Quyết kéo giảm tai nạn giao thông đường sắt

Theo báo cáo mới nhất của Ủy ban An toàn giao thông (ATGT) quốc gia, từ đầu năm đến nay, tai nạn giao thông nói chung đã giảm cả 3 tiêu chí số vụ, số người chết, số người bị thương, tuy nhiên, tai nạn đường sắt (TNĐS) lại tăng mạnh. Trong 8 tháng của năm 2015, đường sắt đã xảy ra 163 vụ tai nạn làm 145 người chết, tăng trên dưới 50% so với cùng kỳ năm trước. Vì sao TNĐS vẫn tăng và làm thế nào để giải quyết tình trạng này, PV Báo SGGP đã có cuộc trao đổi với ông Đới Sỹ Hưng (ảnh), Phó Tổng giám đốc Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam (ĐSVN), xung quanh vấn đề này.
Quyết kéo giảm tai nạn giao thông đường sắt

Theo báo cáo mới nhất của Ủy ban An toàn giao thông (ATGT) quốc gia, từ đầu năm đến nay, tai nạn giao thông nói chung đã giảm cả 3 tiêu chí số vụ, số người chết, số người bị thương, tuy nhiên, tai nạn đường sắt (TNĐS) lại tăng mạnh. Trong 8 tháng của năm 2015, đường sắt đã xảy ra 163 vụ tai nạn làm 145 người chết, tăng trên dưới 50% so với cùng kỳ năm trước. Vì sao TNĐS vẫn tăng và làm thế nào để giải quyết tình trạng này, PV Báo SGGP đã có cuộc trao đổi với ông Đới Sỹ Hưng (ảnh), Phó Tổng giám đốc Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam (ĐSVN), xung quanh vấn đề này.

* Phóng viên: Trong khi tai nạn giao thông đường bộ bước đầu đã được kiềm chế thì TNĐS lại vẫn tăng. Mặc dù Thủ tướng Chính phủ, lãnh đạo Bộ GTVT đã có chỉ đạo trực tiếp nhưng dường như việc kiểm soát TNĐS vẫn đang rất khó khăn. Vì sao vậy thưa ông?

Quyết kéo giảm tai nạn giao thông đường sắt ảnh 1

* Ông ĐỚI SỸ HƯNG: Qua phân tích các vụ tai nạn xảy ra từ đầu năm đến nay, có thể thấy 79% số vụ xảy ra ở các đường ngang dân sinh, trong đó, nguyên nhân chủ yếu là các phương tiện ô tô khi đi qua đường ngang không chấp hành tín hiệu giao thông đường sắt, vượt đèn đỏ tại đường ngang, không dừng quan sát tàu hỏa trước khi qua đường ngang… Mặc dù chúng tôi đã có rất nhiều giải pháp để kiềm chế TNĐS trong những năm qua, ví dụ từ năm 2013, có 34 tỉnh thành đã ký quy chế phối hợp với Bộ GTVT, nhiều tỉnh thành đã rất tích cực tham gia tìm mọi biện pháp như hỗ trợ cảnh giới đường ngang, giải tỏa tầm nhìn, hỗ trợ kinh phí đầu tư… Tuy nhiên, do cơ sở hạ tầng, giải pháp đầu tư chưa đồng bộ, kết hợp một phần ý thức của người tham gia giao thông yếu kém, bên cạnh đó, sự phối kết hợp giữa một số địa phương với Tổng Công ty ĐSVN về quản lý hành lang ATGT đường sắt chưa đạt hiệu quả cao nên diễn biến TNĐS vẫn tiềm ẩn phức tạp khó lường.

* Được biết, trong nhiều năm qua, Tổng Công ty ĐSVN đã rất nỗ lực đầu tư cải tạo hành lang ATGT đường sắt với nguồn kinh phí không nhỏ nhưng dường như những đầu tư này chưa đem lại hiệu quả như mong muốn?

* Tại dự án Lập lại trật tự hành lang an toàn đường bộ, đường sắt theo Quyết định số 1856/QĐ-TTg, chúng ta cần đến gần 60.000 tỷ đồng cho công tác lập lại trật tự hành lang an toàn đường bộ, đường sắt. Tuy nhiên, cho đến nay, chúng ta mới làm được việc giải phóng cơ bản cầu đi chung đường bộ, đường sắt; xây dựng một số cầu vượt, hầm chui, xây dựng hàng rào ngăn cách đường sắt với quốc lộ, làm đường gom, nâng cấp sửa chữa hàng trăm đường ngang… với nguồn kinh phí chỉ đáp ứng khoảng 5% so với nhu cầu. Không thể phủ nhận hiệu quả của công tác đầu tư này bởi vì theo số liệu chính thức của ngành, sau 5 năm (2009 - 2014) triển khai kế hoạch, TNĐS đã giảm sâu cả 3 tiêu chí, giảm hàng trăm vụ và giảm hàng ngàn người chết, bị thương. Nhưng rõ ràng kết quả này chưa bền vững, thực tế là từ đầu năm đến nay TNĐS tăng trở lại. Tôi cho rằng, kế hoạch lập lại trật tự hành lang an toàn đường bộ, đường sắt cần được thực hiện được rốt ráo hơn, tiến tới xóa bỏ hoàn toàn đường ngang bất hợp pháp thì TNĐS mới được kiểm soát.

* Vậy để ngăn chặn TNĐS, từ nay đến cuối năm 2015, Tổng Công ty ĐSVN sẽ làm gì?

* Trong khoảng 2 tháng trở lại đây, Tổng Công ty ĐSVN đã triển khai việc lắp đặt khoảng 150 bộ cần chắn tự động hỗ trợ cho 150 đường ngang cảnh báo tự động hiện có, lắp đặt khoảng 150 giàn chắn, cần chắn điện tại các đường ngang có người gác để giảm nhân lực gác chắn. Bên cạnh đó, tổng công ty cùng với các tỉnh, địa phương có đường sắt đi qua lập hồ sơ quản lý từng đường ngang và đường dân sinh trên từng mét đường sắt để đưa ra biện pháp quản lý, ưu tiên xử lý các điểm đen về tai nạn. Đồng thời, tiếp tục cùng với các tỉnh thành tăng cường lực lượng cảnh giới các đường ngang đường dân sinh có nhiều nguy cơ tiềm ẩn tai nạn, tiếp tục tuyên truyền sâu rộng trên mạng lưới thông tin truyền thông trên cả nước để người dân hiểu rõ và tiếp nhận công nghệ mới mà ngành đưa vào áp dụng trên toàn quốc.

Về lâu dài, Tổng Công ty ĐSVN sẽ từng bước triển khai dự án theo Quyết định về Kế hoạch lập lại trật tự hành lang an toàn đường bộ, đường sắt của Chính phủ, bao gồm đầu tư xây dựng trên 300km đường gom, hàng rào đường gom, hàng rào ngăn cách đường sắt và khu dân cư, trên 60 cầu vượt đường sắt, hoàn thiện các đường ngang… giải phóng hành lang ATGT đường sắt bước 1, bước 2 theo đúng lộ trình kế hoạch của Thủ tướng Chính phủ. Bên cạnh đó, tiếp tục nghiên cứu, đề xuất Bộ GTVT sửa đổi Điều lệ đường ngang theo hướng chỉ có 2 loại hình đường ngang là: đường ngang có người gác và đường ngang cảnh báo tự động có cần chắn tự động (đóng 1/2 đến 2/3 bề rộng đường ngang). Tôi tin rằng, với sự quan tâm của Chính phủ, Bộ GTVT, sự vào cuộc đồng bộ của chính quyền địa phương và sự quyết tâm nỗ lực tột bậc của ngành thì chắc chắn trong thời gian tới, TNĐS sẽ giảm cả 3 tiêu chí.

* Cảm ơn ông!

BÍCH QUYÊN (thực hiện)

Tin cùng chuyên mục