Nhà nghiên cứu Bùi Trọng Hiền: Ca trù là thể loại nghệ thuật đầu tiên bước lên sân khấu

Nhà nghiên cứu Bùi Trọng Hiền: Ca trù là thể loại nghệ thuật đầu tiên bước lên sân khấu

Được UNESCO công nhận là di sản phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp từ năm 2009, nhưng đến tận giữa tháng 1-2015, tại đền Hàng Kênh (Hải Phòng) lần đầu tiên một canh hát ca trù cửa đình theo lối cổ mới được phục dựng. Theo nhà nghiên cứu Bùi Trọng Hiền (ảnh), người nhiều năm nghiên cứu loại hình nghệ thuật dân gian này thì đây có thể được coi là một mốc quan trọng, xóa tan nỗi lo không còn ai gìn giữ được di sản tri thức của cha ông để lại.

Nhà nghiên cứu Bùi Trọng Hiền: Ca trù là thể loại nghệ thuật đầu tiên bước lên sân khấu ảnh 1

* Phóng viên: Suốt một thời gian dài, ca trù cửa đình - vốn vẫn được các nghệ nhân coi là gốc của ca trù - gần như đã biến mất. Ngay cả những nơi từng được coi là cái nôi của môn nghệ thuật này, nhiều người cũng không còn biết đến ca trù cửa đình. Vậy, lần phục dựng này được thực hiện trên nguyên tắc nào?

* Nhà nghiên cứu BÙI TRỌNG HIỀN: Ca trù đã có tuổi đời đến cả ngàn năm lịch sử, là thể loại nghệ thuật đầu tiên bước lên sân khấu chuyên nghiệp. Từ thời Lý hoạt động của đào kép trong xã hội Việt nhộn nhịp đến mức triều đình phải đặt ra chức quan quản lý công việc làm ăn đó, gọi là quản giáp, sau này là giáo phường. Trải qua ngàn năm như vậy hoạt động của đào kép gói gọn và gắn bó chặt chẽ với cửa đình. Đình làng Việt xuân thu nhị kỳ mở hội, các giáo phường ca trù có nhiệm vụ đến hát thờ, chính vì thế ca trù có tên gọi khác là hát cửa đình. Lần phục dựng này hoàn toàn dựa trên trí nhớ của nghệ nhân Nguyễn Phú Đẹ. Cho đến nay, trong số những nghệ nhân chúng ta biết trong 10 năm qua chỉ có mình ông hát cửa đình, còn lại đều hát ca quán. Hát cửa đình so với ca quán lệch nhau nhiều, có những làn điệu chỉ hát cửa đình và ngược lại. Số lượng và sự bề thế lớn chỉ có ở hát cửa đình, ca quán chỉ có hai người thôi.

Tài liệu có một số nhắc đến, nhưng cái bản mô tả chi tiết rất tiếc không thấy nói ở đâu. Chỉ tả chung chung, so với bản theo ghi nhớ của nghệ nhân Phú Đẹ với làn điệu cụ thể, có cái giống, cái khác. Sự khác nhau đó mang tính dị bản, quá khứ.

* Từ đâu mà anh khẳng định rằng ca trù là thể loại nghệ thuật đầu tiên bước lên sân khấu biểu diễn giải trí chuyên nghiệp?

* Hát cửa đình là tên gọi và hình thức cổ xưa nhất của ca trù. Bản thân hát ca trù, cũng nói việc hát thẻ, hát cửa đình, cửa đình chi trả tiền công bằng thẻ bằng trù, ca trù gắn với hát cửa đình. Đến cuối thế kỷ 19, 20 các đào kép mới ra các đô thị lớn để mở quán hát, nhà hát. Tôi có thể khẳng định ca trù là thể loại đầu tiên bước lên sân khấu biểu diễn giải trí chuyên nghiệp. Trước đó nó là hình thức dân gian. Phương thức quan hệ với làng Việt, phương thức chi trả bằng thẻ cũng được xác định trong lịch sử.

Theo một số tài liệu để lại thì xưa một giáo phường ca trù ôm nhiều cửa đình tại địa phương. Ví dụ giáo phường quê của nghệ nhân Phú Đẹ ở Hải Dương cai quản hai, ba chục cửa đình. Quyền hát cửa đình đó được triều đình phong kiến công nhận, truyền từ đời này qua đời khác. Những giáo phường có nhiều cửa đình quá, muốn san sẻ cho các giáo phường bạn thì họ phải mua lại hát cửa đình đó. Hay đình đó không muốn giáo phường A, muốn giáo phường B hát, thì bỏ tiền ra trả giáo phường A, mua lại bản quyền đó, khi đó mới có quyền mời giáo phường B. Việc làm ăn của đào kép xưa trải qua hàng trăm năm, trở thành mẫu mực âm nhạc cổ truyền Việt Nam. Đến đầu thế kỷ 20, hình thức của nó vẫn còn, nhưng được cắt bớt đi. Nhà Nguyễn có ra lệnh, sắc xuống cấp dưới, từ nay trở đi đào kép không được chi trả bằng thẻ nữa. Từ đấy các đào kép chuyển từ hát thẻ sang hát khoán, trình thức cũng rút lại. Hát thẻ rất dài, có khi kéo dài vài ba đêm, càng hát dài càng hay thì được nhiều thẻ, nhiều tiền. Còn hát khoán thì thôi. Cho nên đến thời Nguyễn trình thức hát cửa đình được rút gọn rất nhiều so với tài liệu ngày xưa. Chúng tôi có thể coi phần cha ông truyền dạy cho chúng ta hôm nay là mặt cắt lớp cuối cùng, khoảng giữa thế kỷ 20.

* Đã nhiều năm nay các phường ca trù không còn hát ca trù ở cửa đình nữa. Trong các tài liệu có nghiên cứu nhiều về đề tài này không?

* Ngày xưa hát của đình sau khi ca công vào làm lễ xong thì tuồng, chèo mới bắt đầu biểu diễn. Nói như thế thấy trình thức hát ca trù ngày xưa vô cùng quan trọng. Trong Việt Nam phong tục, Phan Kế Bình viết thời xửa thời xưa, những ca công mỗi lần đi hát dắt díu nhau mấy chục người. Tôi cho đấy là hình ảnh rất đẹp. Nếu như hiểu trình thức hát cửa đình, không chỉ có hát, mà còn có múa, diễn xướng trò diễn và giáo phường ca trù thực sự là đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp tổng hợp, với phương thức truyền dạy, sáng tạo diễn ra trong đó.

* Theo anh, đâu là khó khăn nhất trong việc bảo tồn nghệ thuật ca trù?

* Muốn bảo tồn phải có tiền. Đào kép xưa sống được bằng nghề. Ca trù là hình thức âm nhạc chuyên nghiệp đầu tiên trong lịch sử Việt Nam ghi nhận. Nghề càng giỏi càng nhiều tiền. Bây giờ không hoàn toàn sống được bằng nghề. Ở phương Tây, những giá trị tinh thần cao quý như nhạc cổ điển chẳng hạn, không bảo tồn bằng lòng từ thiện của người dân thì phải có nhà bảo trợ, nhà hát. Nhà hát phải được bao cấp của nhà nước, hay doanh nghiệp. Giờ đây, có cho con đi học ca trù không? Hay học nhạc nhẹ để được lên ti vi, kiếm tiền cho nhanh? Rõ ràng học ca trù rất khó, ít sự lựa chọn. Nó cần được bảo vệ, tài trợ bằng chính sách đặc biệt của nhà nước, như thế người ta mới yên tâm. Đào kép bây giờ hoàn toàn sống bằng trái tim tình yêu ca trù.

Như CLB ca trù Hải Phòng chẳng hạn. Để có thể phục dựng được canh hát ca trù cửa đình, họ đã bỏ công sức, thời gian, tiền bạc về Hải Dương, tìm nghệ nhân Nguyễn Phú Đẹ để xin cụ truyền nghề. Bốn tháng cứ đi lại, học tập như vậy không hề đơn giản. Song học được rồi, có giữ và truyền được cho thế hệ kế tiếp hay không lại là câu chuyện khác. Nhiều người yêu, giỏi ca trù lắm nhưng còn gánh nặng cơm áo vì thế cái khó nhất theo tôi đúng vẫn là kinh tế.

MAI AN

Tin cùng chuyên mục