Kiểm soát chặt an ninh trật tự vùng giáp ranh

Kiểm soát chặt an ninh trật tự vùng giáp ranh

Sáng 17-1, UBND TPHCM tổ chức Hội nghị các địa bàn giáp ranh phối hợp với TPHCM thực hiện đợt cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm trong dịp Tết Nguyên đán Ất Mùi. Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã đến dự.

Nhức nhối tội phạm ở vùng giáp ranh

 

Chủ tịch UBND TPHCM Lê Hoàng Quân yêu cầu UBND 24 quận, huyện của TP ngay lúc này phải rà soát địa bàn, có phương án trấn áp tội phạm hợp lý, hiệu quả; không để xảy ra tình huống bất ngờ, lúng túng, phức tạp, sớm có kế hoạch cụ thể trình UBND TP.

 

Năm 2014, trên địa bàn TPHCM đã xảy ra 6.381 vụ phạm pháp hình sự (so với cùng kỳ năm 2013 tăng 163 vụ), làm chết 98 người, bị thương 841 người, thiệt hại tài sản 112 tỷ đồng. Cơ quan Cảnh điều tra TP và các quận huyện đã điều tra, khám phá gần 4.248 vụ, triệt phá gần 879 băng nhóm, bắt hơn 2.142 đối tượng... Công an TPHCM nhận định, tình hình tội phạm đã và đang diễn biến phức tạp. Nguyên nhân chủ yếu là do các băng nhóm, người thất nghiệp ở các địa phương khác gần đây di chuyển vào TP ngày càng nhiều. Những đối tượng này cấu kết, hình thành các băng nhóm tội phạm có tổ chức, hoạt động tập trung tại các vũ trường, quán bar, khách sạn... dưới hình thức bảo kê. Ngoài ra, các đối tượng vãng lai trên còn mở các dịch vụ cầm đồ, hoạt động “tín dụng đen”, tổ chức vận chuyển, tàng trữ, mua bán hàng gian, hàng giả… với quy mô lớn.

Địa bàn tội phạm hoạt động nhiều hiện nay là khu vực giáp ranh giữa TPHCM với các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Long An và Tây Ninh. Phân tích điều này, Thiếu tướng Phan Anh Minh, Phó Giám đốc Công an TPHCM cho rằng do các khu vực giáp ranh trên có nhiều tuyến giao thông quan trọng đi qua như: quốc lộ 1A, 13, 1K… ngoài ra do nhu cầu ăn ở, sinh hoạt của công nhân, học sinh ngày càng tăng, hàng loạt khu dân cư, nhà trọ tự phát mọc lên; các loại hình kinh doanh dịch vụ nhạy cảm, kinh doanh có điều kiện (karaoke, cầm đồ, massage…) ăn theo khiến an ninh trật tự ngày càng phức tạp, tội phạm có đất ẩn náu, hoạt động.

Kiểm tra hành chính để kịp thời xử lý các đối tượng có dấu hiệu phạm tội.

Quận Thủ Đức là địa bàn nóng nhất về an ninh trật tự hiện nay của TP, càng về cuối năm, tội phạm ở khu vực này càng diễn biến rất phức tạp. Trong năm 2014, số vụ phạm pháp hình sự trên địa bàn quận Thủ Đức tăng 31,45% so với cùng kỳ năm 2013. Ở một số quận huyện khác như: 6, 8, Tân Bình, Bình Thạnh... các loại án nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng có xu hướng giảm nhưng án cướp, cướp giật, trộm cắp tài sản lại xảy ra nhiều, hoạt động của các băng nhóm tội phạm lưu động tăng mạnh. Thiếu tướng Phan Anh Minh dự báo, thời gian tới, nhất là thời điểm giáp tết Nguyên đán Ất Mùi, các băng nhóm sẽ hình thành nhanh hơn, hoạt động mạnh động hơn và thường xuyên di chuyển chứ không co cụm như trước đây.

Tăng cường phối hợp trấn áp tội phạm

“Để tội phạm kéo giảm, cùng với TPHCM, các địa phương phải tăng cường trao đổi thông tin đối tượng, cập nhật và cung cấp kịp thời tình hình hoạt động băng nhóm hoạt động lưu động. Đặc biệt, phải chú ý đến các băng nhóm, đối tượng hình sự nổi cộm trong hoạt động phạm tội có tổ chức, hoạt động bảo kê, đòi nợ thuê, hoạt động gây án nghiêm trọng; các đối tượng gây án bỏ trốn đang bị truy nã…” - Thiếu tướng Phan Anh Minh kiến nghị.

Trung tướng Triệu Văn Đạt, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát Phòng chống tội phạm lưu ý TPHCM và các địa phương khác phải chủ động tích cực trong công tác phòng chống tội phạm. Phải kịp thời ngăn chặn các vụ trọng án gây hoang mang trong nhân dân; tập trung xử lý quyết liệt các băng nhóm xã hội đen, đâm thuê, chém mướn, siết nợ, đòi nợ thuê, trộm cắp, cướp giật; Mở đợt cao điểm kiểm tra, xử lý các cơ sở kinh doanh cầm đồ. Ngoài ra, phải xem trọng công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức người dân, để người dân cùng với chính quyền phòng chống tội phạm hiệu quả.

Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu công an các địa phương phải xem trọng công tác nắm tình hình, thường xuyên chia sẻ thông tin trong trấn ấp tội phạm để tạo sức mạnh chung trong phòng ngừa, trấn áp tội phạm. Tại các vùng giáp ranh phải tăng cường công tác phối hợp, tuần tra, kiểm tra. Tuyệt đối không được để tội phạm nơi này chạy qua địa bàn khác, không để trống địa bàn. Cần mở các đường dây nóng để người dân biết, phối hợp tố giác tội phạm… Địa phương nào để tội phạm phát sinh, xảy ra án nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng, cấp ủy, lãnh đạo nơi đó phải chịu trách nhiệm.

Giải quyết một số vụ khiếu nại phức tạp, kéo dài

Cùng ngày, tại TPHCM, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã trực tiếp chỉ đạo, giải quyết một số vụ khiếu nại phức tạp, kéo dài trên địa bàn các tỉnh phía Nam. Cụ thể là các vụ khiếu nại của ông Trần Văn Thức, ngụ tại xã Hưng Thuận, huyện Trảng Bàng, tỉnh Tây Ninh; khiếu nại của ông Nguyễn Thu Răng trú tại xã Tân Mỹ, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An.

Sau khi nghe Thanh tra Chính phủ cùng đại diện địa phương báo cáo quá trình kiểm tra, rà soát và giải quyết các vụ việc nêu trên, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã phân tích những khó khăn, vướng mắc dẫn đến tình trạng kéo dài các vụ việc, đồng thời chỉ đạo các cơ quan liên quan khẩn trương triển khai ngay những biện pháp tháo gỡ khó khăn, giải quyết dứt điểm các vụ việc theo hướng có tình, có lý. Các đơn vị, địa phương, trong quá trình giải quyết đơn thư khiếu nại cần tổ chức đối thoại trực tiếp để lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của người dân, tập trung xem xét hoàn cảnh gia đình của các bên liên quan để có hướng giải quyết thỏa đáng.

Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc lưu ý UBND các tỉnh, thành, các cơ quan liên quan cần thực hiện nghiêm chỉ đạo của Chính phủ nhằm xử lý kịp thời, hiệu quả đơn thư khiếu nại của người dân theo đúng quy định của pháp luật, hạn chế tối đa các vụ khiếu kiện kéo dài gây tốn kém, ảnh hưởng không tốt đến cuộc sống của người dân.

Đánh giá về công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại hiện nay, theo báo cáo của Thanh tra Chính phủ, trong năm 2014, số lượng đơn tố cáo đã giảm nhưng tính chất các vụ việc lại ngày càng gay gắt. Bên cạnh đó, chất lượng giải quyết khiếu nại, tố cáo chưa cao, còn chậm một số trường hợp do áp dụng pháp luật không đúng dẫn đến khiếu nại kéo dài.

TUẤN VŨ

Tin cùng chuyên mục