Ấn Độ và Việt Nam có thể hình thành quy trình sản xuất có giá trị

Đoàn đại biểu Bộ Công thương Ấn Độ do Thứ trưởng Rajeev Kher (ảnh) dẫn đầu cùng đại diện 30 tập đoàn và nhà đầu tư của Ấn Độ có chuyến thăm Việt Nam từ ngày 18 đến 22-1. Nhân dịp này, ngày 21-1, tại TPHCM, Tổng lãnh sự quán Ấn Độ phối hợp với Bộ Công thương Việt Nam đã tổ chức Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam - Ấn Độ. Bên lề diễn đàn, PV Báo SGGP đã có cuộc phỏng vấn nhanh với Thứ trưởng Rajeev Kher.
Ấn Độ và Việt Nam có thể hình thành quy trình sản xuất có giá trị

Đoàn đại biểu Bộ Công thương Ấn Độ do Thứ trưởng Rajeev Kher (ảnh) dẫn đầu cùng đại diện 30 tập đoàn và nhà đầu tư của Ấn Độ có chuyến thăm Việt Nam từ ngày 18 đến 22-1. Nhân dịp này, ngày 21-1, tại TPHCM, Tổng lãnh sự quán Ấn Độ phối hợp với Bộ Công thương Việt Nam đã tổ chức Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam - Ấn Độ. Bên lề diễn đàn, PV Báo SGGP đã có cuộc phỏng vấn nhanh với Thứ trưởng Rajeev Kher.

° PV: Thưa ông, Việt Nam nằm ở vị trí nào trong chương trình “Make in India” do Thủ tướng Ấn Độ Nerendra Modi khởi xướng vào năm 2014?

° Ông RAJEEV KHER: “Make in India” là chương trình căn bản tập trung vào sản xuất hàng hóa và dịch vụ của Ấn Độ. Như các bạn biết, ngày nay, một đất nước có thể sản xuất mọi thứ, có thể nhập khẩu nguyên liệu sản xuất thành phẩm, có thể sản xuất bán thành phẩm rồi tái xuất đến một nước khác để hoàn chỉnh sản phẩm. Vì vậy, nếu Ấn Độ cải thiện năng lực sản xuất cũng sẽ thúc đẩy nhiều lĩnh vực khác ở các nước khác. Việt Nam có nguồn nguyên liệu dồi dào sẽ có thêm nhiều cơ hội để xuất khẩu sang phục vụ các ngành sản xuất của Ấn Độ. Và ngược lại, nếu Việt Nam phát triển sản xuất thì Ấn Độ cũng có thể cung cấp thêm nhiều nguyên vật liệu cho Việt Nam. Như vậy, hai nước có thể bổ sung cho nhau trở thành quy trình sản xuất có giá trị. Đó là những gì chương trình “Make in India” hướng đến.

° Những lĩnh vực nào các doanh nghiệp và nhà đầu tư Ấn Độ quan tâm nhất trong chuyến thăm này?

°  Trong chuyến thăm này, chúng tôi chú trọng vào 5 lĩnh vực: Dệt may, dược phẩm và nguyên liệu dược, cơ khí, da, nông sản và chế biến nông sản. Ngoài ra, chúng tôi còn chú trọng đến ngành công nghệ thông tin và khai thác dầu khí. Mặc dù trong chuyến thăm Việt Nam lần này không có đại diện của hai lĩnh vực này nhưng chúng tôi vẫn quan tâm thúc đẩy hợp tác với Việt Nam vì Ấn Độ là nước sản xuất phần mềm hàng đầu thế giới, trong khi Việt Nam là nước có thế mạnh về sản xuất, lắp ráp thiết bị điện tử. Ngành công nghiệp khai thác dầu khí cũng là lĩnh vực Ấn Độ rất quan tâm hợp tác với Việt Nam. Tập đoàn dầu khí quốc gia Ấn Độ (ONGC) đã có kế hoạch hợp tác khai thác với đối tác Việt Nam. Đây là lĩnh vực quan trọng mà Ấn Độ sẽ tiếp tục thúc đẩy hợp tác với Việt Nam trong thời gian tới.

° Thưa ông, trong ngành dệt may, liệu Ấn Độ có thể trở thành nhà cung cấp nguyên liệu chính cho Việt Nam hay không?

° Ấn Độ có thể trở thành nhà cung cấp chính các loại nguyên liệu như sợi, bông vải, vải thô, sợi tổng hợp… Ấn Độ có thể cạnh tranh sòng phẳng với nguyên liệu từ các nước khác với cùng chất lượng và giá cả cạnh tranh. Để Ấn Độ trở thành nhà cung cấp chính nguyên liệu cho ngành dệt may của Việt Nam thì cần thêm nhiều yếu tố, trong đó có việc tăng cường hợp tác và giao thương giữa các doanh nghiệp hai nước.

° Ấn Độ có thể sản xuất ô tô giá rẻ ở Việt Nam không, thưa ông? Chẳng hạn như xe Nano?

° Ấn Độ có thể và nên làm vậy. Tôi vừa tiếp xúc với đại diện cấp cao của Tập đoàn Tata tại Việt Nam, ông ta cho biết tập đoàn này rất muốn sản xuất các loại xe thương mại hạng nhẹ ở Việt Nam và đang xúc tiến việc thành lập liên doanh sản xuất xe bán tải hiệu ACE. Việt Nam có dân số đông sử dụng xe gắn máy nên đây là thị trường rất tiềm năng của Ấn Độ khi người dân có cơ hội chuyển đổi từ xe gắn máy sang ô tô cỡ nhỏ, giá rẻ như Nano của Tata.

° Xin cảm ơn ông!

Cùng ngày, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Lê Mạnh Hà đã có buổi tiếp Thứ trưởng Bộ Công thương Ấn Độ Rajeev Kher đến chào nhân chuyến thăm và làm việc tại TPHCM. Tại buổi tiếp, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Lê Mạnh Hà bày tỏ mong muốn TPHCM được đẩy mạnh hợp tác trong các lĩnh vực thế mạnh của Ấn Độ, nhất là trong lĩnh vực công nghệ thông tin; đồng thời hy vọng sau chuyến thăm và làm việc của đoàn, nhiều chương trình hợp tác cụ thể giữa TPHCM với các địa phương Ấn Độ sẽ được mở ra trong thời gian tới.

THỤY VŨ

Tin cùng chuyên mục