Ấn tượng với những nhà khoa học trẻ

Để chinh phục và khai phá tri thức, ngoài khả năng tư duy thiên phú thì còn phải có sự kiên trì bền bỉ, niềm đam mê, cùng môi trường để phát huy. 
Hội tụ đủ những yếu tố đó, những nhà khoa học trẻ của Việt Nam, tuy thành công còn khiêm tốn nhưng đã chứng minh được tài năng bằng những công trình nghiên cứu mang nặng trách nhiệm với cộng đồng, với thực tiễn mà quê hương, đất nước đang cần. 
Chàng sinh viên với những kỷ lục
Lần đầu tiên trong lịch sử của Trường Đại học (ĐH) Quốc tế (ĐH Quốc gia TPHCM) có thủ khoa tốt nghiệp với điểm học tập đạt 95,6/100 điểm, luận văn tốt nghiệp xuất sắc với điểm số tối đa 100/100. Chưa hết, chàng thủ khoa đặc biệt này còn có một bộ sưu tập đầy ấn tượng về nghiên cứu khoa học khi là tác giả chính của 7 bài báo khoa học quốc tế, trong đó có 2 bài báo đăng trên ISI - một tạp chí khoa học uy tín của quốc tế.
Đó là Lê Huỳnh Minh Triết, sinh viên Khoa Công nghệ thông tin. Không chỉ gây ấn tượng với những kết quả trên, Minh Triết còn chinh phục nhiều giải thưởng uy tín khác: Giải thưởng Báo cáo viên xuất sắc tại hội nghị khoa học quốc tế tổ chức tại Thái Lan năm 2017; Giải 3 Công trình nghiên cứu khoa học xuất sắc của ĐH Quốc gia TPHCM; Giải thưởng Công nghệ thông tin - Truyền thông TPHCM năm 2017; Giải thưởng Honda Y-E-S năm 2017 dành cho 10 kỹ sư và nhà khoa học trẻ Việt Nam xuất sắc… Cùng với đó, Minh Triết tích cực tham gia nhiều hoạt động xã hội như hiến máu nhân đạo, chiến dịch xuân tình nguyện, buổi thuyết trình, chia sẻ kinh nghiệm… 
Ấn tượng với những nhà khoa học trẻ ảnh 1 Lê Huỳnh Minh Triết nhận giải thưởng Công nghệ Thông tin - Truyền thông năm 2017
Những thành công đến với Minh Triết sau khi đã nếm trải nhiều thử thách khó khăn, kể cả thất bại. “Kinh nghiệm bản thân được rút ra là, trước khi làm việc gì, em phải cố gắng xác định rõ mục tiêu và lý do. Sau đó, em viết ra các kế hoạch cụ thể với những mục tiêu ngắn, trung và dài hạn để thực hiện nó. Và quan trọng nhất là không bao giờ bỏ cuộc, cho dù có gặp khó khăn thế nào đi nữa”, Minh Triết nói về phương châm làm việc của mình. 
Tiếng gọi từ quê hương 
Lấy bằng Tiến sĩ Sinh hóa ở tuổi 27, nhưng ngành nghề trước đây Võ Thanh Sang dành sự quan tâm đặc biệt lại là ngành Y đa khoa. Thất bại ở ngành Y đa khoa đã cho Sang vững vàng hơn, khi xác định may mắn không phải lúc nào cũng mỉm cười với mình. Quan trọng hơn, ngành nghề nào cũng được, miễn là bản thân phải đam mê, nỗ lực thì mới gặt hái được thành công. Sự tự tin ấy đã giúp Sang tốt nghiệp với kết quả vượt trội và tìm được việc làm ưng ý. 
Dẫu vậy, gần một năm sau, Sang gác lại công việc để tiếp tục mở rộng tầm nhìn và học hỏi kiến thức ở đất nước có nền khoa học kỹ thuật phát triển hơn. Tại Trường ĐH Quốc gia Pukyong (Hàn Quốc), Sang hoàn thành cao học rồi lấy luôn bằng tiến sĩ; được giữ lại làm việc, định cư vĩnh viễn. Rồi cũng thật bất ngờ, chàng tiến sĩ trẻ quyết định quay về Việt Nam, với suy nghĩ chỉ cần làm việc nghiêm túc và hết mình thì dù ở đâu, cơ hội tốt sẽ đến.
Ấn tượng với những nhà khoa học trẻ ảnh 2 TS Võ Thanh Sang nhận giải thưởng Quả cầu vàng năm 2017
Trường ĐH Nguyễn Tất Thành trở thành điểm dừng chân của Sang. Đúng như dự định ban đầu, môi trường làm việc trọng trí thức trẻ tại đây đã hỗ trợ Sang thực hiện thành công nhiều bài báo quốc tế ISI, cũng như chủ nhiệm nhiều đề tài cấp quốc gia, cấp bộ và địa phương với tính ứng dụng cao. Kết thúc năm 2017, Sang vinh dự được nhận giải thưởng Quả cầu vàng do Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh và Bộ Khoa học - Công nghệ trao tặng. 
Sang cho biết, những thành công đã qua còn hết sức khiêm tốn nhưng đó là động lực để Sang cùng đồng nghiệp xây mục tiêu phấn đấu mới. “Nhóm của mình đang tập trung nghiên cứu về dược tính của các hoạt chất tự nhiên và sự thay đổi tích cực của tín hiệu nội bào dưới tác động của các hoạt chất tự nhiên đó. Mong muốn rằng, nghiên cứu khi được thương mại hóa sẽ phục vụ lợi ích sức khỏe cộng đồng”, Sang kỳ vọng.      
Làm khoa học đừng ngại khó  
Ít ai biết nữ tiến sĩ trẻ Nguyễn Thị Thủy (33 tuổi) của Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TPHCM vừa nhận giải thưởng Quả cầu vàng năm 2017 là người chỉ mới về trường công tác từ năm 2016. “Bộ sưu tập” của chị có đến 11 bài báo khoa học đăng trên các tạp chí uy tín của quốc tế. Tuy vậy, con đường trở thành tiến sĩ của Thủy không hề đơn giản. Tốt nghiệp thủ khoa ngành Kỹ thuật môi trường, Thủy nhận học bổng cao học toàn phần tại Viện Công nghệ châu Á AIT (Thái Lan) trong khi năng lực tiếng Anh không tốt.
Ấn tượng với những nhà khoa học trẻ ảnh 3 TS Nguyễn Thị Thủy nhận giải thưởng Quả cầu vàng năm 2017
Vậy nhưng, nhờ nỗ lực và quyết tâm cao độ, Thủy vừa trang bị năng lực ngoại ngữ cho bản thân vững vàng, đồng thời hoàn thành luận văn thạc sĩ và đoạt luôn giải thưởng của AIT với đề tài “Human Powered drinking water treatment” trong năm 2010. Mục tiêu của đề tài là phát triển hệ thống xử lý nước uống cho những tình huống khẩn cấp như thiên tai, lũ lụt, thiếu điện. Đề tài đã đưa ra một hệ thống xử lý nước sử dụng màng lọc với nguồn nước cấp từ ao, hồ, sông và tận dụng sức người để vận hành bơm tay, không dùng điện. Đây là đề tài được đánh giá là mang tính ứng dụng cao. 
Khi hoàn thành mục tiêu nhận bằng tiến sĩ vào năm 2015 tại Đài Loan (Trung Quốc), Nguyễn Thị Thủy xác định quay về Việt Nam để giảng dạy, nghiên cứu.
“Dẫu biết điều kiện để nghiên cứu tại Việt Nam là khó hăn hơn nhiều quốc gia khác, nhưng tôi tin là sẽ làm được nếu mình có ý chí và quyết tâm. Tôi tin với sự thay đổi cách nhìn, cách đầu tư ở nhiều trường đại học, các nhà khoa học trẻ sẽ có môi trường phát huy hết năng lực của mình”, Tiến sĩ Nguyễn Thị Thủy chia sẻ.

Tin cùng chuyên mục