Tây mê đàn ta

Sáng 29-3, tại Cung Văn hóa Lao động TPHCM, CLB Tiếng hát quê hương tổ chức chương trình sinh hoạt, giao lưu và biểu diễn đàn tranh thu hút đông đảo khán giả trong và ngoài nước.
Tây mê đàn ta

Sáng 29-3, tại Cung Văn hóa Lao động TPHCM, CLB Tiếng hát quê hương tổ chức chương trình sinh hoạt, giao lưu và biểu diễn đàn tranh thu hút đông đảo khán giả trong và ngoài nước.

Trong chương trình, các thành viên CLB cùng nghệ sĩ Hoa Xuân, Thương Huyền phục vụ khán giả các tác phẩm hòa tấu, độc tấu đàn tranh: Bình bán vắn, Đoản xuân ca, Hồn quê, Rặng tre trước gió, Lý cây xanh, Bắc sơn trà, độc tấu đàn T’rưng Tiếng chày trên sóc Bombo, Sài Gòn đẹp lắm… Để không khí buổi giao lưu thêm sôi nổi, NGƯT Thúy Hoan, đảm nhiệm vai trò người dẫn chương trình, đã tổ chức tiết mục các nghệ sĩ, học viên CLB cùng khán giả đồng ca hai bài dân ca quen thuộc Trống cơm, Lý ngựa ô với lời nguyên bản và phần lời mới.

NGƯT Thúy Hoan phỏng vấn giao lưu với Alexandro Madrigal

Đặc biệt, trong chương trình còn có sự tham gia biểu diễn của anh Alexandro Madrigal, người Mỹ, giáo viên lớp 4 Trường quốc tế Mỹ - American International School (AIS). Anh trình diễn hai bài độc tấu đàn tranh, trong đó bản Dạ cổ hoài lang được anh thể hiện bằng ngón đàn thật duyên, thật ngọt. Dẫu rằng còn có đôi chỗ người nghe dễ dàng cảm nhận sự hồi hộp và lo lắng của anh khi trình diễn trước nhiều người, song tinh thần yêu nghệ thuật, yêu thích âm nhạc dân tộc truyền thống Việt Nam của một người Mỹ đang sinh sống và làm việc tại TPHCM đã khiến khán giả đồng cảm, thích thú, ủng hộ anh nhiệt tình bằng những tràng pháo tay cổ vũ.

Alexandro chia sẻ: “Tôi mới đến TPHCM một năm nay và tham gia dạy học tại Trường AIS. Trước đó, tôi ở Indonesia 15 năm, cũng vì niềm yêu thích âm nhạc nên từng theo học đàn nhị của nước này. Đến TPHCM vào năm 2014, sau lần được gặp và nghe nhạc sư Vĩnh Bảo đàn tranh, nghe ông giải thích về nghệ thuật truyền thống Việt Nam và những âm thanh, giai điệu độc đáo của đàn tranh, tôi như bị cuốn hút vào tiếng đàn thanh thoát trong trẻo, nhiều cung bậc cảm xúc ấy mà không biết vì sao. Vậy rồi tôi tìm đến nhạc sư để xin được học đàn. Nhưng vì ông đã khá lớn tuổi nên con trai của ông đã thay ông dạy tôi, mỗi tuần học 2 buổi. Đến nay, tôi học đàn tranh được 6 tháng. Với tôi, âm nhạc Việt Nam rất hấp dẫn và cũng thật khó. Tuy nhiên, sau khi học rành rẽ đàn tranh, tôi dự định sẽ học và tìm hiểu thêm về các cây đàn dân tộc khác của đất nước các bạn”.

THÚY BÌNH

Tin cùng chuyên mục