Ấn Độ hợp tác năng lượng với Nga - Tín hiệu mạnh cho OPEC

Ấn Độ và Nga sẽ công bố thỏa thuận hợp tác năng lượng toàn diện khi Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi và Tổng thống Nga Vladimir Putin hội đàm tại Vladivostok, trong khuôn khổ Diễn đàn Kinh tế phương Đông (EEF) lần thứ 5, diễn ra từ ngày 4 đến 6-9, nhằm mở ra một hành lang năng lượng vùng Viễn Đông giúp New Delhi giảm bớt sự phụ thuộc vào các nhà cung cấp nhiên liệu truyền thống.
Một nhà máy sản xuất dầu khí ở Viễn Đông, Nga
Một nhà máy sản xuất dầu khí ở Viễn Đông, Nga

Đảm bảo an ninh năng lượng

Thỏa thuận hợp tác năng lượng Nga - Ấn Độ đề ra mục tiêu xây dựng một tuyến thay thế nhằm vận chuyển dầu mỏ, khí đốt và than đá từ vùng Viễn Đông của Nga, khu vực mà cả 2 nước xác định sẽ tăng cường hợp tác và đầu tư. Phát biểu với mạng tin Times of India ngày 2-9, Bộ trưởng Dầu mỏ Ấn Độ Dharmendra Pradhan cho biết, 2 bên sẽ đưa ra một tuyên bố chung về hợp tác năng lượng toàn diện, ký kết lộ trình 5 năm gồm nhiều vấn đề.

Thỏa thuận trên với Nga sẽ phát đi một tín hiệu mạnh với Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) cũng như các thành viên Tây Á của tổ chức này, vốn là những nhà cung cấp chính cho Ấn Độ. Bên cạnh đó, thỏa thuận cũng sẽ giúp cân bằng lại mối quan hệ năng lượng ngày càng gia tăng của Ấn Độ với Mỹ. Trước đó, trong năm nay, Indian Oil đã ký một thỏa thuận có thời hạn để nhập dầu thô của Mỹ, nhằm bù đắp những thiếu hụt sau khi New Delhi ngừng mua dầu từ Iran do các biện pháp trừng phạt của Washington. Các nhà máy lọc dầu khác của Ấn Độ cũng đang xem xét ký kết hợp đồng mua dầu của Mỹ.

Hiện các công ty lớn của Ấn Độ như Tata Power, SAIL, NMDC, Jindal... đã và đang đầu tư vào các dự án dầu mỏ ở Viễn Đông. Hồi giữa năm ngoái, tàu chở khí hóa lỏng đầu tiên của Công ty năng lượng Nga Gazprom đã cập cảng Ấn Độ. Ông D.Pradhan cho biết, kế hoạch cung cấp khí hóa lỏng dài hạn này sẽ tạo ra cầu nối năng lượng giữa 2 nước và thúc đẩy hợp tác kinh tế chiến lược chặt chẽ hơn. Cũng theo Times of India, việc tiếp nhận khí đốt từ Nga sẽ giúp Ấn Độ đảm bảo an ninh năng lượng và tăng sức mạnh khi đàm phán với các nhà cung cấp năng lượng chủ chốt đến từ Tây Á. Thỏa thuận này cũng giúp Ấn Độ tăng tỷ lệ khí đốt sạch trong tổng số năng lượng tiêu thụ của nước này từ 6,5% năm 2018 lên 15% vào năm 2030 và giảm lượng khí thải carbon.

Ưu tiên phát triển Viễn Đông

Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố, Nga ưu tiên phát triển vùng Viễn Đông, củng cố tiềm năng kinh tế, đổi mới, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân. Tuyên bố trên được ông Vladimir Putin đưa ra trong thư chào mừng EEF 5, đăng tải trên trang web của Điện Kremlin. Theo ông Putin, Nga với tư cách cường quốc Á - Âu lớn nhất, luôn quan tâm đến sự phát triển năng động của khu vực châu Á - Thái Bình Dương và cởi mở đối thoại bình đẳng dựa trên cơ sở song phương, cũng như đa phương, theo kênh Liên minh Kinh tế Á - Âu, Tổ chức Hợp tác Thượng Hải và Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC). Tổng thống Vladimir Putin tin tưởng EEF lần này sẽ diễn ra trên tinh thần xây dựng, khởi động nhiều dự án mới, triển vọng giúp thúc đẩy hợp tác cùng có lợi.

Chủ đề chính của EEF 5 là những chỉ số tăng trưởng kinh tế và xã hội của vùng Viễn Đông, cũng như những vấn đề nâng cao chất lượng cuộc sống người dân ở khu vực. Ngoài ra, trong chương trình còn có các cuộc đối thoại - kinh doanh liên quốc gia với Ấn Độ, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và ASEAN.

Tin cùng chuyên mục