Ấn tượng với các mô hình khởi nghiệp sáng tạo

Giải thưởng Đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp TPHCM - Istar năm 2018 (do Sở KH-CN TPHCM tổ chức) vừa vinh danh 11 tổ chức, cá nhân xuất sắc trong hoạt động khởi nghiệp. Trong đó, ở 2 nhóm doanh nghiệp khởi nghiệp và giải pháp của giải thưởng đều là những dự án ứng dụng công nghệ giải quyết các vấn đề xã hội và cải thiện đời sống người dân. 
Các bạn trẻ làm việc tại văn phòng của Vexere. Ảnh: LÊ DUY
Các bạn trẻ làm việc tại văn phòng của Vexere. Ảnh: LÊ DUY

Xã hội tin tưởng sử dụng

Ra đời vào năm 2013, giải pháp Vexere đã giải quyết được thực trạng sinh viên, công nhân phải xếp hàng dài nhiều ngày mà vẫn không mua được vé xe tết. Đây giải pháp hỗ trợ giúp khách hàng có thể đặt vé, kiểm tra tình trạng vé xe theo thời gian thực thông trang chủ của Vexere.com hoặc ứng dụng Vexere trên các thiết bị di động.

Vexere đã kết nối với hơn 2.000 nhà xe và bến xe trên cả nước. Nhờ thế, hành khách chỉ cần nhập nơi đi, nơi đến, thời gian đi là hệ thống sẽ cung cấp danh sách các chuyến đi phù hợp. Sau khi chọn được vé, khách hàng sẽ tiến hành thanh toán trực tuyến thông qua các kênh của ngân hàng, hoặc thanh toán tại các cửa hàng tiện lợi.

Trong năm 2017, mỗi ngày có gần 150.000 vé xe được bán thông qua hệ thống Vexere, tương đương 20% tổng lượng vé bán ra trên thị trường. Anh Lương Ngọc Long, Giám đốc công nghệ của Vexere, cho hay: “Vexere đang phát triển thêm giải pháp hệ thống quản lý giúp giải quyết những vấn đề thường gặp của nhà xe như không đủ khách cho chuyến, hủy chuyến, thêm chuyến theo thời gian thực…”. 

Dự án FreelancerViet là sàn giao dịch việc làm tự do đầu tiên tại Việt Nam, giúp kết nối nhanh chóng, hoàn toàn miễn phí giữa chủ dự án có nhu cầu tuyển nhân sự ngắn hạn với freelancer (nhân lực tự do) có chuyên môn. Ngay khi mới ra đời, dự án đã kêu gọi thành công 2 nhà đầu tư góp vốn, cùng các gói hỗ trợ có tổng giá trị 260.000 USD từ các tập đoàn công nghệ lớn như Facebook, Google, Microsoft. Đến nay, sàn giao dịch đã nhận được sự tin tưởng lớn của hơn 40.000 doanh nghiệp và 300.000 freelancer tại Việt Nam.

Không dừng ở đó, FreelancerViet đang đẩy mạnh “quảng bá thương hiệu nguồn lao động Việt” đến các quốc gia toàn cầu. Năm 2018, FreelancerViet mở rộng sang Singapore, Malaysia, Indonesia, Philippines, Thái Lan, Nhật Bản…

Hiện nay, FreelancerViet là đơn vị đầu tiên trên thế giới trong lĩnh vực này định hướng triển khai ứng dụng công nghệ chuỗi khối (Blockchain) song song với công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI). Với Blockchain, từng con người, từng giao dịch sẽ rõ ràng minh bạch, đáng tin cậy và bảo mật tuyệt đối; kết hợp với AI sẽ giúp cho mọi hoạt động trên nền tảng trở nên dễ dàng, thân thiện, hiệu quả và tối ưu thời gian. 

Mạnh dạn đổi mới 

Ở khu vực công, giải thưởng Istar năm 2018 cho thấy đã có sự mạnh dạn thử nghiệm công nghệ, giải pháp nhằm tăng hiệu quả, hiệu lực quản lý nhà nước và hỗ trợ hoạt động đổi mới sáng tạo - khởi nghiệp. 

Cụ thể như quận Bình Thạnh - địa phương đầu tiên triển khai và ứng dụng phần mềm có tên “Bình Thạnh trực tuyến” trên thiết bị di động. Qua ứng dụng, người dân có thể phản ánh đến cấp quản lý những vi phạm về trật tự đô thị như lấn chiếm lòng lề đường, xây dựng không phép, vi phạm về vệ sinh môi trường... Trong 2 giờ sau khi tiếp nhận tin báo, UBND phường phải cử ngay lực lượng xử lý đến địa điểm vi phạm. Các kết quả giải quyết được người dân và cơ quan cấp trên giám sát theo thời gian thực.

Kết quả thống kê cho thấy, từ tháng 4-2017 đến nay đã có hơn 10.700 lượt người dân tải ứng dụng về sử dụng và phản ánh hơn 7.447 tin báo. Tất cả tin báo được xử lý, trong đó quận, phường ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính hơn 3.800 trường hợp với số tiền trên 2 tỷ đồng.

Hay như ở nhóm 4 của giải thưởng (tổ chức, cá nhân có đóng góp tích cực cho hoạt động đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp) cũng là một ví dụ điển hình khác. TPHCM từng đi đầu cả nước về hoạt động khởi nghiệp, với sự hình thành 5 vườn ươm thuộc Sở KH-CN. Vì nhiều lý do, những vườn ươm này hoạt động èo uột, có vườn ươm phải đóng cửa. Gần đây, nhờ đổi mới phương pháp quản lý, các vườn ươm phát triển mạnh mẽ và là các “bà đỡ” cho những dự án khởi nghiệp có tầm quốc tế.

Có thể kể ra như, Vườn ươm doanh nghiệp công nghệ cao (thuộc Ban quản lý Khu Công nghệ cao TPHCM) hơn 10 năm qua định hướng ươm tạo những doanh nghiệp công nghệ mang thương hiệu Việt Nam, sản phẩm do chính chất xám của những con người Việt Nam. Mỗi năm, vườn ươm này tiếp cận với hơn 90 dự án khởi nghiệp, đưa vào ươm tạo mới khoảng 10 dự án/năm.

Trong đó, có 33 dự án đã thương mại hóa sản phẩm thành công; thu hút và tạo việc làm cho hơn 300 lao động có trình độ cao. Tổng doanh thu của các dự án đang ươm tạo hàng năm đạt 15 - 20 tỷ đồng. Trong khi đó, Không gian đổi mới sáng tạo (SIHUB) thuộc Sở KH-CN TPHCM lại chọn định hướng kết nối khởi nghiệp toàn cầu, thông qua chương trình Runway To The World để trao đổi startup Việt Nam với Singapore, Malaysia hay Hàn Quốc.

Tin cùng chuyên mục