Không cấp công cụ hỗ trợ cho cá nhân

Không cấp công cụ hỗ trợ cho cá nhân

(SGGP 12G).- Thời gian gần đây, TPHCM đã xảy ra một số vụ sử dụng công cụ hỗ trợ không đúng mục đích. Ai được sử dụng công cụ hỗ trợ (dùi cui, roi điện, súng bắn hơi cay)? Sử dụng như thế nào là đúng pháp luật?...  PV Báo SGGP đã có cuộc trao đổi với Thượng tá Nguyễn Văn Dung, Trưởng phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, Công an TPHCM xoay quanh các nội dung nêu trên.

- PV: Xin ông cho biết, đối tượng nào được phép trang bị công cụ hỗ trợ?

Không cấp công cụ hỗ trợ cho cá nhân ảnh 1

Thượng tá Nguyễn Văn Dung, Trưởng phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội - CATP

- Thượng tá Nguyễn Văn Dung: Ngày 12-8-1996, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 47/CP, kèm theo Quy chế quản lý vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ. Theo đó quy định các đối tượng được trang bị, sử dụng công cụ hỗ trợ: Quân đội nhân dân, Dân quân tự vệ; Công an nhân dân; Đội kiểm tra chống buôn lậu của Hải quan, Hải quan cửa khẩu; Đội kiểm tra của lực lượng Quản lý thị trường; Đội tuần tra kiểm soát của kiểm lâm; Ban, Đội bảo vệ chuyên trách một số cơ quan, tổ chức Nhà nước; Ban bảo vệ dân phố hoặc tổ chức quần chúng bảo vệ an ninh trật tự ở phường, xã; Trường, Trung tâm huấn luyện võ thuật và thể thao của nhà nước; An ninh hàng không; Đội thi hành án; Tổ chức cá nhân thi công xây dựng được sử dụng súng bắn đinh.

Tại Điều 3, Nghị định 47/CP cũng quy định: Người đứng đầu các tổ chức được trang bị sử dụng hoặc bảo quản vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ phải chịu trách nhiệm trực tiếp về việc quản lý, sử dụng trong phạm vi quản lý của mình.

Bên cạnh đó, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 52/2008/NĐ-CP quy định về quản lý kinh doanh dịch vụ bảo vệ. Tuy nhiên, thời gian qua, trong khi chờ hướng dẫn của Bộ Công an, chỉ đạo của UBND thành phố và giám đốc CATP, hiện Phòng Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội - CATP chưa cấp phép mua và cấp phép sử dụng công cụ hỗ trợ cho doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ bảo vệ nào trên địa bàn thành phố.

- Vậy pháp luật quy định các đối tượng đó được sử dụng trong trường hợp nào?

- Xuất phát từ đối tượng được trang bị, sử dụng công cụ hỗ trợ, như nói trên và quy định tại Điểm 2, Phần I, Thông tư số 05/TT-BNV (C13) ngày 20-9-1996 của Bộ Nội vụ (nay là Bộ Công an) hướng dẫn thực hiện Nghị định số 47/CP thì tùy theo chức năng nhiệm vụ của từng đối tượng mà việc trang bị, sử dụng công cụ hỗ trợ có khác nhau, tuy nhiên về điểm chung nhà nước chỉ trang bị công cụ hỗ trợ cho một số lực lượng, tổ chức để sử dụng phục vụ chiến đấu, công tác, sản xuất, luyện tập thi đấu thể thao và bảo vệ cơ quan, đơn vị.

- Thời gian gần đây đã có một số vụ “gây ồn ào” liên quan đến công cụ hỗ trợ. Cụ thể vụ một cán bộ ngành kiểm sát sử dụng công cụ hỗ trợ trước Siêu thị Big C trên đường Hoàng Văn Thụ, phường 9, quận Phú Nhuận?

- Viện kiểm sát cũng thuộc đối tượng được trang bị công cụ hỗ trợ khi có thành lập đội bảo vệ, đựơc qui định tại Điểm e, Khoản 1, Điều 38 Quy chế quản lý vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ. Như đã nói trên, cơ quan, đơn vị được trang bị sử dụng công cụ hỗ trợ chỉ cấp phát cho nhân viên  để thi hành nhiệm vụ trong các trường hợp chiến đấu, công tác, sản xuất, luyện tập thi đấu thể thao và bảo vệ cơ quan, đơn vị.

Trở lại vụ việc sử dụng công cụ hỗ trợ trước siêu thị Big C trên đường Hoàng Văn Thụ, phường 9, quận Phú Nhuận, việc nhân viên Viện kiểm sát có báo cáo với lãnh đạo đơn vị đồng ý cho đi sửa công cụ hỗ trợ (súng hơi cay) bị kẹt đạn là đúng, còn việc sử dụng công cụ hỗ trợ trong tình huống trên thì được biết việc này, Lãnh đạo Viện kiểm sát đã tổ chức kiểm điểm nghiêm túc nhân viên trên theo quy định đơn vị. 

Về trường hợp đánh nhau giữa nhân viên của hai doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ bảo vệ, Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội- CATPHCM đã cử cán bộ xác minh, biết được có vụ việc đánh nhau xảy ra tại địa bàn xã Phong Phú, huyện Bình Chánh, tang vật thu được 2 gậy sắt và gậy tầm vông, công an xã đã lập hồ sơ chuyển cơ quan điều tra Công an huyện Bình Chánh giải quyết theo quy định của pháp luật.

- Nếu phát hiện việc tàng trữ, mua bán và sử dụng công cụ hỗ trợ trái phép người dân có thể báo cho cơ quan nào, thưa ông?

- Nếu người dân phát hiện tổ chức, cá nhân nào có hành vi tàng trữ, mua bán, sử dụng vũ khí và công cụ hỗ trợ trái phép, đề nghị báo ngay về Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội - CATPHCM, địa chỉ 459 Trần Hưng Đạo, phường Cầu Kho, quận 1, số điện thoại: 08.38387257 – 08.38387282 hoặc thông báo cho cơ quan công an- quân sự địa phương gần nhất để kịp thời xử lý.

Qua công tác đăng ký quản lý vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ từ năm 2006 đến nay, Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội - CATPHCM phát hiện, xử lý vi phạm hành chánh 12 trường hợp doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ bảo vệ vi phạm sử dụng công cụ hỗ trợ không phép, tịch thu 174 công cụ hỗ trợ (gậy các loại), phạt tiền tổng cộng 9.000.000đ.

Cụ thể: Năm 2006: phát hiện 4 vụ, tịch thu 6 gậy, phạt tiền 3.000.000đ; năm 2007: phát hiện 2 vụ, tịch thu 10 gậy, phạt tiền 1.500.000đ; năm 2008: phát hiện 6 vụ, tịch thu 158 gậy, phạt tiền 4.500.000đ.

ĐOÀN HIỆP (thực hiện)

Tin cùng chuyên mục