Tạo nét riêng trong bảo tồn đờn ca tài tử

Trọn ngày 27-4, Hội thảo khoa học “Bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật đờn ca tài tử Nam bộ” được tổ chức ngay tại khu lưu niệm nhạc sĩ Cao Văn Lầu vừa được khánh thành. Hội thảo có sự hiện diện đông đủ các nhà khoa học, nghiên cứu, giảng dạy văn hóa, âm nhạc miền Tây và Đông Nam bộ cùng các nghệ nhân đờn ca tài tử tiêu biểu.
Tạo nét riêng trong bảo tồn đờn ca tài tử

Trọn ngày 27-4, Hội thảo khoa học “Bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật đờn ca tài tử Nam bộ” được tổ chức ngay tại khu lưu niệm nhạc sĩ Cao Văn Lầu vừa được khánh thành. Hội thảo có sự hiện diện đông đủ các nhà khoa học, nghiên cứu, giảng dạy văn hóa, âm nhạc miền Tây và Đông Nam bộ cùng các nghệ nhân đờn ca tài tử tiêu biểu.

GS-TS Trần Văn Khê mở đầu hội thảo bằng sự khẳng định: Đờn ca tài tử là sinh hoạt văn hóa đặc biệt của người phương Nam trong điều kiện thiên nhiên khắc nghiệt cùng nhu cầu giao lưu kết bạn trên vùng đất mới. Lúc đầu chỉ “chơi” cho vui, khỏa lấp nỗi buồn. Từ mình đờn cho mình rồi mình đờn cho bạn, tự nhiên, tự phát, chân tình, sáng tạo. Mỗi nơi, mỗi người có cái riêng trong “buông, hứng, bắt” khi đờn khi ca nhưng cái “tôi” phải biết đồng điệu với cái “ta” thì mới ra đờn ca tài tử. Tính phóng khoáng, chia sẻ, gắn kết, hòa đồng, chân tình… của cư dân châu thổ chắc cũng khởi nguồn từ đó. Người ta thường nói đi “coi cải lương” và đi “xem đờn ca tài tử”, GS-TS Trần Văn Khê đề cập đến sự khác nhau thú vị trong thưởng thức nghệ thuật của cư dân Nam bộ.

Một tiết mục của đoàn TPHCM tại Festival Đờn ca tài tử quốc gia. Ảnh: ĐỖ HIẾU LIÊM

Một tiết mục của đoàn TPHCM tại Festival Đờn ca tài tử quốc gia. Ảnh: ĐỖ HIẾU LIÊM

Hơn 20 tham luận được đọc càng làm rõ hơn giá trị của nghệ thuật đờn ca tài tử trong đời sống người dân châu thổ sông Cửu Long và sự lan tỏa của dòng nhạc này trong không gian văn hóa Việt Nam và quốc tế. Với hơn 100 năm hình thành và phát triển của dòng cổ nhạc độc đáo, đặc sắc này, đờn ca tài tử đã góp phần nhận dạng, định dạng vùng đất Nam bộ.

Tham luận của các địa phương cũng chứng minh phong trào đờn ca tài tử đã bắt rễ và phát triển mạnh trên địa bàn thông qua các nhóm, các câu lạc bộ… Tuy nhiên, khi đờn ca tài tử đã trở thành Di sản văn hóa phi vật thể thế giới, chúng ta cần có cách tiếp cận, khai thác, bảo tồn, phát huy mới, tích cực hơn. Nhiều trăn trở, bức xúc đã được các đại biểu thẳng thắn đặt ra như đờn ca tài tử trong quán bar, quán nhậu sẽ làm đờn ca tài tử xa dần gốc; phải thu, lưu trữ 20 bản tổ gốc vì có nhiều dị bản; tính nguyên bản, đặc trưng và không gian đờn ca tài tử đang bị xâm lấn, biến dạng…

Một số giải pháp chính cho bảo tồn, phát huy đờn ca tài tử đã được đề cập trong hội thảo: hợp tác chặt chẽ hơn, hiệu quả hơn giữa các ngành chức năng, các địa phương trong việc triển khai Chương trình hành động quốc gia bảo vệ và phát huy giá trị nghệ thuật đờn ca tài tử; cần hoàn chỉnh giáo trình chính thức dạy đờn ca tài tử đưa vào giảng dạy ở nhà trường và ra cả cộng đồng; nên gắn với tiêu chí xây dựng nông thôn mới; có cơ chế chính sách mới, đặc biệt cho những nghệ nhân có công đóng góp, nghệ nhân lớn tuổi…

VŨ THỐNG NHẤT

Thông tin liên quan:

>> Đờn ca tài tử - Mạch ngầm đã hòa biển lớn

Tin cùng chuyên mục