Ẩn họa rác điện tử

7.000 tấn/năm là khối lượng rác thải điện tử đang phát sinh tại TPHCM. Điều đáng nói, việc thu gom, xử lý loại chất thải này như thế nào đang nằm ngoài sự quản lý của các cơ quan chức năng.
Ẩn họa rác điện tử

7.000 tấn/năm là khối lượng rác thải điện tử đang phát sinh tại TPHCM. Điều đáng nói, việc thu gom, xử lý loại chất thải này như thế nào đang nằm ngoài sự quản lý của các cơ quan chức năng.

  • Xử lý bằng... tay

TS Trần Minh Chí, Viện Kỹ thuật nhiệt đới và Bảo vệ môi trường, cho biết, khối lượng chất thải điện - điện tử chỉ tính 3 chủng loại là máy vi tính, điện thoại di động và tivi tại TPHCM năm 2011 là gần 7.000 tấn/năm. Con số này sẽ tăng lên gần 8.000 tấn/năm vào năm 2015. Và đến năm 2020, con số này sẽ tăng gần 11.000 tấn/năm.

Nguồn phát sinh chất thải chủ yếu xuất phát từ nhu cầu sử dụng của hộ gia đình, công sở, trường học, khách sạn, nhà sản xuất, phân phối, sửa chữa. Một phần khác do nguồn nhập khẩu trái phép từ đường tiểu ngạch và do người thu gom dạo hoặc vựa thu gom nhỏ lẻ đưa từ các tỉnh lân cận về thành phố để tái chế. Sở dĩ khối lượng chất thải điện tử hàng năm tại thành phố tăng nhanh xuất phát chủ yếu từ tâm lý người tiêu dùng. Một mặt hầu hết người dân sẵn sàng mua hàng mới thay vì tái sử dụng lại đồ cũ. Họ cho rằng mua đồ cũ không đảm bảo chất lượng, mau hư hỏng khiến việc sửa chữa tốn kém và mất nhiều thời gian. Mặt khác, thói quen chạy theo mốt thời trang sản phẩm điện tử hiện nay cũng đang là nguyên nhân khiến lượng chất thải điện tử tăng nhanh.

Đáng lo ngại là quy trình xử lý chất thải điện tử. Quá trình bóc tách chất thải được thực hiện khá thủ công, chủ yếu bóc tách bằng máy gò, hàn, đèn xì và tay trần để lấy kim loại, thủy tinh, nhựa, bo mạch và các loại khác. Họ hoàn toàn không có công nghệ tiêu hủy riêng biệt cho chất thải điện tử như xay, cắt hủy hình dạng, nghiền, hóa rắn…

Điều này xuất phát từ thực tế có đến 97% trong tổng số 550 cơ sở tái chế loại chất thải điện tử này tại TPHCM thuộc loại siêu nhỏ. Chất thải điện tử sau bóc tách sẽ phân loại thành 4 dạng là linh kiện, thiết bị còn dùng được không cần sửa chữa; linh kiện, thiết bị cần sửa chữa trước khi dùng lại; linh kiện, thiết bị còn nguyên chiếc sử dụng được và những bộ phận hoàn toàn không sử dụng được nữa. Sau khi phân loại, những loại còn sử dụng được hoặc chỉ cần sửa chữa lại thì được bán ra thị trường nội địa để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ cho các đối tượng có mức thu nhập thấp hơn hoặc xuất khẩu sang Trung Quốc, chủ yếu bằng đường tiểu ngạch. Riêng những sản phẩm không dùng được, không còn khả năng tái chế thì trộn lẫn với rác thải sinh hoạt để đổ tại các bãi chôn lấp rác của thành phố. Họ hoàn toàn không có những dây chuyền công nghệ tiêu hủy riêng biệt đối với loại chất thải trên.

  • Còn lúng túng

Theo ông Nguyễn Trung Việt, Trưởng phòng quản lý Chất thải rắn, Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM, cái đáng lo nhất chưa phải là chất thải trộn lẫn vào rác thải sinh hoạt mà chính là quá trình bóc tách chất thải điện – điện tử. Đơn cử như tủ lạnh cũ, nếu bóc tách thủ công, không đảm bảo an toàn về kỹ thuật thì rất khó tránh khỏi trường hợp rò rỉ và thoát ra môi trường khí HCFC - một loại khí cực độc hại đối với môi trường và là khí có khả năng gây hiệu ứng nhà kính cao. Đó là chưa kể, trong chất thải điện tử có chứa nhiều thành phần nguy hại như chì, cadimin, oxit chì, thủy ngân trong các thiết bị chuyển mạch và màn hình phẳng, cadimin trong pin máy tính, chất dioxin và furan phát sinh khi đốt để thu hồi kim loại đồng từ dây cáp, dây nhựa cách điện… Và với cách tái chế thủ công của các cơ sở tư nhân, khó tránh khỏi tình trạng lượng lớn chất thải độc hại được thải bừa bãi ra môi trường.

Hiện nay, việc xử lý các linh kiện điện tử cũ đang rất lúng túng. Ảnh: CAO THĂNG

Hiện nay, việc xử lý các linh kiện điện tử cũ đang rất lúng túng. Ảnh: CAO THĂNG

Tuy nhiên, làm thế nào để cải thiện tình trạng trên không phải chuyện đơn giản. TS Trần Minh Chí cho biết thêm, thống kê cho thấy hiện TPHCM có khoảng 550 cơ sở thu gom tái chế, tiêu hủy chất thải nguy hại trong đó có chất thải điện tử. Các cơ sở này thường tập trung nhiều nhất tại địa bàn quận Thủ Đức, Bình Thạnh, 8 và 9. Đa phần họ hoạt động tự phát, không có giấy phép hành nghề vì thành phố không cấp phép cho hoạt động tái chế bên ngoài khu chế xuất, khu công nghiệp. Kết quả điều tra cụ thể cho thấy, chỉ 7,5% số cơ sở hoạt động có giấy phép hành nghề đúng như quy định. Còn 92,5% số cơ sở không có giấy phép hành nghề.

Có thể nói, chất thải điện tử phát sinh tại thành phố đang là dòng chất thải tạo nên những sức ép và thách thức lớn với hệ thống quản lý môi trường. Nhất là trong bối cảnh hoạt động thu gom, thu hồi của nhà sản xuất, nhà phân phối tại thành phố gần như không có. Hệ thống hạ tầng kỹ thuật yếu kém trong khi sự gia tăng khối lượng trong tương lai diễn ra nhanh chóng. Do vậy, theo TS Lê Văn Khoa, Trường Đại học Bách Khoa TPHCM, để việc quản lý chất thải điện tử tốt hơn, cần có cơ sở pháp lý cho hoạt động thu gom, tái chế, tái sử dụng đối với loại chất thải này. Trong đó mở rộng trách nhiệm cho các nhà sản xuất, nhà phân phối sản phẩm điện tử. Theo đó, buộc nhà sản xuất, nhà phân phối phải có trách nhiệm thu hồi 50% số sản phẩm bán ra. Đồng thời, với người tiêu dùng phải thực hiện quy định ký quỹ hoàn chi và thu phí xử lý, tái chế. Việc ký quỹ này cũng chính là công cụ giúp doanh nghiệp đảm bảo được tỷ lệ thu hồi.

Một khi cơ sở pháp lý này được ban hành, cộng với việc sẵn có quy định về quy chuẩn chất thải nguy hại sẽ tự tạo nên thị trường thu gom, tái chế chất thải điện tử hoàn chỉnh. Đến lúc đó, các nhà sản xuất, phân phối ngoài việc tập trung sản phẩm điện tử thải bỏ, họ sẽ chuyển giao cho các doanh nghiệp đáp ứng đầy đủ yêu cầu công nghệ. Hoặc chuyển giao sang nước ngoài - nơi có các trung tâm có công nghệ hiện đại chuyên xử lý loại chất thải này. Điều này cũng đồng nghĩa xóa sổ các cơ sở tái chế nhỏ không đáp ứng được các yêu cầu kỹ thuật hoặc để có thể tồn tại, họ nhất định sẽ phải buộc thay đổi mình. 

MINH XUÂN

Tin cùng chuyên mục