Ngăn chặn “đại họa” tai nạn giao thông

Huy động lực lượng tổng hợp trong hệ thống chính trị và của toàn xã hội

Huy động lực lượng tổng hợp trong hệ thống chính trị và của toàn xã hội

Tôi xin được hệ thống lại những con số thiệt hại do tai nạn giao thông (TNGT) trong các năm gần đây: cứ mỗi ngày bình quân không dưới 50 vụ TNGT xảy ra trên cả nước, chủ yếu là TNGT đường bộ, trên dưới 30 người chết mỗi ngày. Riêng trong năm 2006 số người thiệt mạng về TNGT đã vượt qua con số 12.600 người, cộng với 11.253 người mang thương tật, con số này nhiều gấp 100 lần các nạn nhân của cơn bão số 9 và được rải đều trong năm. Trong sáu tháng đầu năm 2007, trên cả nước cũng đã xảy ra 7.669 vụ TNGT làm chết 6.910 người, bị thương 5.919 người. So với cùng kỳ năm 2006, TNGT đã làm tăng 464 người chết (7,2%), 42 người bị thương; trong đó 9 địa phương có TNGT gây chết người tăng cao trên 30%...

Huy động lực lượng tổng hợp trong hệ thống chính trị và của toàn xã hội ảnh 1

Nhiều đường ở TPHCM được phân luồng để giảm ùn tắc, tai nạn giao thông. Ảnh: VIỆT DŨNG

Thiết nghĩ, những con số nêu trên đã nói lên tất cả sự đặc biệt nghiêm trọng của nó. Theo tôi, nếu bằng lòng với những biện pháp chỉ đạo, điều hành như hiện nay thì tình hình TNGT ít nhất năm 2007 này không thể cải thiện được, nghĩa là mỗi ngày sẽ không dưới 50 người chết và mang thương tật vì tai nạn giao thông không kém so với năm 2006 và sẽ còn tiếp tục nghiêm trọng hơn trong những năm tiếp sau với những cơ sở sau đây:

Một là, căn cứ vào thực trạng và khả năng xây mới hạ tầng cơ sở: về đường bộ hiện có không thể nào mở rộng, xây mới kịp cho nhu cầu đi lại gia tăng hàng ngày, hàng tháng;

Hai là, khả năng kiểm tra, giám sát kỹ thuật: bằng lái, phương tiện vận chuyển không an toàn về kỹ thuật ngày một nhiều, vượt quá khả năng của các đơn vị chức năng;

Ba là, luật pháp hiện hành không còn phù hợp, nhiều bất cập và không đủ mức giáo dục, răn đe;

Bốn là, từng bộ, ngành của Đảng và Nhà nước chưa quy định rõ chức năng và ý thức trách nhiệm của mình về an toàn giao thông (trừ 2 ngành giao thông vận tải và công an). Nói chung, toàn bộ hệ thống chính trị chưa thể hiện trách nhiệm đúng trước sự bức xúc về sinh mạng con người (hầu hết coi trách nhiệm đó thuộc cơ quan chức năng khác) không liên quan đến mình;

Năm là, từ những yếu tố trên cho thấy ý thức trong toàn xã• hội chưa được khơi dậy sấu sắc - “rủi ai nấy chịu”, vì vậy mà sự chấp hành, tôn trọng luật pháp còn thấp; trong sinh hoạt chi bộ, phường, xã• và các tổ chức chính trị xã• hội không thấy có mức quan tâm cần thiết;

Sáu là, hệ quả tất yếu tác động đến tất cả các cơ sở điều trị như các bệnh viện, trung tâm y tế vốn chưa đủ cho nhu cầu chữa trị các loại bệnh thường ngày, nay đang bị sức ép thường xuyên phải cấp cứu, chữa trị tai nạn giao thông nên luôn quá tải (nơi điều trị, thuốc men, cán bộ, nhân viên phục vụ…). Chưa kể đến thiệt hại về nguồn nhân lực bị giảm đi hàng ngày.

Huy động lực lượng tổng hợp trong hệ thống chính trị và của toàn xã hội ảnh 2

TPHCM đang phát động cán bộ công chức, người dân đội nón bảo hiểm khi lưu thông trên đường phố để giảm thiểu tai nạn giao thông. Ảnh: VIỆT DŨNG

Trước tình hình nghiêm trọng như vậy, nếu không có sự chỉ đạo đặc biệt, đồng bộ nhất quán từ trên xuống thì không thể cải thiện được tình hình này. Như chúng ta đã• từng chuẩn bị đối phó và khắc phục hậu quả một cơn bão “dữ” nào đó đều phải sử dụng một lực lượng tổng hợp mạnh, không thể giao phó cho một, hai cơ quan chức năng đơn lẻ nào. Đảng và Nhà nước ta đã•có nhiều bài học lớn nhỏ thành công đã• qua. Trước những vấn đề cực kỳ khó, chúng ta huy động lực lượng tổng hợp trong hệ thống chính trị và của toàn xã• hội thì thành công, ngược lại, nếu hoạt động đơn lẻ thì chắc chắn kết quả sẽ rất hạn chế.

Theo kinh nghiệm lãnh đạo, điều hành “chủ trương 1 biện pháp phải 10 đến 20”. Trên tinh thần đó, tôi xin đề xuất một số giải pháp đồng bộ trong hệ thống chính trị và khơi dậy sự bức xúc của toàn xã• hội, trách nhiệm của mọi ngành, mọi giới và cả cộng đồng. “Khó vạn lần dân liệu cũng xong”, cả hệ thống chính trị góp một phần cùng cộng đồng xã•hội, cùng mỗi nhà, mỗi người chung lo cho mình và cho cả cộng đồng:

1- Trước hết, các cơ quan chức năng trực tiếp như Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Công an: từng tháng, từng quý qua thực tế quản lý của mình và báo cáo của từng địa phương rút ra kinh nghiệm gì để bổ sung, sửa chữa và nhân ra những gương tốt điển hình (có khen thưởng và có phê phán và kỷ luật thật nghiêm trong phạm vi ngành chức năng...).

2- Về phần các ngành, các cấp và toàn xã•hội: cần có một văn kiện của Đảng đủ tầm lãnh đạo; Chính phủ cũng cần có một văn bản pháp quy đủ mạnh bắt buộc trong hệ thống quản lý nhà nước. Bộ Tư pháp cần nghiên cứu, bổ sung, sửa đổi các điều luật hiện hành cho phù hợp với tình hình thực tế về tai nạn giao thông mấy năm gần đây. Mặt trận và các đoàn thể chính trị xã•hội, nghề nghiệp, tôn giáo… phát động thật sâu rộng trong toàn xã•hội nhằm nâng cao nhận thức, ngăn chặn “đại họa” thương vong do TNGT từ con người gây ra hàng ngày.

3- Tôi xin đề cập cụ thể hơn trách nhiệm của các Ban, Bộ, ngành cấp Trung ương và toàn hệ thống:

- Bộ Quốc phòng với 2 cơ quan chức năng, Cơ quan tham mưu và Tổng cục Chính trị đã•có giải pháp phối hợp gì lâu nay? Cần kiểm điểm nghiêm túc để sửa đổi, bổ sung, nếu chưa có phối hợp gì thì Bộ Quốc phòng cần có chủ trương và nghiên cứu giải pháp cho các quân binh chủng, các quân khu. Nên chăng có phương án diễn tập cho từng quân khu, “chiến trường” là trên các trục giao thông, đối tượng là người gây ra TNGT (hầu hết không tôn trọng luật lệ giao thông); và có thể tổng diễn tập toàn quân góp phần tích cực của quân đội bảo vệ tính mạng nhân dân. Trong hòa bình xây dựng, giành được mạng sống của người dân là quan trọng nhất, đó cũng thuộc bản chất của quân đội ta.

- Ban Tuyên giáo Trung ương nói gì trước thiệt hại nghiêm trọng do TNGT với trên 3 triệu đảng viên; vai trò tiên phong, gương mẫu, lãnh đạo quần chúng của đảng viên ngăn chặn “đại họa” này?

- Bộ Thông tin - Truyền thông huy động toàn bộ ngành truyền thông phối hợp một chương trình hành động thống nhất, thức tỉnh mọi gia đình, mọi người dân quyết ngăn chặn “đại họa” này. Trật tự xã hội, an toàn xã hội cũng là môi trường sống văn minh và văn hóa.

- Bộ Giáo dục và đào tạo, trong tất cả trường học từ phổ thông đến đại học, các cơ sở đào tạo nghề... hàng ngày vào trước giờ học cần thông tin hàng ngày số tai nạn về người chết và bị thương và luật lệ giao thông phải được nghiêm chỉnh chấp hành bảo đảm an toàn cho mình và cho cộng đồng.

- Các bộ, ngành khác, trong các lớp học, trong các xí nghiệp trước giờ học, trước ca làm việc cũng phải thông báo thông tin tai nạn và luật lệ đi đường. Các doanh nghiệp nước ngoài cũng bắt buộc như các doanh nghiệp trong nước. Trong sinh hoạt văn hóa, văn nghệ… nói chung trong các hoạt động nghệ thuật ở các tụ điểm lớn nhỏ cũng bắt buộc phải làm như vậy.

- Đối với mỗi gia đình, mỗi người dân vừa kiên trì tuyên truyền, giáo dục vừa có chế tài bắt buộc, tất cả vì mục tiêu bảo vệ sinh mạng của dân. Những vấn đề nêu trên từ trong trường học, trong các xí nghiệp công, tư (cả liên doanh với nước ngoài) đều bắt buộc thi hành...

- Điểm cuối cùng, phải cơ cấu tổ chức lại Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, đủ thực quyền, chuyên trách, điều hành thay cho hình thức hội đồng hiện nay.

Tôi nghĩ, Đảng lãnh đạo cả đất nước này, hệ thống chính trị chưa lúc nào rộng lớn như hiện nay cần chuyển động mạnh, chứng tỏ sức mạnh và phải làm được điều đó. Chúng ta đã từng dùng lực lượng tổng hợp hạn chế tổn thất trong chống thiên tai, đã từng hạ thấp mức sinh của toàn xã hội (bằng kế hoạch hóa gia đình); chúng ta đã có bài học vận động không đốt pháo trong toàn xã hội - bỏ hẳn một tập quán lâu đời. Vậy trong an toàn giao thông, chúng ta phải tập trung giải quyết từ căn nguyên, gốc rễ nào, bằng lực lượng tổng hợp ra sao, đồng thời tuyên truyền, giáo dục bắt buộc rộng, sâu như trên đã nêu nhằm hiểu biết luật lệ đi đường, và tự bảo vệ mình, bảo vệ cộng đồng, đảm bảo kỷ cương luật pháp, văn minh... để dần giảm đi sự vi phạm của người sử dụng phương tiện.

Võ Văn Kiệt

Tin cùng chuyên mục