An Giang tăng tốc phát triển du lịch

Thời gian gần đây, An Giang được xem là một trong những địa phương phát triển du lịch mạnh nhất ở khu vực ĐBSCL. Chỉ tính riêng năm 2017, An Giang đón khoảng 7,3 triệu lượt du khách trong và ngoài nước đến tham quan, nghỉ ngơi; tổng doanh thu từ du lịch đạt 3.700 tỷ đồng, cao nhất từ trước đến nay… 
Đua bò Bảy Núi, nét đặc thù của du lịch An Giang
Đua bò Bảy Núi, nét đặc thù của du lịch An Giang
Ông Nguyễn Thanh Bình, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang, phấn khởi: “Năm qua, ngành du lịch của tỉnh có bước đột phá rất lớn và đạt được những kết quả ấn tượng cả về số lượng du khách lẫn doanh thu. Đây là tín hiệu lạc quan, tạo động lực lớn cho ngành du lịch tỉnh nhà và các doanh nghiệp tiếp tục đầu tư, khai thác, phát triển du lịch ngày càng đa dạng, phong phú, hấp dẫn nhiều du khách hơn nữa”.
Để đạt được kết quả trên, An Giang có bước chuẩn bị khá dài và thực hiện rất quyết liệt. Tỉnh đẩy mạnh đầu tư các cơ sở phục vụ du khách với gần cả trăm khách sạn và hơn 51 nhà hàng đạt tiêu chuẩn; phát triển hệ thống cáp treo Núi Cấm, Công viên văn hóa Núi Sam, bến tàu du lịch Tân Châu… Song song đó, đầu tư hoàn chỉnh giao thông đến các khu, điểm du lịch; hạ tầng viễn thông phát triển đồng bộ, chất lượng dịch vụ rất tốt. 
Đặc biệt, thời gian qua An Giang khai thác tối đa tiềm năng và lợi thế của tỉnh đầu nguồn sông Cửu Long, có đường biên giới dài gần 100km giáp nước bạn Campuchia để xây dựng các tour du lịch đặc thù. Phát huy tốt những thế mạnh mà thiên nhiên ưu đãi với nhiều danh lam, thắng cảnh, núi non hùng vĩ; cộng với các lễ hội văn hóa dân tộc, lễ hội vía Bà Chúa Xứ Núi Sam, các công trình kiến trúc văn hóa độc đáo, các làng nghề truyền thống, nền văn hóa Óc Eo - Ba Thê; nhất là khu lưu niệm Bác Tôn ở cù lao Ông Hổ xanh ngát giữa dòng sông Hậu… 
Mặc dù số lượng khách du lịch đến An Giang đông thuộc hàng nhất nhì ở ĐBSCL; tuy nhiên tỷ lệ khách lưu trú còn ít chỉ chiếm khoảng 10%. Ông Nguyễn Văn Lên, Giám đốc Sở VH-TT-DL tỉnh An Giang, phân tích: “Dịch vụ du lịch có phát triển nhưng còn nghèo nàn và thiếu hẳn những khu vui chơi giải trí tầm cỡ, các trung tâm mua sắm hiện đại… để giữ chân khách. Các công ty lữ hành còn yếu về quy mô, hoạt động chưa chuyên nghiệp cao; sự liên kết giữa các địa phương chưa như mong muốn; nguồn nhân lực làm du lịch còn thiếu; một số huyện thị chưa xem phát triển du lịch là động lực trong tái cơ cấu nền kinh tế… Đây là những hạn chế cần nhanh chóng khắc phục”. 
Mục tiêu của An Giang là đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn; phấn đấu tốc độ tăng trưởng số lượt khách bình quân 10%/năm. Đến năm 2020, An Giang dự kiến đón 10,1 triệu lượt khách, trong đó tỷ lệ lưu trú nâng lên từ 20%-30%, số ngày bình quân là 2,5 ngày. Có ít nhất 1 khu du lịch văn hóa tâm linh hỗn hợp quy mô lớn, có khu vui chơi, giải trí tầm cỡ, trung tâm mua sắm hiện đại; đồng thời khai thác tốt các tuyến du lịch nội vùng, ngoại vùng và tuyến du lịch xuyên biên giới giữa Việt Nam - Thái Lan - Lào…
Song song đó, An Giang tập trung vào 4 loại hình du lịch thế mạnh của tỉnh gồm “du lịch tâm linh, du lịch văn hóa, du lịch thắng cảnh - nghỉ dưỡng, du lịch theo dòng sông Tiền - sông Hậu - sinh thái miệt vườn”. Đồng thời, nghiên cứu tạo ra các sản phẩm du lịch khác biệt mà nơi khác không có… 
Để làm được việc này, theo ông Nguyễn Thanh Bình, tỉnh đã rà soát lại các khu du lịch nhằm khắc phục hạn chế và phát huy thế mạnh. Mời chuyên gia từ Hà Lan đến tư vấn phát triển du lịch bền vững. Kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư mạnh hơn vào du lịch, khu nghỉ dưỡng, vui chơi quy mô lớn. Xây dựng văn hóa du lịch thân thiện, mến khách; đồng thời xóa nạn chặt chém khách, bán hàng giá cao…

Tin cùng chuyên mục