An tâm mua trứng gia cầm

Sau đề án truy xuất nguồn gốc thịt heo, Sở Công thương TPHCM tiếp tục triển khai truy xuất nguồn gốc đối với trứng gia cầm. 
Người tiêu dùng truy xuất được nguồn gốc trứng gia cầm qua mã vạch in trên tem
Người tiêu dùng truy xuất được nguồn gốc trứng gia cầm qua mã vạch in trên tem
Việc truy xuất trứng lần này có sự góp mặt của các doanh nghiệp (DN) đang tham gia chương trình bình ổn thị trường của TPHCM và dù có tăng thêm các khâu và chi phí nhưng DN vẫn bán trứng truy xuất với giá bán bình ổn trong hệ thống siêu thị để người tiêu dùng mua được sản phẩm xanh - sạch.
Thuận lợi nhờ chuỗi khép kín
Ghi nhận tại trại gà Minh Tâm Phát (tỉnh Bình Dương) - đơn vị hợp tác cung cấp trứng cho Công ty Vĩnh Thành Đạt để chiếu xạ và đóng gói bán ra thị trường, chúng tôi thấy trước trại gà có vòng màu vàng được gắn ngay cửa vào ra. Mỗi lần cho gà ăn, tiêm thuốc… nhân viên sẽ nhập số liệu này vào tài khoản truy xuất của trại.
Ông Lê Văn Dương, chủ trại gà, cho biết: “Trại thực hiện quy trình chăm sóc khép kín dưới sự giám sát của cơ quan thú y. Khi có thêm việc truy xuất nguồn gốc trứng vẫn thuận lợi vì trước nay đơn vị chỉ cung cấp trứng theo tiêu chuẩn an toàn. Nhờ truy xuất, người tiêu dùng sẽ biết rõ sản phẩm xuất xứ từ trại gà Minh Tâm Phát”.
Theo Công ty Vĩnh Thành Đạt, khi chưa triển khai đề án truy suất nguồn gốc, năm 2012, DN đã áp dụng quy trình ISO -HACCP; thông qua đó, trên mỗi quả trứng có in chuỗi ký hiệu để có thể truy xuất trứng từ trại, ngày sản xuất. Truy xuất này chỉ dùng trong quản lý nội bộ để tránh trường hợp khi ra thị trường bị người bán trộn hàng kém chất lượng vào. Do đó, khi thực hiện đề án truy xuất nguồn gốc đối với trứng gia cầm, công ty gặp rất nhiều thuận lợi.
Theo đề án, trên mỗi hộp trứng gà (loại 10 quả/hộp và 6 quả/hộp) sẽ dán thêm tem truy xuất. Thông qua tem này, người tiêu dùng sử dụng phần mềm quét mã vạch trên điện thoại để biết đầy đủ thông tin về giống gà, tuổi của gà đẻ, thức ăn, ngày sản xuất…
Còn với Công ty Ba Huân tuy không có trang trại vệ tinh nhưng được đầu tư theo chuỗi khép kín từ trang trại đến người tiêu dùng nên giúp giảm chi phí, tăng chất lượng, nâng cao năng suất. Theo đại diện Công ty Ba Huân, khi xảy ra dịch cúm gia cầm từ hơn 10 năm trước, DN đã thay đổi thiết bị công nghệ châu Âu để xử lý trứng được sạch nhất và trong vòng 24 - 36 giờ sẽ đến tay người tiêu dùng nhằm đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. 
Hướng tới sản phẩm sạch
Ông Phạm Thanh Hùng, Phó Giám đốc Công ty Ba Huân, cho biết hiện DN nuôi khoảng 1 triệu con gà đẻ trứng, ước tính cung cấp ra thị trường trung bình 700.000 trứng/ngày. DN tham gia bình ổn với nguồn trứng truy xuất bình ổn có giá rẻ hơn thị trường 5% - 10%…
“Các DN tham gia truy xuất và bán sản phẩm với giá bình ổn nên được các siêu thị, điểm bán… ưu tiên quầy kệ trưng bày riêng để không lẫn lộn với sản phẩm chưa thực hiện truy xuất. Từ đó, người mua sẽ có sự ưu tiên chọn lựa và khuyến khích các DN chưa thực hiện cũng sẽ tham gia đề án truy xuất”, ông Phạm Thanh Hùng kiến nghị. 
Trong khi đó, ông Nguyễn Đình Thái, Giám đốc kinh doanh Công ty Vĩnh Thành Đạt, tâm sự, công ty cung ứng trung bình gần 500.000 quả trứng/ngày đến các kênh phân phối hiện đại. Khi tham gia đề án truy xuất có phát sinh thêm nhiều khoản chi phí như trên mỗi dãy chuồng nuôi gà sẽ gắn vòng theo dõi về tuổi gà, thức ăn, tiêm thuốc với giá 3.000 đồng/vòng; khi xuất trứng, trên mỗi xe gắn vòng niêm phong màu trắng với giá 3.000 đồng/vòng và trên mỗi hộp trứng dán tem truy xuất giá 40 đồng/tem.
Với những chi phí phát sinh trên, giá thành quả trứng có hơi cao. Tuy nhiên, DN mong muốn thông qua chương trình này người tiêu dùng sẽ có đầy đủ thông tin hơn về sản phẩm từ lúc nhập gà con đến lúc gà đẻ trứng và đến tay người tiêu dùng để yên tâm và tin tưởng hơn khi sử dụng sản phẩm. Nhờ đó, thương hiệu của DN ngày càng phát triển rộng khắp.
Ông Nguyễn Ngọc Hòa, Phó Giám đốc Sở Công thương TPHCM, nhận xét: “So với truy xuất thịt heo, việc truy xuất trứng và thịt gia cầm gặp nhiều thuận lợi hơn do các cơ quan chức năng đã siết chặt việc chăn nuôi nhỏ lẻ. Hiện nay, gia cầm đang được chăn nuôi tập trung tại các trang trại lớn theo tiêu chuẩn VietGAP. Thông qua việc truy xuất trứng và thịt gia cầm, có thể cảnh báo được dịch bệnh, lượng hàng hóa trên thị trường để ổn định cung - cầu. Một khi tham gia chuỗi truy xuất sẽ được các cơ quan, ban ngành như thú y, Ban An toàn vệ sinh thực phẩm, Sở Công thương và thậm chí DN khác có thể kiểm tra chéo. Mỗi DN đầu tư một trại gà, nhà máy với kinh phí lên đến hàng tỷ đồng nên không vì chạy theo lợi nhuận mà gian lận để làm ảnh hưởng uy tín trên thị trường”.

Tin cùng chuyên mục