“Anh hùng bàn phím” và nỗi khổ của những chiến sĩ PCCC

“Nói anh em chiến sĩ không chữa được gì, để cháy hoàn toàn thì khổ anh em lắm!”- “thanh minh” với các cơ quan truyền thông mới đây, Đại tá Trần Đức Đình, Phó Giám đốc Cảnh sát PCCC TP Cần Thơ đã phải thốt lên như vậy khi dư luận, nhất là có không ít ý kiến trên mạng xã hội đã cho rằng lực lượng cảnh sát PCCC chữa cháy chậm, không hiệu quả trong vụ hỏa hoạn tại KCN Trà Nóc.

“Nói anh em chiến sĩ không chữa được gì, để cháy hoàn toàn thì khổ anh em lắm!”- “thanh minh” với các cơ quan truyền thông mới đây, Đại tá Trần Đức Đình, Phó Giám đốc Cảnh sát PCCC TP Cần Thơ đã phải thốt lên như vậy khi dư luận, nhất là có không ít ý kiến trên mạng xã hội đã cho rằng lực lượng cảnh sát PCCC chữa cháy chậm, không hiệu quả trong vụ hỏa hoạn tại KCN Trà Nóc.

Nhiều lính cứu hỏa bị thương khi dập vụ cháy lớn nhất Cần Thơ. Ảnh: Cửu Long

Ngay sau khi có những dư luận trên, chiều 28-3, Sở Thông tin - Truyền thông TP Cần Thơ đã phát đi thông cáo báo chí về vụ cháy tại Công ty TNHH Kwong Lung Meko (Khu công nghiệp Trà Nóc, TP Cần Thơ) sau buổi họp của UBND TP Cần Thơ với các sở ngành liên quan vào sáng cùng ngày để trình bày rõ với dư luận.

Theo thông cáo, do hiện trường và các khu vực xung quanh nhà xưởng chứa nhiều chất dễ cháy nên đám cháy có chiều hướng diễn biến phức tạp. Cảnh sát PCCC TP Cần Thơ đã xin chi viện từ lực lượng PCCC các tỉnh An Giang, Hậu Giang, Vĩnh Long, Kiên Giang, Đồng Tháp, TPHCM, quân khu 9, Cảng hàng không quốc tế Cần Thơ, Công ty công trình đô thị và Công ty Xăng dầu Petrolimex. Trong quá trình chữa cháy, nhiều cán bộ chiến sĩ đã bị ngạt khí độc, bỏng và bị thương do kính vỡ đâm vào. Giải thích về ý kiến cho rằng việc chữa cháy không hiệu quả, người đứng đầu Công an TP Cần Thơ cho biết, do nhà máy xây dựng khép kín như tổ ong nên khi nguyên liệu ở giữa bị cháy trước, sau đó lan ra ngoài, lực lượng chữa cháy chỉ phun nước ở bên ngoài nên không khống chế được đám cháy. Bên cạnh đó, nguyên liệu sản xuất của công ty chủ yếu là vải, lông vũ, là chất dễ cháy nên khi phun xịt, dù lửa tắt bên trên nhưng bên dưới vẫn còn âm ỉ. Đây là lý do khiến đám cháy bùng phát trở lại nhiều lần. Cần Thơ lại chỉ có 2 xe thang không đủ hỗ trợ dập tắt lửa nên buộc phải huy động đến các xe thang của Cảnh sát PCCC TPHCM và các tỉnh lân cận...

“Nỗi khổ” vì bị nhìn nhận một chiều, thiếu khách quan như trên không chỉ là tâm sự của riêng lực lượng Cảnh sát PCCC Cần Thơ mà cũng là “nỗi khổ tâm” của nhiều cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát PCCC khi tác nghiệp.

Nhìn lại vụ cháy gây thiệt hại nghiêm trọng tại chợ Gà Gạo, quận 1 - TPHCM vừa qua cho thấy, trong khi lực lượng chữa cháy chuyên nghiệp đang căng mình dập lửa, để cứu người, cứu tài sản thì không ít “anh hùng bàn phím” đã vào cuộc quá nhiệt tình, thiếu khách quan. Họ khai thác đủ mọi góc cạnh của vấn đề, từ cháy chợ Gà Gạo khiến 8 ngôi nhà bị thiêu rụi hoàn toàn, người dân hoang mang, rơi vào cảnh màn trời chiếu đất; đến người dân quỳ lạy (?!) công an PCCC vì chữa cháy quá chậm. Hay trong vụ cháy cây xăng Quân đội khu vực 4, thuộc đường Quang Trung, phường 8, quận Gò Vấp vào khoảng 17h ngày 16-12-2016, trong lúc hàng trăm chiến sĩ chữa cháy đang lao vào dập lửa, ngăn cháy lan, đề phòng phát nổ trong cái nóng hàng nghìn độ C và sự nguy hiểm độc hại của việc cháy xăng dầu thì trên các trang mạng xã hội đã nhan nhản các bình luận chê trách lực lượng Cảnh sát PCCC chậm trễ và yếu kém, nên gây thiệt hại nặng nề...

Tâm sự với chúng tôi, những người chiến sĩ Cảnh sát PCCC trực tiếp tham gia trong những vụ việc đó đều có chung một tâm trạng: chua xót! Một chiến sĩ dày dạn kinh nghiệm tâm sự: “Những người lính cứu hỏa chúng tôi cũng có trái tim đâu thể thờ ơ, trước sự mất mát của đồng loại. Mọi người đã rất cố gắng và làm đúng theo quy trình đã được huấn luyện để đạt hiệu quả. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, dù anh em đã nỗ lực hết mình và dập tắt được đám cháy nhưng hậu quả nặng nề của vụ cháy vẫn khó khắc phục nổi”.

Xe chữa cháy tại chợ Kim Biên

Giải thích thêm về vụ cháy chợ Gà Gạo, quận 1 xảy ra ngày 1-12-2016, chiến sĩ Cảnh sát PCCC nói trên cho biết, ngay sau khi phát hiện vụ cháy, 3 phút sau lực lượng chữa cháy chuyên nghiệp thuộc Phòng Cảnh sát PCCC quận 1 đã có mặt tại hiện trường. Thế nhưng tối 1-12, trên trang cá nhân của người tên Huỳnh Công Thành đã đăng bức ảnh một người phụ nữ trong xóm chợ Gà Gạo đang quỳ lạy, khóc lóc. Chủ trang lý giải do đơn vị cứu hỏa không tích cực khiến người dân bấn loạn, phải quỳ lạy năn nỉ lực lượng chữa cháy cho tăng cường thêm lực lượng và phương tiện. Thế nhưng khi lực lượng chức năng đi xác minh thông tin thì sự thật không phải như vậy. Bà Mỹ Hạnh - nhân vật trong bức ảnh, đã khẳng định: “Khi đang làm thuê gần nhà thì nghe tin báo nhà cháy. Tôi vội vàng chạy về, tới đầu đường đã thấy khói bốc nghi ngút, hoảng quá tôi quỳ xuống đất lạy Đức Phật tổ mong cho có phép màu xảy ra thôi”.

Với khuôn mặt đăm chiêu, Thượng tá Lê Quốc Bảo - Trưởng Phòng Cảnh sát PCCC quận 1, cho biết: Hôm đó tôi trực chỉ huy, khi nhận được tin báo cháy vào lúc 15 giờ 31 phút, tôi lập tức triển khai lực lượng, phương tiện. 3 phút sau, tức 15 giờ 34 phút thì lực lượng chữa cháy có mặt tại hiện trường. Ngay từ đầu có 70 cán bộ, chiến sĩ, 1 xe chỉ huy, 4 xe nước, 1 xe thang và 1 xe vòi xuất phát ngược chiều đường Võ Văn Kiệt từ trụ sở phòng đến hiện trường. Hai nơi cách nhau chỉ vài trăm mét. Ngoài vị trí tiếp cận dễ nhất từ đường Võ Văn Kiệt với 3 xe nước túc trực, PCCC quận 1 còn chia ra nhiều hướng khác như triển khai 1 xe nước qua đường Yersin và 1 xe tiếp cận từ đường Nguyễn Thái Học để truyền tiếp nước cho xe thang xịt nước từ trên xuống... Với phương án triển khai như trên nên suốt quá trình chữa cháy, khối lượng nước luôn được tiếp đầy đủ, đảm bảo xịt liên tục.

Lực lượng chữa cháy tại Công ty Kwong Lung – Meko

Còn vụ cháy tại ngôi nhà 5 tầng, địa chỉ 32 Kim Biên phường 13, quận 5 chuyên mua bán đồ chơi trẻ em nằm sát “chợ tử thần” Kim Biên. Sau khi vụ cháy xảy ra, trên mạng xã hội đã có nhiều luồng dư luận gây tranh cãi về một bức ảnh 2 xe chữa cháy phun nước chỉ đến tầng 3, trong khi đó cháy ở tầng 5, 6, rồi qua đó bình luận rằng “lực lượng chuyên nghiệp nhưng việc chữa cháy không chuyên nghiệp; chữa cháy như thế nhìn chẳng khác gì vòi tưới cây cảnh”…

Thế nhưng, khi chúng tôi tìm hiểu thì các thành viên của BQL chợ Kim Biên đều khẳng định đây là xe của lực lượng chữa cháy tại chỗ của chợ Kim Biên. Người cầm vòi phun trong ảnh là lực lượng PCCC tại chỗ chứ không phải là lực lượng chữa cháy chuyên nghiệp. Do là xe chữa cháy của lực lượng tại chỗ nên kết cấu áp lực yếu, chỉ có thể phun nước làm mát, chống cháy lan trong khi chờ lực lượng chữa cháy chuyên nghiệp đến ứng cứu!

“Anh em đã làm rất tích cực và có trách nhiệm. Nói thật, cái nào là khuyết điểm thì chúng tôi nhận để khắc phục. Nói Cảnh sát PCCC không chữa được gì cả, để cháy hoàn toàn thì khổ anh em lắm”- tâm sự của Đại tá Trần Đức Đình, Phó Giám đốc Cảnh sát PCCC TP Cần Thơ cũng chính là tâm sự chung của hầu hết những chiến sĩ đã trót mang trong mình niềm đam mê với nghề PCCC.

Phương Thanh - Ngọc Lan

Tin cùng chuyên mục