Phó khoa Hồi sức cấp cứu bị người nhà bệnh nhân đánh vỡ đầu

(SGGPO). - Bác sĩ Vương Trung Kiên, Giám đốc Bệnh viện đa khoa Thạch Thất, Hà Nội cho biết vụ hành hung bác sĩ của bệnh viện xảy ra vào khoảng 12 giờ 30 ngày 16-4. Người bị hành hung là bác sĩ Lê Quang Dương, Phó khoa Hồi sức cấp cứu, đồng thời là trưởng kíp trực ngày 16-4. Người hành hung là bố một bệnh nhi đang điều trị tại khoa Nhi.

Bác sĩ Kiên cho biết thêm, con của người hành hung nhập viện ngày 13-4 với chẩn đoán bị tiêu chảy do rotavirus. Đến ngày 16-4, người nhà bệnh nhi này có yêu cầu chuyển viện, khi đó trưởng kíp trực xuống giải thích cho người nhà bệnh nhân. Tuy nhiên, trong khi bác sĩ Dương đang xem lại hồ sơ bệnh án để làm các thủ tục cho bệnh nhi chuyển viện thì bố cháu bé bất ngờ dùng một chiếc cốc thủy tinh đập thẳng vào đầu bác sĩ khiến bác sĩ Dương bất tỉnh, rách da đầu phải khâu 7 mũi. Sau đó, người nhà bệnh nhân còn dùng nhiều lời lẽ hăm dọa, thậm chí là dọa giết nhân viên y tế. 

Bác sĩ Lê Quang Dương bị người nhà bệnh nhân hành hung

Ngay sau khi nhận được thông tin về vụ việc trên, lãnh đạo bệnh viện cùng lực lượng công an huyện Thạch Thất đã có mặt tại hiện trường và áp tải người hành hung bác sĩ về trụ sở cơ quan công an để điều tra làm rõ.

Bác sĩ Vương Trung Kiên cho biết thêm, vào thời điểm đó, tình trạng của bệnh nhi ổn định, không còn đi ngoài, không cần thiết phải chuyển viện, Bệnh viện vẫn đủ khả năng kiểm soát bệnh và điều trị. Tuy nhiên người nhà sốt ruột không đồng ý ở lại viện, thậm chí có hành vi đe dọa nên theo đề nghị của gia đình, bệnh viện đồng ý ký giấy cho chuyển trẻ lên Bệnh viện Nhi Trung ương.

Được biết, bác sĩ Lê Quang Dương là người nơi khác đến theo diện thu hút nhân lực chất lượng cao cho bệnh viện và là bác sĩ có chuyên môn tốt, hết lòng vì bệnh nhân.

Thống kê của Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế cho thấy, tính từ năm 2010 đến nay, cả nước ghi nhận hàng chục vụ việc điển hình về mất an ninh trật tự bệnh viện. Các vụ việc chủ yếu xảy ra ở các bệnh viện tuyến tỉnh (chiếm 60%), tiếp đến là bệnh viện tuyến trung ương (chiếm 20%). Đối tượng bị tấn công chủ yếu là bác sĩ (70%), điều dưỡng (15%). Đáng lo ngại là có đến 90% số vụ việc mất an ninh trật tự, tấn công y, bác sĩ xảy ra trong khuôn viên bệnh viện, trong khi thầy thuốc đang cấp cứu, chăm sóc cho người bệnh, 60% còn lại xảy ra khi thầy thuốc đang giải thích cho người bệnh và người nhà người bệnh.

NGUYỄN QUỐC

Tin cùng chuyên mục