​Hòa nhạc Giai điệu mùa thu: Ngập tràn cảm xúc

Là một trong những điểm nhấn trong các hoạt động kỷ niệm 70 năm Quốc khánh 2-9, đêm hòa nhạc giao hưởng tổng hợp Giai điệu mùa thu diễn ra vào 20 giờ ngày 26-8 tại sân vận động quốc gia Mỹ Đình (Hà Nội) hứa hẹn đem tới cho người xem một bữa tiệc âm nhạc ấn tượng. Trao đổi với PV Báo SGGP, Phó Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn, NSƯT Ngô Hoàng Quân, tổng đạo diễn đêm nhạc nhấn mạnh, Giai điệu mùa thu là chương trình quy mô lớn nhất từ trước tới nay liên quan đến nhạc giao hưởng với dàn nhạc lớn theo phong cách bán cổ điển.
​Hòa nhạc Giai điệu mùa thu: Ngập tràn cảm xúc

Là một trong những điểm nhấn trong các hoạt động kỷ niệm 70 năm Quốc khánh 2-9, đêm hòa nhạc giao hưởng tổng hợp Giai điệu mùa thu diễn ra vào 20 giờ ngày 26-8 tại sân vận động quốc gia Mỹ Đình (Hà Nội) hứa hẹn đem tới cho người xem một bữa tiệc âm nhạc ấn tượng. Trao đổi với PV Báo SGGP, Phó Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn, NSƯT Ngô Hoàng Quân, tổng đạo diễn đêm nhạc nhấn mạnh, Giai điệu mùa thu là chương trình quy mô lớn nhất từ trước tới nay liên quan đến nhạc giao hưởng với dàn nhạc lớn theo phong cách bán cổ điển.

Dàn nhạc giao hưởng Việt Nam

* Phóng viên: Dòng nhạc mang tính hàn lâm, bác học thường kén địa điểm tổ chức, vậy tại sao lần này “Giai điệu mùa thu” lại chọn địa điểm là sân vận động Mỹ Đình?

* NSƯT NGÔ HOÀNG QUÂN: Sân vận động quốc gia Mỹ Đình giờ đây đã trở thành một trong những trung tâm văn hóa thể thao có quy mô thuộc loại lớn nhất hiện nay ở thủ đô Hà Nội. Giai điệu mùa thu là chương trình được tổ chức do sáng kiến của ngành văn hóa để chào mừng kỷ niệm 70 năm Cách mạng Tháng Tám, Quốc khánh 2-9. Chương trình có quy mô lớn, với nhiều ca sĩ, nghệ sĩ tên tuổi tham gia và chỉ tổ chức đêm duy nhất. Với mong muốn phục vụ đông đảo khán thính giả thủ đô, ban tổ chức chọn sân vận động Mỹ Đình làm địa điểm biểu diễn bởi nơi đây có sức chứa hàng chục ngàn người.

* Lần đầu tiên tổ chức ở quy mô lớn tại sân vận động, chắc chắn nhà sản xuất sẽ phải đối mặt với nhiều sức ép?

* Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam từng biểu diễn ở rất nhiều nơi trong và ngoài nước với nhiều địa điểm khác nhau nhưng đây là lần đầu tiên dàn nhạc biểu diễn trước một không gian ngoài trời rộng lớn như sân vận động quốc gia Mỹ Đình. Đây là một thách thức lớn đối với ban tổ chức. Về quy mô, chương trình huy động lực lượng tham gia biểu diễn của 200 nghệ sĩ trong dàn hợp xướng và 100 nhạc công. Về trang thiết bị âm thanh ánh sáng cần đáp ứng các yêu cầu chuyên môn ở mức tốt nhất… Vì vậy, công tác hậu cần cũng như việc tuyên truyền quảng bá cho sự kiện đã được ban tổ chức đặc biệt quan tâm. Dự kiến sẽ có 27.000 khán giả được mời tham dự sự kiện hòa nhạc đặc biệt này.

* Mạch xuyên suốt của đêm nhạc là gì, thưa ông?

* Giai điệu mùa thu là chương trình hòa nhạc đặc biệt, gồm các tác phẩm nổi tiếng của nền âm nhạc cách mạng Việt Nam, do nhiều thế hệ nhạc sĩ Việt Nam sáng tác trong suốt hai cuộc kháng chiến vĩ đại của dân tộc giành độc lập tự do và bảo vệ, xây dựng Tổ quốc ngày hôm nay.

Giai điệu mùa thu mở đầu với khúc khởi nhạc Chào mừng của NSND Trọng Bằng. Tiếp đó là hàng loạt những tác phẩm âm nhạc đã đi vào lòng biết bao thế hệ người Việt như hợp xướng Ca ngợi Tổ quốc, Tiếng hát giữa rừng Pác Bó (Nguyễn Tài Tuệ), Trường ca sông Lô (Văn Cao), chương 3 trích từ giao hưởng Điện Biên Phủ trên không (Trần Mạnh Hùng), Chảy đi sông ơi (Phó Đức Phương), Bài ca chim ưng (Đàm Linh), Người Hà Nội (Nguyễn Đình Thi), Đường chúng ta đi (Huy Du - Xuân Sách), Ta tự hào đi lên ôi Việt Nam (Chu Minh), Tổ quốc gọi tên mình (Đinh Trung Cẩn), Như có Bác trong ngày vui đại thắng (Phạm Tuyên).

Tác phẩm Khúc tráng ca của Beethoven là sự lựa chọn đặc biệt cho chương trình. Đây là chương IV (chương kết) của Bản giao hưởng số V, được Beethoven sáng tác vào giai đoạn 1804-1808. Như Ernst Theodor Amadeus Hoffmann, một luật gia, nhà soạn nhạc, nhà phê bình âm nhạc lỗi lạc người Đức, mô tả Bản giao hưởng số V là “một trong những công trình quan trọng nhất của thời đại”. Trong Thế chiến thứ II, âm nhạc của bản giao hưởng này được gắn liền với chữ V (số 5) và cũng là chữ V của Victory, vì vậy còn gọi là giao hưởng Chiến thắng. Đặc biệt tại chương kết của bản giao hưởng, tính chất âm nhạc mạnh mẽ, khải hoàn, hùng tráng, chiến thắng… diễn tả không khí hân hoan đón mừng chiến thắng, bởi vậy chương nhạc này thường được sử dụng trong các dịp kỷ niệm trọng đại của nhiều quốc gia trên thế giới. Chúng ta đang trong giai đoạn phát triển và hội nhập, mặt khác bản giao hưởng này được đánh giá là tinh hoa di sản văn hóa thế giới thuộc lĩnh vực âm nhạc, vì vậy chúng tôi lựa chọn để đưa vào chương trình, đem đến cho khán thính giả Việt Nam một cơ hội để thưởng thức.

Chương trình quy tụ dàn nghệ sĩ hàng đầu hiện nay như: Nhạc trưởng Honna Tetsuji - Giám đốc nghệ thuật của Dàn nhạc giao hưởng Việt Nam, nghệ sĩ violin Bùi Công Duy, nghệ sĩ đàn bầu Bùi Lệ Chi, NSND Quang Thọ, NSƯT Dương Minh Đức, Quang Huy, Quốc Hưng, Thanh Lam, Đăng Dương, Mỹ Linh, Võ Hạ Trâm, Minh Thu, Nhật Thủy… cùng dàn hợp xướng Trường Đại học Văn hóa nghệ thuật Quân đội phối hợp thực hiện.

MAI AN (thực hiện)

Tin cùng chuyên mục