GS-TS Trần Văn Khê - Một đời cống hiến vì âm nhạc dân tộc

Mới cách đây vài tuần, Hội Người cao tuổi Việt Nam, Trung tâm Triển lãm văn hóa nghệ thuật Việt Nam và cơ quan chúng tôi ngồi bàn việc tổ chức hội thảo khoa học về văn nghệ sĩ cao tuổi với văn hóa dân tộc. Nhiều ý kiến đề nghị phải mời được Giáo sư Vũ Khiêu (100 tuổi) và Giáo sư Trần Văn Khê (94 tuổi), để 2 cây đại thụ này truyền đạt những kinh nghiệm quý về lao động sáng tạo, về những đóng góp cho sự nghiệp văn hóa dân tộc. Nhưng đến ngày 24-6, tin Giáo sư (GS) Trần Văn Khê qua đời đem lại sự nuối tiếc cho nhiều người.
GS-TS Trần Văn Khê - Một đời cống hiến vì âm nhạc dân tộc

Mới cách đây vài tuần, Hội Người cao tuổi Việt Nam, Trung tâm Triển lãm văn hóa nghệ thuật Việt Nam và cơ quan chúng tôi ngồi bàn việc tổ chức hội thảo khoa học về văn nghệ sĩ cao tuổi với văn hóa dân tộc. Nhiều ý kiến đề nghị phải mời được Giáo sư Vũ Khiêu (100 tuổi) và Giáo sư Trần Văn Khê (94 tuổi), để 2 cây đại thụ này truyền đạt những kinh nghiệm quý về lao động sáng tạo, về những đóng góp cho sự nghiệp văn hóa dân tộc. Nhưng đến ngày 24-6, tin Giáo sư (GS) Trần Văn Khê qua đời đem lại sự nuối tiếc cho nhiều người.

1. Tôi quen biết GS Trần Văn Khê từ những năm 80 và 90 thế kỷ trước. GS Trần Văn Khê về nước 1-2 lần và thường đến nhờ tôi tổ chức giới thiệu nghệ thuật hát bội (tuồng) cho ông ghi âm và quay video. Cũng có những lần, tôi mời ông đi Đà Nẵng, Quảng Ngãi dự hội thảo về tuồng, về văn hóa dân tộc, ông đều đi dự và chú ý lắng nghe. Những gì ông chưa rõ về tuồng, về bài chòi thì ông bảo tôi nói cho ông nghe và ghi đầy đủ.

Tháng 9-2002, GS-TS Việt kiều Thái Kim Lan ở Đức mời Đoàn tuồng Bình Định sang Munich biểu diễn. Bà mời GS Trần Văn Khê từ Pháp sang và mời tôi từ Hà Nội tới để giao lưu với trí thức Đức. GS Trần Văn Khê nói và diễn minh họa về âm nhạc dân tộc Việt Nam, còn tôi thuyết trình về tuồng. Trong gần 2 tuần lễ, tôi được sống gần GS Trần Văn Khê và được trò chuyện với nhau rất nhiều về nghệ thuật sân khấu và âm nhạc dân tộc Việt Nam. Tôi đã ghi câu chuyện trao đổi với GS Trần Văn Khê tới 50 trang trong quyển sổ nhỏ. Bây giờ đọc lại mới thấy những gì ông nói là vô giá về kinh nghiệm nghiên cứu nghệ thuật dân tộc.

Kết thúc công việc ở Đức, GS Trần Văn Khê lại về Pháp và mời tôi sang Paris chơi với ông. Thực hiện lời hẹn, mấy hôm sau tôi đến Paris và đến thăm GS Trần Văn Khê ở đường Clement Perrot 94400 Vittry - Sur Seine. Ông tỏ ra lúng túng, vì nhà cửa quá chật chội, bởi toàn bộ tầng lầu ở tầng 9 rộng lớn biến thành kho sách và tư liệu nghệ thuật khổng lồ. Sách và băng đĩa nhạc được GS sưu tầm tích lũy suốt 50 năm đã chiếm hết chỗ sinh hoạt của ông, chỉ có nhà bếp và buồng tắm là còn trống thôi! Nhà bếp hầu như không nấu nướng vì GS không có thì giờ, bữa ăn đã có cô Tường Vân, một người mến mộ ông, mang cơm tới.

2. Ông sống độc thân suốt 50 năm, dường như tất cả thời gian và tâm huyết dành cho việc nghiên cứu âm nhạc. Có lẽ chưa có người Việt Nam thứ 2 nào suốt nửa thế kỷ chỉ sống một mình và chỉ làm một việc là giảng dạy, sưu tầm nghiên cứu âm nhạc dân tộc cùng với việc đi quảng bá nghệ thuật dân tộc Việt Nam trên khắp năm châu như GS Trần Văn Khê. Từ vốn kiến thức đồ sộ ấy, GS Trần Văn Khê như một kho từ điển sống về âm nhạc, ông đã viết ra tới 7 tập sách hồi ký về cuộc đời hoạt động âm nhạc của mình. Ông tặng cho tôi mấy quyển, tôi coi đây là món quà rất quý từ Paris mang về Hà Nội để đọc. Cũng tại đây, ông nhận tôi là em kết nghĩa và từ đó quan hệ giữa chúng tôi gắn bó hơn. Ông làm cố vấn khoa học cho cơ quan tôi và thường xuyên có mặt tại các cuộc tọa đàm, hội thảo khoa học về văn hóa, văn hiến Việt Nam.

Tại gian phòng đầy ắp tư liệu quý này, GS Trần Văn Khê mở những băng đĩa ra cho tôi nghe rồi giải thích rất tỉ mỉ những nội dung và giá trị của những tư liệu âm nhạc mà ông đã thu được ở Việt Nam, Pháp, Nhật, Hàn Quốc, Ấn Độ… Từ tiếng hát tuồng của nghệ sĩ Năm Đồ, đến tiếng hát cải lương của nghệ sĩ Phùng Há đều có trong băng đĩa của GS Trần Văn Khê.

GS-TS Trần Văn Khê truyền thụ âm nhạc dân tộc cho trẻ em. Ảnh: MINH AN

3. Tuy đã sống ở Paris ngót nửa thế kỷ nhưng từ đầu năm 2004, GS Trần Văn Khê nhất quyết trở về quê hương để sống và cống hiến trong những năm tháng cuối đời cho nền âm nhạc dân tộc nước nhà. Ý nguyện của ông đã thành hiện thực khi lãnh đạo TPHCM quyết định cấp ông một căn nhà, vừa làm bảo tàng âm nhạc, vừa là nơi GS gặp gỡ đồng nghiệp và giảng dạy cho thế hệ trẻ yêu âm nhạc dân tộc. Hàng ngày ông thực hiện dự án “Âm nhạc học đường” của UNESCO tài trợ để thử nghiệm dạy nhạc dân tộc cho học sinh tiểu học TPHCM. Ông cảm thấy vui khi các học sinh và cô giáo trẻ đều say sưa học, say sưa tìm hiểu âm nhạc dân tộc.

Tuy nhiên, theo lời anh Huỳnh Văn Tươi (trợ lý GS Trần Văn Khê) thì GS Trần Văn Khê rất buồn khi một cô giáo (người đang theo học lớp thử nghiệm dạy nhạc dân tộc trong một trường cấp 1) đưa cho ông xem một quyển sách dạy nhạc và nói rằng: Đây là giáo trình âm nhạc cho học sinh cấp 1 học mà nội dung của nó hoàn toàn khác với nội dung của GS Trần Văn Khê đang dạy.

Cụ thể là nội dung trong dự án Thử nghiệm âm nhạc học đường do UNESCO tài trợ và GS Trần Văn Khê đang truyền dạy thí điểm tại TPHCM là dùng phương pháp truyền nghề truyền thống đã được tổng kết và nâng lên thành phương pháp khoa học, đồng thời giảng dạy trên cơ sở âm nhạc dân tộc, hoàn toàn khác với giáo trình âm nhạc của Bộ Giáo dục-Đào tạo đang giảng dạy chính thức ở các trường tiểu học trong toàn quốc chủ yếu dựa vào phương pháp dạy nhạc của phương Tây, không bao giờ nghe nhắc tới hò, xự, xang, xê, cống. Những tên tuổi âm nhạc dân tộc nước nhà cũng không được nhắc tới, trong khi đó hầu hết là dẫn chứng các nhạc sĩ phương Tây có thần đồng như Mozart, Chopin, Tchaikovsky. Như vậy phải chăng Việt Nam không có nền âm nhạc đáng nói, đáng tự hào và đáng học? Và nhã nhạc cung đình được UNESCO công nhận là kiệt tác của nhân loại từ đâu ra?

Theo GS Trần Văn Khê, tất cả những điều đó nếu nhồi vào trái tim khối óc của tuổi thơ thì khó khăn lắm mới có thể làm sạch được. Khán giả ngày xưa mê tuồng, mê chèo như thế nào và quan niệm về tuồng, chèo cổ của họ hoàn toàn khác với khán giả hôm nay. Khán giả xưa (thế hệ đầu thế kỷ 20 trở về trước) chỉ chấp nhận tuồng, chèo diễn theo truyền thống, tức là diễn theo phương pháp cách điệu, ước lệ và tượng trưng, lấy người diễn viên làm trung tâm và lấy ca hát làm chủ đề và âm nhạc sân khấu truyền thống chỉ có 4, 5 nhạc cụ mà thôi, chứ làm gì có tới 10, 12 nhạc cụ như ta thấy ở các dàn nhạc tuồng, chèo hiện nay. Thực trạng trống đánh xuôi, kèn thổi ngược trong giáo dục và đào tạo âm nhạc dân tộc hiện nay đã làm cho GS Trần Văn Khê thấy vui ít buồn nhiều.

GS Trần Văn Khê từng hy vọng khóa đào tạo thể nghiệm sẽ được nhân rộng ra cả nước và âm nhạc dân tộc Việt Nam sẽ không bị đứt mạch truyền thống, không bị âm nhạc phương Tây lấn át nữa. Mong ước đó, nay đã theo ông về cõi vĩnh hằng…

Giáo sư HOÀNG CHƯƠNG
(Tổng giám đốc Trung tâm Nghiên cứu bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc Việt Nam)

- GS-TS Trần Văn Khê từ trần

Tin cùng chuyên mục