Bóc gỡ đường dây sản xuất phân bón giả quy mô lớn

  • 1.000 tấn phân bón giả được tiêu thụ qua 59 đại lý trong cả nước


(SGGP).-  Ngày 15-10, Bộ Công an đã thông báo kết quả bước đầu phá đường dây sản xuất, buôn bán phân bón giả tại huyện Chí Linh (Hải Dương) và Hoài Đức (Hà Nội). Phân bón giả đã được sản xuất cả năm nay với số lượng tiêu thụ trót lọt ước tính khoảng 1.000 tấn thông qua mạng lưới 59 đại lý bán phân bón trong cả nước.

Sau một thời gian trinh sát, nắm tình hình tổ chức đấu tranh chống tội phạm sản xuất, vận chuyển kinh doanh hàng giả, đặc biệt là phân bón giả, các trinh sát Bộ Công an đã phát hiện tại nơi sản xuất là Công ty cổ phần Sản xuất thương mại dịch vụ Tân Trường Sinh, địa chỉ ở Dương Liễu, Hoài Đức (Hà Nội) và HTX cổ phần Bắc Bình Vương đang tiến hành sản xuất với số lượng lớn.

Số phân giả này đã được đưa đi tiêu thụ tại hàng chục đại lý các tỉnh phía Bắc như Hà Nội, Hải Phòng, Thái Bình, Bắc Ninh, Nam Định, Hưng Yên, Thái Nguyên.

Khám xét khẩn cấp tại hai điểm sản xuất của Công ty cổ phần Sản xuất thương mại dịch vụ Tân Trường Sinh và ba đại lý tiêu thụ phân NPK giả tại TP Hải Phòng, Thái Bình, Bắc Ninh. Tổng số phân NPK khám xét và thu giữ là 85 tấn, tuy nhiên bước đầu cơ quan điều tra xác định qua sổ sách, số lượng phân bón NPK giả đã tiêu thụ trót lọt lên tới 1.000 tấn, qua mạng lưới là 59 đại lý ở khắp các tỉnh, thành.

Ngay sau khi thực hiện lệnh khám xét, Bộ Công an đã triệu tập, lấy lời khai của giám đốc, chủ cơ sở sản xuất là Nguyễn Phi Sinh và các chủ đại lý tiêu thụ phân bón. Phân bón giả được sản xuất từ cuối tháng 12-2007. Nguyên liệu sản xuất phân bón giả chủ yếu là xỉ than, được mua từ nguồn xỉ bãi thải nhà máy Công ty Nhiệt điện Phả Lại cùng đất sét, vôi bột được nghiền bằng máy. Hàng sản xuất đến đâu được vận chuyển đi tiêu thụ luôn, thường lượng tồn kho rất ít, mỗi ngày tiêu thụ trung bình khoảng khoảng 20 - 30 tấn.

Sở dĩ phân bón giả tiêu thụ với số lượng lớn do các đối tượng sử dụng vỏ bao có hình đầu trâu, hình con trâu (vốn đã được các doanh nghiệp sản xuất phân bón đăng ký nhãn hiệu) nên nhiều người lầm tưởng là phân bón thật.

TH. NAM

Tin cùng chuyên mục