi tanh hôi càng nồng nặc. Ông mong muốn các ngành chức năng sớm có kế hoạch kiểm tra lại nguồn đất, nguồn nước để người dân yên tâm sinh sống. Tất cả những gì đang diễn ra mỗi ngày khiến người dân hoang mang, lo lắng vô cùng. Có đất đai mà không thể canh tác, trồng sen, gieo xạ thì chỉ còn cách tha phương…

Theo phản ánh của bà con nơi đây, tại các đợt tiếp xúc cử tri từ cấp xã cho đến cấp tỉnh, kể cả khi đoàn đại biểu Quốc hội về, người dân đều phản ánh tình trạng ô nhiễm; kiến nghị các cơ quan về kiểm tra, kiểm nghiệm nguồn nước. Tuy nhiên đến nay, người dân vẫn chưa nhận được văn bản trả lời nào.

Chiều xuống dần, tôi theo chân ông Tùng rảo bước sâu vào từng con ngõ. Ông tỉ tê, ở đây nhà nào đất đai cũng rộng. Nhiều hộ muốn bán bớt đất kiếm chút vốn ra đường lộ dựng lều buôn bán. Nhưng treo biển bán xong thì lại mang vào nhà cất vì không ai đến hỏi mua. Bởi chính những hộ dân ở đây sống không nổi thì ai mà dám đến ở. Nhiều hộ vì lo chạy chữa bệnh cho người thân mà lâm vào cảnh nợ nần. Đơn cử như trường hợp bà Lê Thị Lan phát hiện chồng ung thư, để có tiền chạy chữa, bà phải bán 4 con bò và vay mượn khắp nơi được gần 200 triệu đồng. Nhưng cuối cùng cũng không thể chữa khỏi vì bệnh ông đã vào giai đoạn cuối. Bà Lan cho biết bà nghi ngờ chồng bà cũng như gần chục trường hợp khác trong xóm bị ung thư là do uống nguồn nước ô nhiễm…

Lúc ra về, trời bắt đầu chuyển mưa dông, các nhà trong thôn đóng cửa, tôi kéo khẩu trang che mũi vì mùi hôi nồng nặc khó chịu bốc lên khi chạy dọc đường ống xả thải của KCN Bắc Chu Lai…
Ông Trần Bá Tùng kể: “Từ hơn năm nay, ở đường kênh dẫn nước KCN chảy qua, cá tự nhiên chết hàng loạt. Nhiều lần phải thuê người vớt xác cá chôn. Cây lục bình vốn dễ thích nghi với môi trường nước ô nhiễm mà cũng không sao sống nổi. Trong vòng một năm mà có đến 18 con bò của người dân bỗng nhiên bị sẩy thai nghi do uống phải nguồn nước từ hệ thống kênh dẫn nước thải của KCN. Đáng lo nhất là đã có 7 người chết vì ung thư phổi, gan, vòm họng và nhiều phụ nữ cũng bị sẩy thai. Toàn bộ thôn có hơn 5ha đất trồng sen đều chết trụi”. 

Tin cùng chuyên mục