Ấn tượng mùa nước lên

Chiếc đò máy đưa chúng tôi thả dọc làng Bè trên sông Hậu. Tôi nói người lái đò tắt máy, thả trôi trên sông. Buổi sáng sớm, mặt trời còn chưa lên.
Ấn tượng mùa nước lên

Chiếc đò máy đưa chúng tôi thả dọc làng Bè trên sông Hậu. Tôi nói người lái đò tắt máy, thả trôi trên sông. Buổi sáng sớm, mặt trời còn chưa lên.

Ấn tượng mùa nước lên ảnh 1

Rồi nước sông bắt đầu dậy sóng, làng Bè dập dềnh trên sóng nước. Ghe thuyền bắt đầu xuôi ngược dập dìu, phiên chợ nổi trên sông dần nhộn nhịp. Và mặt trời dần nhô lên trên mặt nước như dát bạc, đẹp lạ lùng.

1. Mãi đến gần cuối năm rồi, nước ở ĐBSCL mới lên kha khá nên chúng tôi kéo nhau về miệt Châu Đốc, Tịnh Biên (An Giang) thăm thú mùa nước nổi. Đúng lúc nơi này đang bước vào mùa thu hoạch lúa. Những cánh đồng lúa chín vàng rực làm say đắm lòng người. Trên những thửa ruộng đã gặt xong, người dân đốt đồng. Nắng chiều rực rỡ hòa với những làn khói đốt đồng tạo thành màn khói lam chiều với mùi hương đặc biệt, thân thuộc đến nao lòng. Không còn hình ảnh người nông dân cầm liềm gặt lúa thuở nào, thay vào đó là những chiếc máy gặt liên hợp chạy xuôi ngược trên các cánh đồng, những chiếc xe tải nối đuôi nhau chở những bao lúa về làng, cuộc sống sung túc hiện rõ.

Dọc hai bên kênh Vĩnh Tế, những cánh đồng ngập tràn nước, không phân biệt đâu là kênh, đâu là ruộng. Những chiếc ghe, chiếc xuồng thả trôi, nông dân giở những chiếc dớn, tìm gỡ những con cá mắc lưới hoặc vung tay thả lưới. Bông điên điển mọc thành từng đám nhô lên trên đồng nước.

Chiếc tắc ráng rẽ nước cùng với sóng bèo xanh mướt đưa chúng tôi đi sâu vô rừng tràm Trà Sư. Đám quạ có tới hàng ngàn con nhao nhác giành ăn, giành tổ, đánh nhau loạn xị trên những ngọn cây cao tạo thành những tiếng ồn nghe rất vui tai. Vùng đầu nguồn nước lên ở Phú Hội, Nhơn Hội… huyện An Phú rộn ràng bởi bà con nông dân thập phương lại tụ về cùng với những nông dân An Phú đặt lọp, đặt dớn, thả lưới…, những nghề truyền thống của mùa nước, được coi là mùa thu nhập chính trong năm của dân giăng câu, giăng lưới. Bà con vui mừng đón chờ mùa nước lên là vậy.

Những người dân ở huyện đầu nguồn An Phú từ bao đời nay đã quen với việc sống chung với mùa nước, coi mùa nước là bạn, là nguồn sống, nói rằng mùa nước lên trễ này không giống những năm trước, thật ra không phải là mùa nước lên. Tôi nhớ lại hồi còn nhỏ, vào mùa nước quê tôi gọi là mùa nước ngập, hay mùa nước lên, không gọi là mùa lũ như bây giờ. Mùa nước lên ở ĐBSCL mang phù sa bồi đắp cho ruộng đồng, đem tôm cá về cho người dân. Người dân không sợ đói, bởi tôm, cá, rau… có sẵn.

Năm rồi, do những cơn mưa dồn dập cuối năm nên nước ở đầu nguồn lên chậm. Và người ở đồng bằng gọi mùa nước năm nay là “nước lũ giả”; không có phù sa về, cũng không có nhiều tôm cá hơn trước.

Sao giờ cái gì cũng giả, tới nước lên cũng là giả? Do người ta đắp đê, đắp đập ngăn nước vô đồng, cá không còn nhiều như ngày xưa, giơ tay xuống nước là chụp được. Mắt lưới bây giờ cũng nhỏ hơn để bắt được con cá nhỏ hơn. Chạnh nghĩ, ra sao nếu ĐBSCL không còn mùa nước lên. Năm 2014 hầu như không có nước lên, năm 2015 cũng không có. Nhìn cánh đồng nước tràn đồng, không phân biệt là đồng hay kênh, tôi chạnh nghĩ: thôi thì cứ tạm vui vì nơi này năm nay có nước. Để rồi ít ngày nữa nước sẽ dực và thế là hết mùa nước lên.
 
2.Nhiều người kể về những phiên “chợ ma” ở vùng Tri Tôn, Tịnh Biên. Nhóm làm phim tụi tôi cầm lòng không đậu, quyết tâm dậy sớm để đi thăm thú. 4 giờ sáng, chúng tôi có mặt ở chân cầu Tha La, đường đi vô Tịnh Biên. Tưởng mình đến sớm, nào ngờ chợ đã rất đông. Bà con ở đây nói người ta họp chợ từ 3 giờ sáng. Người bán là những nông dân đêm qua đi giở những chiếc lọp, dớn đã đặt, kéo lưới đem cá, cua, ốc, tôm, lươn… về bán. Người mua là những tiểu thương ở chợ, mua về bán lại hoặc những quán ăn, nhà hàng. Cá linh, cá chốt… còn tươi xanh bơi lội nhởn nhơ. Tôm thì búng tanh tách, cua ốc bò lểnh nghểnh.

Ánh sáng phục vụ cho chợ chỉ có ngọn đèn đường mờ mờ, ảo ảo,  những chiếc đèn pin người bán đeo trên đầu hay những ngọn đèn dầu, đèn bão. Bà con kể trước đây ở “chợ ma” này chỉ có đèn dầu ống khói trứng vịt tù mù, không thấy rõ mặt người. Nhưng vẫn mua bán được mới hay. Giờ hiện đại rồi mới có đèn pin và ngọn đèn đường. Nhưng vẫn mờ mờ, ảo ảo, vậy mới gọi là chợ ma. Ăn theo chợ cá và các hàng thủy sản là các quán cà phê, nước uống và phục vụ ăn sáng với rất nhiều món ăn cho người bán, người mua, các anh xe ôm, khách bộ hành tham quan. Trời mờ sáng, khoảng hơn 5 giờ chợ nhộn nhịp hơn bởi người bán bày ra thêm những món hàng khác, như rau củ, thịt heo; cả những mâm bánh, khoai luộc, bắp luộc.

Đến hơn 6 giờ sáng có thêm chị bán quần áo may sẵn và ít xấp vải; gian hàng đường sữa, nước tương, nước mắm, dầu ăn, bột giặt... phục vụ những người bán cá cần mua. Sau đó vài tiếng, khi chúng tôi trở lại chợ hầu như không còn vết tích gì của chợ. Duy nhất còn lại là quán cà phê nhỏ bên đường. Tất cả đã biến mất, trả lại con đường và cảnh quan thiên nhiên. Cái tên “chợ ma” ra đời là vậy

Chúng tôi để cả mấy ngày thăm thú, lênh đênh trên sông ở Châu Đốc chứng kiến cuộc sống trên sông, cuộc sống của làng Bè. Cuộc sống trên ngã 3 sông Hậu Giang và sông Châu Đốc sôi động một cách lạ lùng. Những em bé Chăm vẫy tay rối rít khi ghe máy của chúng tôi chạy qua. Rồi cảnh một người phụ nữ đang quằn hái chùm bông điên điển; một chiếc xuồng chài lững lờ trôi qua; một nhà bè nuôi cá mới đang đóng; hai chú vịt xiêm thỏa chí biểu diễn trên nước... Và cả đám đều hét lên thích thú khi thấy một chuồng nuôi gà vịt nổi trên sông có đặt 2 cái chảo HD. Bạn tôi đùa, để cho gà vịt xem tivi. Có những tấm mút xốp thả trên sông - là những vườn rau nổi và nhà nào cũng treo những chậu phong lan rất đẹp trước cửa hay những chậu bông kiểng. Những người ở bè cũng nuôi đầy đủ các loài vật, không chỉ là cá mà còn chó, chim, mèo… Những chú chó rất hăng hái sủa, chạy quấn lên khi chúng tôi đi qua. Có cả những chiếc bè lớn để phục vụ đám cưới, tiệc tùng trên sông.

3.Chẳng ai kể chính xác làng bè nuôi cá trên sông Hậu ra đời từ khi nào. Có người nói từ đầu những năm 60, có người nói từ những năm 70. Nhưng ai cũng chắc chắn một điều, nghề nuôi cá bè ở An Giang đã được hình thành từ rất sớm. Làng Bè trên sông Hậu ở Châu Đốc bây giờ không chỉ là làng nghề nuôi cá truyền thống mà còn là thắng cảnh du lịch độc đáo, lôi cuốn du khách đến với miền Tây. Đời sống của người làng Bè cũng trở thành nét độc đáo trong sinh hoạt, văn hóa của người dân Nam bộ. Làng Bè cá Châu Đốc mang vẻ đẹp nên thơ, hấp dẫn khách thập phương qua hàng ngàn bức ảnh, tranh vẽ hay phim tài liệu. Người ta còn dựng cả một bộ phim truyện truyền hình.

Còn với chúng tôi, điều trải nghiệm được mấy ngày này chính là việc những người ở bè đã gắn bó cả đời với nghề nuôi cá bè và cuộc sống bập bềnh trên sông nước. Họ đã cải thiện cuộc sống của mình thích nghi với cuộc sống sông nước, biến những điều bất tiện trở thành thuận tiện. Họ là những người giàu nghị lực, kiên cường - phẩm chất điển hình của người nông dân Nam bộ.

Anh Võ Ngọc Sơn ở Vĩnh Ngươn, Châu Đốc kể cho tôi nghe cuộc sống ở bè của anh. Anh là người Sài Gòn, lái xe taxi. Cơ duyên đưa anh xuống Châu Đốc và trở thành rể một gia đình có truyền thống nuôi cá bè. Sơn chẳng hề biết việc nuôi cá hay biết bơi lội. Nhà bè lúc ấy còn vắng vẻ, lại không có điện. Sơn học bơi lội, học nghề nuôi cá bè, đầu tiên là nuôi cá lóc bông. Nghề nuôi cá, năm lời, năm lỗ, giá cá khi trồi, khi sụt. Sơn là người mới nên khó hơn người khác, nhưng anh quyết tâm học cho bằng được. Đứa con trai đầu lòng ra đời, Sơn càng quyết trụ với nghề vì anh đã trở thành trụ cột gia đình, là chỗ dựa của vợ con. Sơn dần được cả gia đình vợ yêu mến. Đặc biệt là tình cảm của anh với người vợ hiền - cũng tên là Hiền. Sơn kể tôi nghe chuyện vợ con mà mắt ngấn nước. Sơn chịu thương chịu khó cùng gia đình vợ nhiều năm nay để giữ vững nghề nuôi cá bè, mặc cho lúc thăng, lúc trầm. Lý lẽ của Sơn là, chắc gì mình bỏ nghề nuôi cá, qua làm nghề khác mà được. Cực chút xíu có sao đâu, miễn sao đủ ăn, gia đình hạnh phúc.

Nguyễn Hữu Nghĩa ở Đa Phước, An Phú, Châu Đốc là dân ở bè đúng nghĩa. Anh lái ghe máy thật điệu nghệ như người lái xe honda trên bờ, chăm chỉ chế biến thức ăn cho cá ăn, dọn rửa bè. Nghĩa quen biết hết giới nuôi cá bè trên sông Châu Đốc.

Nghĩa kể chuyện mình với giọng buồn buồn: Tôi theo cha mẹ làm nghề nuôi cá bè từ nhỏ. Nhà bè suy sụp, gia đình tôi làm ăn thua lỗ, ba tôi đã tính bỏ bè lên bờ tìm kế khác sinh nhai. Nhưng âu cũng do cái duyên, cái phận; sau nhiều tháng trăn trở, ba tôi quyết tiếp tục. Ông nói với tôi: “Con cá basa ngày trước sống được với làng bè mình cũng nhờ bán chợ, vậy sao mình không thử nuôi thêm mấy loại cá nước ngọt khác. Ai cũng cần và thích ăn cá. Và con với các em con sẽ thay ba…?”. Vậy là ba tôi cho chỉnh cái bè nhỏ nuôi lứa cá lóc đồng, cá bông rồi bây giờ là cá he, cá điêu hồng...

Nghĩa nhắc về cuộc sống của mình mấy năm trước: anh ham chơi, bài bạc, cần gì xin tiền cha mẹ. Cách đây một năm anh cưới vợ. Là chủ gia đình, bỗng dưng Nghĩa thấy mình phải có trách nhiệm lớn, sắp xếp lại cuộc sống. Ba má có còn hoài để nuôi mình nên mình phải tự lo cho cuộc đời. Vậy là Nghĩa trở thành cánh tay phải của ba má, quản lý bè cá của gia đình, cùng với em gái Hạnh và em trai út Nghị. Mấy anh em còn kết hợp với các công ty du lịch, phát triển thêm việc giới thiệu du lịch - bè cá cho khách đến thăm. “Giờ tôi nghiệm ra một điều - Nghĩa tâm sự - cuộc sống đơn giản là cuộc sống tốt nhất; thấy mình đủ là đủ, đừng tham lam”.

Sơn và Nghĩa giống nhau ở chỗ, cùng hiểu rõ đặc tính của những loài cá các anh nuôi, chăm sóc, dù chỉ để bán. Và đặc biệt yêu cuộc sống ở bè. Vài buổi tối, các anh lên chợ Châu Đốc uống ly cà phê, nói dóc với bạn bè chút, còn thì ở nhà bè ngắm sông nước. “Trời vừa sẫm tối, trên sông Hậu Giang bình lặng và mát mẻ hơn. Làng Bè bắt đầu lên đèn. Ánh đèn từ các nhà bè chiếu xuống nước, từ xa nhìn lại giống như thành phố đêm nổi trên sông, khung cảnh thơ mộng lắm chị ơi!” - Nghĩa và Sơn cùng chung nhận xét.

Sơn đang chuẩn bị đón đứa con thứ ba, còn Nghĩa đang chờ đứa con đầu lòng vài tháng nữa sẽ chào đời. Hai anh đều thích ngắm mặt trời lặn và mọc trên sông Châu Đốc. Tôi lan man nghĩ về cuộc sống của những người ở bè trên sông như Sơn, như Nghĩa. Cùng với sự cần cù, sáng tạo, chịu thương, chịu khó của người nông dân, làng Bè trên sông Hậu sẽ mãi tồn tại như nét đặc trưng văn hóa, biểu tượng của đất và người miền quê này.

Bút ký Dương Cẩm Thúy

Tháng 12- 2016

Tin cùng chuyên mục