Ấm lửa bếp ăn từ thiện Nhơn Hòa

Đều đặn hàng ngày, bếp ăn từ thiện Nhơn Hòa cung cấp 6.000 suất ăn miễn phí cho bệnh nhân nghèo đang điều trị tại các bệnh viện Chợ Rẫy, Chấn thương chỉnh hình và Bệnh nhiệt đới (quận 5, TPHCM). 
Cơ duyên làm từ thiện
Để có thể nấu được hàng ngàn suất ăn như vậy, bếp ăn từ thiện Nhơn Hòa đã trang bị đầy đủ các dụng cụ bếp công nghiệp có công suất lớn, mỗi ngày nấu khoảng 500kg gạo, hàng trăm ký rau củ quả, và đặc biệt là có một đội ngũ tình nguyện viên nhiệt tình, đến từ nhiều địa phương, tất bật chuẩn bị từ tờ mờ sáng cho đến khi xe chuyển cơm đi.
Đến bếp ăn từ thiện Nhơn Hòa (ở đường Hồng Bàng, phường 12, quận 6, ngay vòng xoay Phú Lâm) vào buổi sáng, chúng tôi thấy các tình nguyện viên đang tất bật sơ chế rau củ quả để chuẩn bị những suất cơm cháo phát cho bệnh nhân nghèo vào buổi trưa.
Đây là một trong 3 bếp ăn của Chi hội từ thiện Nhơn Hòa trực thuộc Hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo TPHCM. Mặc dù ra đời sau 2 bếp ăn từ thiện ở Củ Chi và Hóc Môn nhưng đây là bếp chính, phục vụ số lượng suất ăn lớn. 
Ấm lửa bếp ăn từ thiện Nhơn Hòa ảnh 1 Các tình nguyện viên đang sơ chế rau củ để chuẩn bị nấu cơm
Anh Trần Văn Rớt (25 tuổi, đại diện ban điều hành bếp ăn) cho biết, anh đến với công tác thiện nguyện từ rất sớm và đã gắn bó với bếp ăn từ thiện Nhơn Hòa nhiều năm nay. Noi gương gia đình vốn có truyền thống làm công tác thiện nguyện, anh đóng góp chút công sức vào những việc thiện, với mong muốn được chia sẻ phần nào với người bệnh nghèo gặp tình cảnh khó khăn, hoạn nạn.
Cơ duyên đến khi đi phụ nấu ăn từ thiện, anh gặp vợ chồng ông Đoàn Hữu Thoại, quản lý bếp ăn ở chi nhánh này. Rồi được vợ chồng ông Thoại nhận làm con nuôi, anh ở lại đây phụ ông Thoại quản lý, điều hành bếp ăn suốt nhiều năm nay.
Anh tâm sự, hàng ngày ra vào các bệnh viện phát cơm cháo cho bệnh nhân, anh chứng kiến không biết bao nhiêu cảnh đời éo le, bất hạnh. Có những gia đình có người thân bị bệnh nặng phải nằm điều trị lâu dài ở bệnh viện, chi phí tốn kém, nên rất cần những bữa cơm từ thiện để giúp họ bớt một phần gánh nặng, dành tiền chữa bệnh. 
Đồng hành trong hoạt động thiện nguyện
Bà Nguyễn Thị Nghĩa (66 tuổi, đại diện nhóm từ thiện ở An Giang) cho biết, nhiều người chung tay làm việc thiện, không ai bảo ai, cứ tìm đến nhau.
Giải thích lý do có mặt ở bếp ăn Nhơn Hòa, bà chia sẻ: “Mỗi nhóm từ thiện phụ trách phục vụ bếp ăn trong 1 tháng. Nhóm tôi có nhiệm vụ trong tháng này. Hàng năm, nhóm từ thiện của tôi đi làm công tác thiện nguyện ở các bếp ăn khoảng 3 tháng. Riêng năm nay, nhóm được các bếp ăn từ thiện mời lên TPHCM đến 5 tháng, vì thiếu người”.
Bà cũng cho hay, các thành viên trong nhóm đều là người An Giang, hầu hết đều đã lớn tuổi nhưng vẫn tham gia công tác từ thiện rất nhiệt tình. Có người làm ruộng, làm vườn, buôn bán nhỏ cũng tranh thủ thời gian, thu xếp việc gia đình đi làm từ thiện, mong giúp đỡ phần nào những người nghèo và bệnh nhân khó khăn; đồng thời cũng tạo chút phước đức cho mình và cho con cháu. Sau khi phục vụ bếp ăn xong, bà Nghĩa lại về An Giang tiếp tục công việc của mình là làm bánh in, rau câu đi bán. 
Còn bà Trần Thị Bắp (67 tuổi, cũng là thành viên trong nhóm từ thiện ở An Giang) vui vẻ tâm sự: “Gia đình tôi con cái lớn hết, đều có thể tự lo cuộc sống cho riêng mình, nên tôi có thời gian rảnh để tham gia công tác từ thiện.
Mặc dù mình không có khá giả gì, nhưng thấy nhiều người còn khổ, đặc biệt là những bệnh nhân nghèo ở các tỉnh lên TPHCM chữa trị, nhiều người không có tiền ăn cơm, nên tôi tham gia phục vụ bếp ăn góp phần giúp các bệnh nhân nghèo có những suất cơm đủ chất trong thời gian chữa bệnh xa nhà”. 
Không chỉ nấu và phát cơm, bếp ăn Nhơn Hòa còn đặt thùng bánh mì từ thiện, mỗi ngày phát miễn phí 200 ổ bánh mì giúp những người nghèo ấm bụng trên đường mưu sinh kiếm sống. Ngoài ra, bếp ăn Nhơn Hòa có xe vận chuyển bệnh miễn phí dành cho những gia đình khó khăn; phòng khám chẩn trị y học cổ truyền miễn phí phục vụ những bệnh nhân nghèo không có điều kiện đến bệnh viện chữa trị. 
Để có thể phục vụ được hàng ngàn bệnh nhân nghèo như thế, hàng ngày các tình nguyện viên phải thức đến khuya và dậy thật sớm, tay chân làm thoăn thoắt một cách thuần thục để kịp chuyển cơm đến bệnh viện đúng giờ ăn. Nhìn thấy các bệnh nhân nghèo, gia đình khó khăn nhận được những phần cơm và ăn một cách ngon lành thì mọi cực khổ, khó khăn của các thành viên thiện nguyện dường như tan biến.

Tin cùng chuyên mục